Giảm lãi suất: Rộng nhưng chưa đủ sâu

Minh Dũng - 31/03/2023 10:40 (GMT+7)

(VNF) - Lãi suất huy động và cho vay tại nhiều ngân hàng dần hạ nhiệt. Hầu hết các ngân hàng đều có động thái giảm lãi suất cho vay với tất cả các ngành nghề kể cả bất động sản. Tuy nhiên, mức giảm chưa đủ sâu để có thể sớm đảo chiều hiện trạng nền kinh tế.

VNF

Đồng loạt giảm lãi suất

Sau khi các ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, nhiều ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5%/năm. Riêng nhóm 4 NHTM Nhà nước giảm lãi suất 0,2% so với mức lãi suất hiện hành.

Như vậy, sau lần đồng thuận không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm vào cuối năm 2022, động thái mới nhất này là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa.

Thống kê vào đầu tháng 3, có khoảng 30 ngân hàng đã tham gia giảm lãi suất, mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5%/năm, chủ yếu cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Một số ngân hàng còn giảm lãi suất huy động tới 2%/năm. Từ 10/3, MB giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 7,6%/năm xuống 7,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống 7,8%/năm. Sacombank cũng mới điều chỉnh giảm khoảng 0,3-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ. Saigonbank giảm lãi suất 0,2-0,3 điểm % ở một số kỳ hạn.

Tại VPBank, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng còn 7,3%/năm, giảm tới 2% so với trước; lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5 điểm %. Tương tự, PGBank và OCB cùng hạ 0,5% lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn từ 6-12 tháng. Techcombank giảm 0,8%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Các NHTM nhà nước cũng tiến hành giảm lãi suất huy động tại quầy vào ngày 6/3 với mức giảm 0,2-0,3 điểm % so với trước.

Đến nay, hầu hết ngân hàng đã đưa lãi suất xuống dưới 9%/năm, không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. So với hồi đầu năm, lãi suất huy động giảm khoảng 0,5-1%/năm. Còn so với mức đỉnh trên 11%/năm vào cuối 2022, lãi suất huy động hiện giảm tới 1,5-2%/năm.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Thực tế, sau khi lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất cho vay cũng rục rịch giảm.

Từ ngày 8/3, Ngân hàng TMCP Tiên Phong giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%/năm với lãi suất ưu đãi dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. NHNN công bố, đến cuối tháng 2/2023, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022, duy trì trong khoảng 10-15%/năm tùy theo khoản vay.

Không chỉ giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, các ngân hàng đang triển khai hàng loạt gói vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 1-3 điểm % cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến gói tín dụng 20.000 tỷ đồng của ACB nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp với mức giảm từ 1-3%/năm. Hay 2 gói tín dụng 100.000 nghìn tỷ đồng và 30.000 nghìn tỷ đồng của BIDV với lãi suất từ 8-10,9% để hỗ trợ khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh. VPBank dành 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Mức lãi vay giảm từ 0,5-1,5%/năm. Trong khi đó, VietinBank đang triển khai gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm. Techcombank cũng có chương trình giảm lãi suất 2% cho các khách hàng hiện hữu, với giá trị 30.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, gói ưu đãi, giảm lãi suất của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cơ hội phục hồi kinh tế

NHNN vừa cấp room tín dụng đợt 1 năm 2023 cho một loạt ngân hàng. Song đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho hay, room tín dụng không phải là vấn đề ở thời điểm này. Khi van tín dụng đã được mở, tiếp cận vốn không còn là vấn đề thì mối quan tâm lớn nhất lúc này là lãi suất.

Nhu cầu vay vốn của nền kinh tế vẫn rất lớn song nhóm doanh nghiệp khát vốn lại không đủ điều kiện để giải ngân; còn nhóm doanh nghiệp sản xuất được ngân hàng ưu tiên cho vay -lại không muốn vay vốn, vì đơn hàng giảm, lãi suất cao.

Tại hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp diễn ra mới đây ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải vay vốn với lãi suất hơn 10%. Theo các doanh nghiệp, lãi suất trung hạn trên 10% đang được áp dụng gây áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Các báo cáo khảo sát cho thấy, vài tháng nay, tốc độ giải ngân vốn tín dụng ra thị trường của các ngân hàng thương mại rất chậm. Trong khi đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) thời gian qua luôn dưới 50%, phản ánh các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng nguồn vốn “rẻ” không khan hiếm và ngân hàng vẫn đang “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cho vay. Bản thân ngân hàng cũng không muốn đẩy lãi suất cho vay quá cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, khiến rủi ro nợ xấu tăng.

