Giao thông tuần qua: 'Tối hậu thư' cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, 40.500 tỷ kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 3

Chí Bình - 02/08/2020 13:16 (GMT+7)

(VNF) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Tiền Giang xử lý vướng mắc của chủ đầu tư để có thể thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm nay; Hà Nội đề xuất đầu tư hơn 40.500 tỷ kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

VNF
Hà Nội muốn kéo dài dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.

Thủ tướng yêu cầu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm nay

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác vừa có chuyến thị sát, kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là lần thứ 3 kể từ khi dự án được tái khởi động từ tháng 3/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến công trường chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đang còn tồn đọng nhằm bảo đảm mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020.

Báo cáo với Thủ tướng, ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn, mặn xâm nhập mạnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến khan thiếu nguồn nguyên vật liệu, gây trở ngại cho hoạt động thi công dự án…  Dù vậy, đến nay, so với thời điểm Thủ tướng vào thị sát hồi tháng 3/2020, khối lượng thực hiện đã được đẩy tăng từ 40% lên gần 60% (tăng 20%), bảo đảm đúng kế hoạch thông tuyến vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án là 2.186 tỷ đồng đã được tỉnh Tiền Giang giải ngân 1.776 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư, khó khăn vướng mắc hiện nay là Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang chưa thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn cho dự án do liên quan đến việc thu phí đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương-Mỹ Thuận. Chủ đầu tư đã đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm thống nhất quyết định vị trí đặt trạm thu phí để triển khai xây dựng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải tiếp tục triển khai dự án cầu Mỹ Thuận sớm nhất vì đã có nguồn vốn. Tuyến Mỹ Thuận đến Cần Thơ phải được xử lý sớm nhất thời gian tới. Đồng thời, nghiên cứu tuyến Cần Thơ- Cà Mau đưa vào kế hoạch 2021-2025 để hoàn thiện 365km từ TP. HCM đi Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Tiền Giang xử lý vướng mắc của chủ đầu tư; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm nay. (Xem thêm)

Năm 2020, Vinalines dự kiến lỗ 1.024 tỷ đồng

Theo báo cáo của Công ty mẹ - Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), trong 8 tháng đầu năm 2020, Vinalines chỉ đạt doanh thu 894 tỷ đồng, lỗ 139 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu đạt 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế âm 1.024,8 tỷ đồng.

Hiện tại, thời gian Đại hội cổ đông lần đầu của Vinalines đã được ấn định ngày 8/8/2020, tuy nhiên, những số liệu về kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do ngành hàng hải gặp chịu tác động lớn do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, cùng đó dịch Covid-19 lan rộng.

"Trước đó, tại tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu kinh doanh cũng khá khiêm tốn. Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao người đại diện phần vốn tại Vinalines phải hoàn thành một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu, trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 51 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đạt 0,42%; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn đầu tư không quá 390 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các mục tiêu đề ra khó thành hiện thực", đại diện Vinalines cho biết.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại kế hoạch kinh doanh điều chỉnh mới nhất trình Đại hội đồng cổ đông lần đầu (ngày 8/8), Vinalines đặt mục tiêu doanh thu 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế âm 1.024,8 tỷ đồng.

Trong đó 8 tháng đầu năm 2020 - thời điểm vẫn hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV lỗ 139,73 tỷ đồng, 4 tháng cuối năm 2020 - thời điểm chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lỗ 885,11 tỷ đồng.

Bên cạnh những tác động tiêu cực do Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển; việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của Công ty mẹ lỗ sâu. (Xem thêm)

'Dành 400 ngàn tỷ ưu tiên đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc'

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Chính phủ vừa có buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành GTVT nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng kế hoạch thực hiện đầu tư công năm 2020 của Bộ GTVT khoảng 39.762 tỷ đồng, gồm 35.977 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.785 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

Đến nay, Bộ GTVT đã cơ bản giao chi tiết toàn bộ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến 30/6/2020, Bộ đã giải ngân đạt 33,7% kê hoạch giải ngân cả năm (bình quân chung cả nước 28,9%).

Dự kiến tới hết tháng 7/2020, Bộ GTVT sẽ giải ngân 41,7% kế hoạch giải ngân cả năm, trong đó vốn trong nước giải ngân đạt 48,5%; vốn nước ngoài giải ngân đạt 34,3%. 

Nói về khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, “nút thắt” chính vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.

Theo quy định, vốn được bố trí cho Bộ GTVT, nhưng công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các địa phương, Bộ chỉ có thể hỗ trợ, phối hợp. Trong năm 2020, Bộ GTVT có tới khoảng 6.924 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Nhưng đến nay mới chỉ chi trả được khoảng 2.773 tỷ đồng và tiến độ chậm nhiều so với kế hoạch.

Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và cơ cấu tổng mức đầu tư một số dự án ODA cũng đang là vướng mắc, bởi một số dự án cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, Bộ GTVT đã trình nhưng chưa được phê duyệt.

