Khi Big Tech bị đẩy vào bàn đàm phán với báo chí

Quang Đăng - 19/06/2023 22:30 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh Internet phát triển bùng nổ như hiện nay, thói quen đọc của người dùng đã chuyển dần sang các nền tảng công nghệ và mạng xã hội, đặt ra thách thức lớn cho ngành báo chí toàn cầu. Thực trạng này đã khiến chính phủ nhiều nước gia tăng sức ép nhằm đẩy các “ông lớn” công nghệ (hay còn gọi là “Big Tech”) vào bàn đàm phán và yêu cầu họ trả tiền cho nội dung tin tức.

VNF
Trước khi Bộ luật “Thương lượng giữa nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức” được thông qua, Facebook đã chặn tất cả tài khoản của các cơ quan báo chí Australia để thể hiện sự phản đối

Các Big Tech vào tầm ngắm

Các nhà lập pháp bang California (Mỹ) hiện đang thúc đẩy thông qua dự luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí California (CJPA) nhằm buộc các nền tảng trực tuyến lớn phải trả “phí sử dụng báo chí” khi họ bán quảng cáo cùng với nội dung tin tức. Dự luật này được cho là có thể cung cấp một “phao cứu sinh” cho các hãng tin địa phương hiện đang phải chứng kiến doanh thu quảng cáo “chảy” vào túi các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook.

Cụ thể, dự luật nhắm tới các nền tảng trực tuyến có ít nhất 50 triệu người sử dụng thường xuyên ở Mỹ mỗi tháng, 1 tỷ người sử dụng thường xuyên trên thế giới hoặc có giá trị vốn hóa thị trường trên 550 tỷ USD.

Theo văn bản của dự luật, các khoản phí được trả sẽ dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu quảng cáo mà nền tảng nhận được và thiết lập thông qua quy trình trọng tài do dự luật quy định. Các nhà xuất bản tin tức sẽ được yêu cầu chi 70% lợi nhuận từ các khoản phí đó cho các hoạt động báo chí.

Bà Danielle Coffey, giám đốc điều hành của News Media Alliance, một hiệp hội thương mại cho ngành tin tức và tạp chí, cho rằng: “Dự luật của California gửi một thông điệp rằng Mỹ, giống như các quốc gia khác trên thế giới, ủng hộ việc các công ty công nghệ lớn trả thù lao cho những người sáng tạo nội dung để có nền báo chí chất lượng”.

Tại Liên minh châu Âu (EU), những “gã khổng lồ” công nghệ cũng được yêu cầu trả phí bản quyền cho các đơn vị xuất bản đối với các liên kết (link) được đăng trong kết quả tìm kiếm hoặc nguồn cấp dữ liệu. Các dự luật tương tự cũng được xem xét tại nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như Canada và Úc.

Chiến thuật ”gây sợ hãi”

Trong một động thái được đánh giá là “ngạo mạn”, Meta mới đây tuyên bố công ty sẽ chặn bất cứ liên kết báo chí nào được chia sẻ lên các nền tảng của hãng như Facebook và Instagram nếu dự luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí California được phê duyệt.

“Khung pháp lý này đang buộc chúng tôi phải trả tiền cho những đường link và các nội dung mà chúng tôi không đăng tải và đó cũng không phải là lý do khiến đại đa số mọi người sử dụng nền tảng của chúng tôi. Nếu dự luật này được thông qua, chúng tôi sẽ buộc phải xóa tin tức khỏi Facebook và Instagram thay vì trả tiền cho một quỹ đen chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty truyền thông lớn. Điều đó có nghĩa là người dùng ở California sẽ không thể đọc, đăng hoặc chia sẻ tin tức trên Instagram hoặc nguồn cấp tin tức của Facebook”, người phát ngôn của Meta, ông Andy Stone, tuyên bố.

Theo lập luận từ phía Meta, cần phải tính đến giá trị nền tảng tạo ra với các hãng tin khi họ trở thành một kênh phân phối nội dung. Ông Stone cho biết giá trị mà họ nhắc đến ở đây chính là khả năng “tăng lưu lượng truy cập và lượt theo dõi” cho các hãng tin.