Giới phân tích nhận định, dù lãi suất huy động đã giảm trên diện rộng nhưng lãi suất cho vay chưa giảm đủ sâu. Lãi suất tiền gửi huy động cao mà không cho vay được thì sẽ không thu được lợi nhuận. Vì vậy, lãi suất cho vay cần giảm hơn nữa để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp vay vốn.

TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất huy động hạ nhiệt nhưng lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm. Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III năm 2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn.

Nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, dù lãi suất huy động đã giảm ít nhiều nhưng lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào cung cầu vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng khi thấy rủi ro tín dụng cao, có thể họ yêu cầu NIM chênh lệch huy động cao để có dư địa, sau đó trích lập dự phòng. Để giảm lãi suất cho vay trở thành xu hướng và trên diện rộng, cần có các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
 

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Ấn Độ nhập khẩu 46,5 tỷ USD dầu từ Nga, thâm hụt thương mại tăng gấp 8 lần

Ấn Độ nhập khẩu 46,5 tỷ USD dầu từ Nga, thâm hụt thương mại tăng gấp 8 lần

(VNF) - Ấn Độ đã nhập khẩu lượng dầu thô trị giá hơn 46 tỷ USD từ Nga trong năm tài chính 2024, ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại.

Nở rộ app công nghệ bất động sản: Rời rạc và đơn điệu

Nở rộ app công nghệ bất động sản: Rời rạc và đơn điệu

(VNF) - Ứng dụng (app) công nghệ về bất động sản hiện nay vẫn còn khá rời rạc, đơn điệu. Nhưng để tạo ra một app công nghệ có tích hợp đầy đủ công năng không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi doanh nghiệp công nghệ - bất động sản phải đầu tư dài hơi, nắm vững thị trường.

Hai doanh nghiệp 'so găng' làm khu dân cư 176 tỷ tại Hà Tĩnh

Hai doanh nghiệp 'so găng' làm khu dân cư 176 tỷ tại Hà Tĩnh

(VNF) - Công ty cổ phần Đầu tư tài chính H&A và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Thi là 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

DN của đại gia Đường 'bia' bị ngân hàng bán tài sản để siết nợ

DN của đại gia Đường 'bia' bị ngân hàng bán tài sản để siết nợ

(VNF) - Ngân hàng đang chào bán tài sản đảm bảo cho khoản vay của CTCP Đường Man của ông Nguyễn Hữu Đường (Đường 'bia') với giá 482,5 tỷ đồng. CTCP Đường Man ngập trong thua lỗ 4 năm liên tiếp, chưa thể trả nợ lãi trái phiếu.

Sáng nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước

Sáng nay, Quốc hội bầu Chủ tịch nước

(VNF) - Theo chương trình kỳ họp thứ 7, sáng nay (22/5) Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.

Điểm những dự án ở TP.HCM mở bán hàng nghìn căn hộ, giá 50 - 200 triệu/m2

Điểm những dự án ở TP.HCM mở bán hàng nghìn căn hộ, giá 50 - 200 triệu/m2

(VNF) - Dù thị trường được đánh giá là chững lại, tuy nhiên các chủ đầu tư vẫn chào giá căn hộ dự án mới tại TP.HCM với mức giá từ 50.000.000 đồng/m2 trở lên.

Loạt dự án BĐS ở Quảng Nam được gia hạn tiến độ

Loạt dự án BĐS ở Quảng Nam được gia hạn tiến độ

(VNF) - UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ban hàng loạt văn bản điều chỉnh tiến độ thực các dự án bất động sản trên địa bàn địa phương này.

Hình dáng Sân bay Long Thành hiện dần trên công trường bụi đỏ

Hình dáng Sân bay Long Thành hiện dần trên công trường bụi đỏ

(VNF) - Đồng Nai đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Do đó, ở thời điểm cuối mùa khô, với điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà thầu thi công các gói thầu Dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành đang tăng tốc thi công.

Đấu giá trúng rồi bỏ cọc, có thể bị cấm đấu giá đến 5 năm

Đấu giá trúng rồi bỏ cọc, có thể bị cấm đấu giá đến 5 năm

(VNF) - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Bất chấp lệnh cấm, BMW vẫn nhập 8.000 chiếc Mini Cooper có phụ tùng Trung Quốc

Bất chấp lệnh cấm, BMW vẫn nhập 8.000 chiếc Mini Cooper có phụ tùng Trung Quốc

(VNF) - Theo một báo cáo của Thượng viện Mỹ, hãng xe Đức BMW đã nhập khẩu ít nhất 8.000 xe Mini Cooper vào Mỹ với linh kiện điện tử từ một nhà cung cấp bị cấm của Trung Quốc .