Tương tự, về thủ tục điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn với một số dự án đang triển khai thực hiện có tiến độ nhanh, nhu cầu giải ngân lớn nhưng vượt kế hoạch trung hạn đã giao cần điều chỉnh để có cơ sở bố trí vốn tiếp tục triển khai thi công.

Báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công hiện nay là do công tác dự báo và lập kế hoạch, bởi Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

"Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó, thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2-3 năm, do đó thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít", Bộ trưởng Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ với nguồn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng.

Trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc với các tuyến trọng yếu như cao tốc từ Cần Thơ tới Mũi Cà Mau, kết nối cao tốc lên Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội-Hữu Nghị, cao tốc kết nối lên Móng Cái, cao tốc Hoà Bình-Mộc Châu-Sơn La…

“Để tránh việc kéo dài thời gian chờ đợi, chuẩn bị như hiện nay, Bộ GTVT đã giao các ban quản lý dự án lập báo cáo tiền khả thi cho tất cả các dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. (Xem thêm)

Phó thủ tướng: 'Dự án BOT phải công khai, minh bạch để tạo lòng tin với nhân dân'

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành GTVT, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, ngành giao thông còn đang đứng trước nhiều khó khăn cần phải nỗ lực để vượt qua.

Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt là tiến độ triển khai các dự án lớn còn chậm. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phải có 2.000km đường bộ cao tốc, nhưng hiện các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam dài khoảng 600km đang thực hiện rất chậm, phải hết năm 2021 mới hoàn thành kế hoạch.

Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt lạc hậu, năng lực vận tải thấp. Hệ thống các cảng hàng không, sân bay phát triển mạnh, nhưng quy hoạch chưa bài bản, thiếu đồng bộ.

Cảng biển có nhiều phát triển nhưng phân tán, thiếu đồng bộ, thiếu các cảng cạn (ICD), thiếu trung tâm logistics làm hạn chế năng lực logistics của Việt Nam, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh của hàng hoá.

Đường thuỷ nội địa phát triển chưa tương xứng với năng lực. Giao thông đô thị còn chậm, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng…

Phó thủ tướng cũng cho rằng nhu cầu vốn cho ngành giao thông là rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư công hạn chế, thì việc thu hút đầu tư xã hội gặp rất nhiều khó khăn. 

“Các đồng chí phải tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục những bất cập hiện nay của các dự án BOT, quan trọng là phải công khai, minh bạch để tạo lòng tin với nhân dân, với nhà đầu tư thì mới huy động được vốn xã hội hoá. Không có nguồn vốn xã hội, sẽ không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cho rằng hạn chế lớn nhất là công tác quy hoạch, kế hoạch hoá đầu tư của ngành giao thông còn rất chậm, thiếu bài bản, thiếu khoa học, thiếu tầm nhìn, không đạt được mục tiêu dẫn dắt, định hướng. (Xem thêm)

Hơn 40.500 tỷ kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai

UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (tuyến metro số 3).

Theo đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm báo cáo để Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và thành lập hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của Luật Đầu tư công để có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ ký kết, đàm phàn vốn ODA cho Dự án, ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND TP. Hà Nội mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với thành phố và các bộ, ngành liên quan tiến hành đàm phán về vay vốn với các nhà tài trợ.

Theo đề xuất, dự án có chiều dài 8,786km hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất) theo hành lang phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh. Tuyến gồm 2 đường ống hầm chạy song song, đi ngầm qua nút giao Ô Đống Mác (Vành đai 1), Mai Động (Vành đai 2) và kết thúc sau Vành đai 3.

Trên tuyến có 7 nhà ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu rộng 9,8 ha (hiện là vùng ao trũng ở phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở, dùng Depot chung của tuyến Nhổn - ga Hà Nội).

Khổ đường ray của dự án là 1,435m, đoàn tàu là loại có 4 toa, chỗ ngồi cố định tối thiểu 156 khách/đoàn. Điện áp sử dụng cho hệ thống là DC-750V với hình thức cấp điện bằng dây cáp thứ 3, như thiết kế của đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1,75 tỷ USD, tương đương khoảng 40.577 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA (34.297 tỷ đồng, từ Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan phát triển Pháp và Ngân hàng tái thiết Đức) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội (6.280 tỷ đồng, để chi giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác).

Dự kiến dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2030, trong đó các mốc tiến độ quan trọng gồm: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cuối năm 2020; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối năm 2020 – 2021; lựa chọn nhà thầu và thi công lắp đặt thiết bị từ năm 2022 đến năm 2027; kiểm tra vận hành, chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.