Ở động thái tương tự, trong tuyên bố đưa ra hồi đầu tháng 6, Meta cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm hạn chế một số người dùng và nhà xuất bản xem hoặc chia sẻ một số nội dung tin tức trên các trang mạng xã hội Facebook và Instagram ở Canada. Những người dùng ở Canada trong diện thử nghiệm sẽ nhận được thông báo nếu cố chia sẻ nội dung tin tức. Meta triển khai thử nghiệm trên sau khi chính phủ Canada hồi tháng 4/2022 đề xuất “Đạo luật Tin tức Trực tuyến”, trong đó có quy định các nền tảng như Facebook và Google phải đàm phán thỏa thuận thương mại và trả tiền nội dung tin tức cho các nhà xuất bản tin tức tại Canada.

Cùng chung quan điểm, Google hồi cuối tháng 2 cũng tuyên bố hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức ở Canada trong vòng 5 tuần nhằm “thử nghiệm nhanh các phản ứng tiềm năng” liên quan dự luật của Canada. Quyết định này ảnh hưởng đến 4% người dùng công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới này tại Canada.

Già néo đứt dây?

Không thể phủ nhận việc cấm chia sẻ “link” báo chí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả các trang tin tức và người dùng mạng xã hội, tuy nhiên động thái cứng rắn từ phía Meta và Google được đánh giá có thể phản tác dụng. “Đó là chiến thuật gây sợ hãi mà Meta đang cố gắng triển khai, nhưng có thể không thành công ở mọi quốc gia. Thật nghiêm trọng khi một trong những công ty giàu có nhất thế giới thà chặn báo chí hơn là đối mặt với các quy định”, ông Buffy Wicks, thành viên đảng Dân chủ và hiện phục vụ trong chính quyền bang California, cho hay. Còn theo ông Jasmine Enberg, nhà phân tích truyền thông xã hội của Insider Intelligence, việc cấm nội dung tin tức là sự thua cuộc đối với cả Facebook lẫn nhà xuất bản bởi tin tức tạo ra rất nhiều tương tác trên Facebook và mang lại cho họ tiền quảng cáo.

Trước đó, hồi tháng 3/2021, Australia đã gây tiếng vang với cả thế giới khi thông qua Bộ luật “Thương lượng giữa nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức”. Bộ luật này quy định các nền tảng công nghệ như Google và Facebook phải đàm phán với các nhà xuất bản để đạt được thỏa thuận cấp phép tin bài xuất hiện trên trang tìm kiếm Google và nguồn cấp dữ liệu của Facebook. Nếu không, hai bên sẽ phải theo cách phân xử của chính quyền.

Một năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Viện Judith Neilson, một tổ chức thiện nguyện gây quỹ cho các dự án truyền thông đã công bố báo cáo cho thấy Google và Facebook đã trả cho các công ty truyền thông Australia khoảng 146 triệu USD trong năm 2021 liên quan tới bộ luật trên. Còn theo thống kê của Bộ trưởng Bộ Truyền thông Australia Paul Fletcher, Google đã ký 19 thỏa thuận nội dung với các nhà xuất bản tin tức, còn Facebook ký 11 thỏa thuận. Theo đánh giá của tạp chí về công nghệ Wired nổi tiếng tại Mỹ, có thể nói, Australia đã tạo ra một “bộ luật mẫu” để về lý thuyết có thể buộc Big Tech phải trả tiền khi sử dụng tin tức của các nhà xuất bản.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, đại diện Facebook tại Pháp cũng đạt được thỏa thuận với Liên minh báo chí thông tin (APIG), một tổ chức tập hợp nhiều tờ báo quốc gia và địa phương tại Pháp. Theo thỏa thuận này, Facebook sẽ trả tiền bản quyền tác giả cho các sản phẩm nội dung do các tờ báo nằm trong liên minh sản xuất và được người sử dụng của Facebook chia sẻ lại trên mạng xã hội này.

Alphabet, công ty mẹ của Google, hồi năm ngoái cũng đã ký thỏa thuận với 300 nhà xuất bản trên khắp châu Âu. Theo đó, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ sẽ trả tiền cho các trang web tin tức cho hoạt động hiển thị các đoạn trích của các tác phẩm báo chí trên kết quả tìm kiếm.

