Giải pháp nào để 'giữ chân' lao động sau đại dịch?

Mai Ly - 28/09/2021 08:38 (GMT+7)

Nhờ triển khai các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, đến nay một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu khôi phục hoạt động kinh tế và nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

VNF
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Mỹ

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của nền kinh tế, từ chuỗi cung ứng gián đoạn đến "mắt xích" nhân lực bị đứt gãy.

Để có thể nhanh chóng vực dậy nền kinh tế và "chung sống" an toàn với dịch COVID-19, các chính phủ và doanh nghiệp đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp để kêu gọi lực lượng lao động trở lại với các văn phòng và nhà máy.

Khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, cùng với kiểm soát tình trạng lây nhiễm dịch bệnh, là những ưu tiên quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Mỹ: Tiêm chủng bắt buộc

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người đi làm trở lại sau nhiều tháng làm việc ở nhà, câu hỏi về tình trạng tiêm vaccine của người lao động đang ngày càng được quan tâm và trong nhiều trường hợp còn trở thành điều kiện tuyển dụng.

Những việc làm và lĩnh vực yêu cầu người lao động phải tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 không chỉ trong công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều người như chăm sóc y tế và giáo dục, mà còn ở các lĩnh vực công nghệ, nhà hàng - khách sạn, du lịch và tài chính.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy tốc độ tiêm vaccine trên toàn quốc, yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên nhà nước, các nhà thầu làm việc với chính phủ và nhân viên y tế.

Việc khuyến khích người lao động tiêm vaccine, vừa để đảm bảo sức khỏe của họ và vừa để đưa hoạt động kinh doanh của công ty bình thường trở lại. Đây là một nỗ lực sâu rộng nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các ca mắc COVID-19 mới do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh.

Theo các quy định mới, Bộ Lao động Mỹ sẽ yêu cầu tất cả doanh nghiệp có 100 nhân viên trở lên phải đảm bảo công nhân của họ phải được tiêm chủng hoặc xét nghiệm mỗi tuần một lần.

Các công ty có thể phải đối mặt với hàng nghìn USD tiền phạt cho mỗi nhân viên nếu họ không tuân thủ quy định.

Đầu tháng Tám, United Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Mỹ thông báo rằng tiêm vaccine là yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên.

Những nhân viên không tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ tạm thời nghỉ phép không lương kể từ ngày 2/10 tới. Kể từ khi hãng hàng không này công bố chính sách tiêm chủng bắt buộc, đã có gần 20.000 nhân viên gửi lên giấy tờ tiêm chủng.

Bên cạnh thách thức trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động khi họ quay trở lại làm việc, kinh tế Mỹ còn đối mặt với tình trạng thị trường lao động ngày càng thắt chặt, đặc biệt là trong những lĩnh vực như bán lẻ và dịch vụ.

Trước thực trạng này, các công ty như Amazon, Walmart và McDonald's đã tiến hành tăng lương cho nhân viên để thu hút và giữ chân người lao động.

Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon, công ty tư nhân sử dụng nhiều lao động thứ hai tại Mỹ, đã quyết định tăng mức lương khởi điểm trung bình tại Mỹ để thu hút lao động.

Tập đoàn này đã tăng mức lương khởi điểm trung bình tại Mỹ lên hơn 18 USD/giờ và có kế hoạch tuyển dụng thêm 125.000 nhân viên kho và vận chuyển.

Việc trả mức lương hấp dẫn hơn cho thấy các tập đoàn lớn đang bằng mọi cách thu hút lao động khi thị trường lao động Mỹ đang ngày càng thắt chặt. Ngày càng ít người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp khi cơ hội việc làm ở mức cao kỷ lục nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại.

Italy: "Thẻ xanh COVID-19"

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thắt chặt quy định về tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với người lao động.

Một số quốc gia châu Âu như Anh và Pháp cũng yêu cầu người lao động của một số lĩnh vực như khu vực công hoặc đội ngũ y tế tiêm vaccine đầy đủ.

Đáng chú ý, Italy là quốc gia châu Âu có biện pháp quyết liệt nhất, với sắc lệnh bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có “thẻ xanh COVID-19”.

“Hộ chiếu này” là giấy chứng nhận cho việc một người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc đã khỏi sau khi mắc COVID-19.

Luật trên dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10 tới, quy định việc phạt đối với những lao động chưa tiêm vaccine hoặc không có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gần đây. Theo luật mới, những lao động không có "thẻ xanh" sẽ đối mặt với mức phạt tới 1.000 euro (1.182 USD).

Các bộ trưởng trong Chính phủ Italy cho rằng việc sử dụng "thẻ xanh" là giải pháp duy nhất để tránh phải khôi phục các biện pháp giãn cách như đóng cửa kinh doanh và hạn chế đi lại.

Trước đó, yêu cầu "thẻ xanh" đã được áp dụng cho người lao động trong một số ngành tại Italy, chủ yếu là giáo viên, nhân viên làm việc trong trường học và trường đại học, cũng như các nhân viên y tế.

Hiện có hơn 40 triệu người Italy được tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19, chiếm khoảng 75% dân số trên 12 tuổi.

Chính phủ nước này hy vọng có thể tăng tỷ lệ chủng ngừa thêm 4 triệu người. Trong khi đó, các nghiệp đoàn kêu gọi chính phủ cấp phép xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho những người lao động chưa được tiêm phòng.

Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận Covid-19 của khách hàng tham quan tại Rome, Italy

Trước đó, Viện Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) ghi nhận động lực tăng trưởng chính của thị trường việc làm trong quý II/2021 là nhờ sự gia tăng của lực lượng lao động tạm thời.

Một "bằng chứng" khác về sự phục hồi kinh tế của Italy là số lượng giấy phép đăng ký kinh doanh mới gia tăng, trong khi các vụ phá sản doanh nghiệp giảm trong quý II/2021.

Sau khi được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh mới đã vượt quá mức trước đại dịch trong các lĩnh vực như xây dựng, dịch vụ thông tin và truyền thông, tài chính, bất động sản.

Như vậy có thể thấy nhu cầu lao động đặc biệt cao ở Italy, việc đảm bảo an toàn cho người lao động có ý nghĩa quan trọng để nước này có thể “chung sống" an toàn với COVID-19.

Ấn Độ: Cách tiếp cận linh hoạt

Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng phát dữ dội tại Ấn Độ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này, nhưng tác động tổng thể được đánh giá không quá nghiêm trọng nhờ những nỗ lực của các doanh nghiệp và chính quyền bang trong việc thích ứng với tình hình mới.
Thay vì ban bố một lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt như trước Chính phủ đã để cho các bang tự áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng địa phương.

Các doanh nghiệp cũng nhờ đó dễ dàng thích nghi với quy định phòng chống dịch trên địa bàn, vừa có thể chăm lo tốt cho đời sống của người lao động để họ yên tâm làm việc vừa đảm bảo chu kỳ sản xuất không bị ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, việc Chính phủ Ấn Độ cho phép các công ty mua vaccine từ các nhà sản xuất là một động thái cho phép đẩy nhanh đáng kể quá trình tiêm chủng và dự kiến sẽ đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

Tập đoàn công nghiệp và dịch vụ RPG Group (công ty mẹ của KEC International) đã tiêm phòng cho 95% nhân viên đủ điều kiện tại 5 nhà máy sản xuất ở Ấn Độ và 25.000 nhân viên ở cấp tập đoàn.

Các doanh nghiệp Ấn Độ cũng áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích và hình thức hỗ trợ khác nhau để "giữ chân" người lao động, giúp họ yên tâm ở lại làm việc giữa lúc dịch bệnh hoành hành và đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp, qua đó đảm bảo chuỗi cung ứng và sản xuất không bị gián đoạn vì thiếu lao động

Ví dụ, tập đoàn RPG Group hiện đang chăm lo chu đáo cho người lao động và cũng đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, áp dụng các hệ thống và quy trình quản lý COVID-19 chặt chẽ... trong khi chi trả lương đầy đủ cho nhân viên.

Theo S&P Global Ratings, nền kinh tế Ấn Độ đang tăng tốc với triển vọng ổn định nhờ ngành sản xuất của Ấn Độ vẫn trụ vững trong làn sóng dịch nghiêm trọng nhất thế giới vừa qua.

Thái Lan: Mô hình "Hộp cát nhà máy"

Thái Lan đã ghi nhận tình trạng lao động nhập cư trở về nước và khó quay trở lại do dịch COVID-19, dẫn đến một lượng lớn công việc đang bị bỏ trống.

Các ngành bất động sản, xây dựng, nhà máy công nghiệp và khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu lao động. Một cuộc khảo sát vào tháng 5/2021 cho thấy Thái Lan cần hơn 400.000 lao động nhập cư.

Chính phủ nước này đã yêu cầu các văn phòng việc làm trên toàn quốc tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng lao động người Thái, ví dụ như thông qua các hội chợ việc làm hoặc phỏng vấn trực tuyến.

Mặt khác, giới chức Thái Lan cũng đề nghị Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) cho phép nhập khẩu lao động nhập cư theo một hệ thống biên bản ghi nhớ với các nước khác.

Trong giai đoạn đầu, khoảng 50.000-80.000 lao động từ các nước láng giềng sẽ được phép quay trở lại Thái Lan, nhưng phải tuân thủ theo những hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19, bao gồm cả việc cách ly bắt buộc. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải trả cho người lao động bảo hiểm y tế COVID-19.

Nằm trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19, Thái Lan cũng đang khuyến khích người nước ngoài giàu có và các chuyên gia có tay nghề cao ở lại và làm việc tại nước này.

Với các chính sách như giảm thuế thu nhập, được cấp thị thực dài hạn cùng với vợ/chồng và con cái, chương trình này hy vọng sẽ thu hút hơn 1 triệu người đủ tiêu chuẩn đến Thái Lan trong vòng 5 năm tới và tạo ra khoảng 1.000 tỷ baht (30 tỷ USD) trong giai đoạn này.

Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Thái Lan đã thí điểm mô hình “Hộp cát nhà máy”, theo đó tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2, tiêm vaccine và cách ly công nhân tại các nhà máy để duy trì hoạt động, hạn chế gián đoạn các ngành sản xuất.

Chương trình tập trung vào các nhà máy lớn sản xuất những mặt hàng như ôtô, thiết bị điện tử, thực phẩm, thiết bị y tế để xuất khẩu ở những tỉnh công nghiệp trọng điểm. Để tham gia chương trình, nhà máy phải có ít nhất 500 công nhân, một bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở cách ly, và dịch vụ đưa đón nhân viên.

Trong động thái mới nhất, Chính phủ Thái Lan đã dành 100 tỷ baht (khoảng 3 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19.

Trong hai tháng qua, Thái Lan đã đưa ra các biện pháp mới để hỗ trợ tài chính cho những người lao động trong hệ thống an sinh xã hội.

Có thể thấy, các quốc gia đã có nhiều biện pháp khác nhau để để “gỡ khó” cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực bởi đây là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế. Việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để giảm thiểu tỷ lệ tử vong sẽ giúp củng cố niềm tin của người lao động và khởi động quá trình quay trở lại an toàn với nơi làm việc.

Các biện pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất và kinh doanh phù hợp, tránh cho chuỗi cung ứng nhân lực và sản xuất bị đứt gãy sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới và nền kinh tế phục hồi hậu COVID-19.

Theo Bnews
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Đối tác Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực sớm hiện thực hoá Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

Đối tác Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực sớm hiện thực hoá Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

(VNF) - Lãnh đạo các cơ quan chính phủ Nhật Bản gần đây liên tục có các chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, một liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG (Việt Nam), nhằm sớm hiện thực hóa dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội.

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

'Ông lớn' Alibaba dự kiến chi hơn 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

(VNF) - Theo Nikkei Asia đối tác của Alibaba trong đầu tư xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là Viettel và VNPT.

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

Ông Trần Thanh Mẫn điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

(VNF)- Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm 2024

(VNF) - Theo tính toán của Chính phủ, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 sẽ làm giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

Xoá nợ của Pacific Airlines, Vietnam Airlines lãi kỷ lục 4.300 tỷ

(VNF) - Kết thúc quý I/2024, Vietnam Airlines lãi ròng 4.334 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 103 tỷ đồng. Đây là khoản lãi kỷ lục mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ

(VNF) - Chiều 2/5, Quốc hội đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ.

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Vinmec nhận 4 giải thưởng quốc tế về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững

Hệ thống Y tế Vinmec vừa nhận 4 giải quốc tế cho 4 hạng mục lớn: “Doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam”, “Doanh nghiệp vì cộng đồng tốt nhất”, “Doanh nghiệp trao quyền cho phụ nữ” và “Nơi làm việc tốt nhất” trong khuôn khổ Hội nghị CSR và ESG toàn cầu lần thứ 16.

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

Ngày 3/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

(VNF) - Sáng mai (3/5), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng, với khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, OECD nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu

(VNF) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo mới nhất, dựa trên những dấu hiệu sáng sủa hơn về lạm phát và nhu cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức khiêm tốn.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.