Về cơ bản, đây là đoạn kéo dài của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và sử dụng chung hệ thống cơ điện, hệ thống vé, thông tin tín hiệu, khai thác hoạt động và vận hành bảo dưỡng của tuyến Nhổn – Ga Hà Nội. Do vậy, dự án không xây dựng khu Depot/tòa nhà điều hành OCC riêng biệt mà chỉ xây dựng 1 khu lập tàu tại Hoàng Mai. (Xem thêm)

Đồng Nai xin Trung ương 5.000 tỷ làm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 5.000 tỷ đồng phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn tỉnh.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến 77,8km. Bộ Giao thông vận tải chia dự án làm 2 thành phần: thành phần 1 từ TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến TX. Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài tuyến 46,8km; thành phần 2 từ TX. Phú Mỹ đến TP. Vũng Tàu có chiều dài tuyến 31km.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đoạn từ TP. Biên Hòa đến TX. Phú Mỹ có khoảng 34,8km đi qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tổng mức đầu tư cho đoạn TP. Biên Hòa đến TX. Phú Mỹ gần 15.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai có tổng mức đầu tư hơn 12.300 tỷ đồng. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 4.700 tỷ đồng và trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 720 tỷ đồng.

Do đó, để đảm bảo tính khả thi, dự án cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 7.300 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ hỗ trợ để thực hiện dự án 2.300 tỷ đồng.

Vào tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành trung ương xem xét giải quyết các vướng mắc liên quan dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo văn bản của UBND tỉnh này, năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đề xuất dự án thành phần số 1 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 9.228 tỷ đồng.

Thời gian hoàn vốn dự kiến 22 năm 3 tháng. Tuy nhiên, do phương án tài chính phê duyệt không khả thi, dự án chưa triển khai thực hiện. (Xem thêm)

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Doanh số bán iPhone giảm ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc

Doanh số bán iPhone giảm ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc

(VNF) - Theo kết quả kinh doanh mới nhất vừa được Apple công bố, doanh số bán iPhone đã giảm ở hầu hết các thị trường trên toàn cầu.

Cổ phiếu ngân hàng phát tín hiệu, kỳ vọng dần dâng lên

Cổ phiếu ngân hàng phát tín hiệu, kỳ vọng dần dâng lên

(VNF) - Kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán dần dâng lên khi dòng tiền vào nhóm ngân hàng có xu hướng cải thiện, tâm lý thị trường cũng dần ổn định hơn, chỉ số và thanh khoản đều đi lên.

Thủ tướng: Khẩn trương thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Thủ tướng: Khẩn trương thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết.

Lãi quý I của Taseco Land tăng gấp 69 lần

Lãi quý I của Taseco Land tăng gấp 69 lần

(VNF) - Dù chỉ lãi sau thuế 10 tỷ đồng trong quý I/2024, song so với cùng kỳ, mức lãi này của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, UPCoM: TAL) đã tăng gấp 69 lần.

Một năm hơn 1.200 người nhập viện: Cảnh báo 'nóng' về thuốc lá điện tử

Một năm hơn 1.200 người nhập viện: Cảnh báo 'nóng' về thuốc lá điện tử

(VNF) - Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN).

Người dân đổ xô mua vàng bất chấp giá cao và ‘vấn nạn’ gia tăng ở Trung Quốc

Người dân đổ xô mua vàng bất chấp giá cao và ‘vấn nạn’ gia tăng ở Trung Quốc

(VNF) - Cơn sốt tích trữ vàng miếng và trang sức của người dân Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt dù giá vàng liên tục lập đỉnh, tuy nhiên đi cùng với đó là sự gia tăng các vụ lừa đảo vàng ở Trung Quốc.

Chung cư Hà Nội tăng giá mạnh: 'Không ai đủ sức thổi giá BĐS trong một thời gian dài'

Chung cư Hà Nội tăng giá mạnh: 'Không ai đủ sức thổi giá BĐS trong một thời gian dài'

(VNF) - Các chuyên gia bất động nhận định, thị trường bất động sản có sự tăng giá, nhất là căn hộ chung cư Hà Nội. Trao đổi với VietnamFinance, ông Bạch Dương - Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, giá phản ánh cán cân cung – cầu của thị trường, không ai đủ sức “thổi giá” bất động sản trong một thời gian dài.

Chân dung nữ Phó Bí thư được giao điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang

Chân dung nữ Phó Bí thư được giao điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang

(VNF) - Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được phân công tạm thời điều hành Tỉnh ủy Bắc Giang.

Đại án ngành đăng kiểm: 215 luật sư tham gia bào chữa

Đại án ngành đăng kiểm: 215 luật sư tham gia bào chữa

(VNF) - Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM đã ban hành cáo trạng số 252/CT-VKS-P3, chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân cùng cấp để xét xử vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Vụ án có số lượng hồ sơ lớn với hơn 286.070 bút lục và sự tham gia bào chữa của 215 luật sư.

Đón đầu Sân bay Long Thành, tính mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

Đón đầu Sân bay Long Thành, tính mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

(VNF) - Tại cuộc họp về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành, thuộc dự án đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc mở rộng đoạn TP. HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết, bảo đảm đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.