Không thể phủ nhận, sự ra đời và phát triển của mạng xã hội đã giúp báo chí truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra thách thức chưa từng có đối với các cơ quan báo chí nói riêng và các nhà báo nói chung. Hiện chính phủ nhiều nước đã tăng cường gây sức ép để Big Tech chia lại miếng bánh lợi nhuận cân bằng hơn. Dù nhiều nước đã học Australia, buộc Facebook, Google trả tiền cho báo chí, tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định rằng mọi chuyện vẫn chỉ ở điểm khởi đầu và chặng đường gian nan vẫn còn ở phía trước.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bình thường mới của giá vàng miếng: 100 triệu/lượng không còn 'sốc'

Bình thường mới của giá vàng miếng: 100 triệu/lượng không còn 'sốc'

(VNF) - Giá vàng SJC chính thức vượt 92 triệu đồng/lượng, tiến sát tới kịch bản 100 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng tới hơn 16 triệu đồng/lượng.

Tài sản khổng lồ tạm giữ trong Vụ Xuyên Việt Oil: 134 sổ tiết kiệm trị giá 1.320 tỷ

Tài sản khổng lồ tạm giữ trong Vụ Xuyên Việt Oil: 134 sổ tiết kiệm trị giá 1.320 tỷ

(VNF) - Liên quan đến vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh thành, cơ quan công an đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 1.320 tỷ đồng.

Mục tiêu 2030, có 2 triệu doanh nghiệp và 10 tỷ phú USD

Mục tiêu 2030, có 2 triệu doanh nghiệp và 10 tỷ phú USD

(VNF) - Với Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cộng đồng Dn Việt Nam đạt con số 2 triệu và có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Đấu với Tesla, Toyota sắp có Camry bản thuần điện

Đấu với Tesla, Toyota sắp có Camry bản thuần điện

Toyota có thể đang nhắm tới phân khúc Tesla Model 3 đang nắm giữ với dòng tên vừa được đăng ký bản quyền của mình.

Vàng 'điên cuồng' tiến lên 100 triệu/lượng, thách thức mọi biện pháp ngăn chặn

Vàng 'điên cuồng' tiến lên 100 triệu/lượng, thách thức mọi biện pháp ngăn chặn

(VNF) - Bất chấp những động thái mới của cơ quan quản lý nhằm bình ổn thị trường vàng, giá vàng miếng SJC vẫn tăng "điên cuồng". Nhiều chuyên gia nhận định đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tình thế, thị trường vàng cần nhiều hơn một giải pháp.

Cục Đăng kiểm chấn chỉnh các trung tâm chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt

Cục Đăng kiểm chấn chỉnh các trung tâm chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt là ở TPHCM triển khai các hình thức thanh toán để hỗ trợ người dân và

Vàng tăng giá 'điên cuồng', Chính phủ lệnh xử nghiêm đầu cơ, thao túng

Vàng tăng giá 'điên cuồng', Chính phủ lệnh xử nghiêm đầu cơ, thao túng

(VNF) - Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện kịp thời hơn các giải pháp quản lý và kiểm soát chặt giao dịch thị trường vàng; xử lý ngay tình trạng chênh cao giữa trong nước và quốc tế cũng như buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá.

Xây nhà máy AI 200 triệu USD: Nvidia chuyển máy chủ đầu tiên cho FPT

Xây nhà máy AI 200 triệu USD: Nvidia chuyển máy chủ đầu tiên cho FPT

(VNF) - Hệ thống máy chủ DGX H100 được nhập về Việt Nam đánh dấu bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa kế hoạch xây nhà máy AI của FPT và Nvidia.

Honda Việt Nam triệu hồi hơn 14.000 xe do lỗi bơm nhiên liệu

Honda Việt Nam triệu hồi hơn 14.000 xe do lỗi bơm nhiên liệu

(VNF) - Honda Việt Nam vừa tiến hành triệu hồi đối vối tổng số 14.162 xe, gồm các mẫu: Honda Jazz, Civic, CR-V, Accord, City và Odysey.

Công an Hưng Yên khởi tố LIFAN - Việt Nam vì buôn bán xe máy giả

Công an Hưng Yên khởi tố LIFAN - Việt Nam vì buôn bán xe máy giả

(VNF) - Sau gần 5 tháng nhận bàn giao hồ sơ và tang vật từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam.