Đổi mới tư duy kinh tế: Yếu tố tiên quyết thúc đẩy đổi mới toàn diện

TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA - 10/02/2024 23:26 (GMT+7)

(VNF) - Mùa xuân là mùa gắn với đổi mới, sáng tạo, là mùa của muôn loài, vạn vật hồi sinh, đâm chồi nảy lộc và bắt đầu cho một tương lai. Muốn đổi mới, sáng tạo trong kinh tế, trước hết phải đổi mới tư duy. Tư duy của con người là nguồn vốn vô tận, là sức mạnh vô địch để đổi mới, sáng tạo và tiến lên. Xuân đến, đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa sẽ tạo động lực để đất nước vượt qua thách thức, phát triển bền vững hơn.

VNF
Ảnh minh hoạ

Gần 40 năm qua, tại Việt Nam, chính đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế là yếu tố tiên quyết khơi thông động lực cho đổi mới toàn diện đất nước. Xét cho cùng, sự thua kém, tụt hậu của một con người, một tổ chức và nhất là một quốc gia, không phải chỉ do hạn chế về khả năng hay nguồn lực, mà chủ yếu là do chậm đổi mới tư duy, thiếu áp lực cho những đổi mới triệt để về tư duy kinh tế, đổi mới cách nghĩ, cách làm.

Đổi mới tư duy kinh tế phải được coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục suốt thời kỳ quá độ. Để đạt được mục tiêu của đổi mới tư duy kinh tế, phát huy những thành tựu, giải quyết khắc phục những vấn đề đặt ra và thực hiện mục tiêu chung: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” việc nhận diện những thành quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra, từ đó tìm ra định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận về kinh tế của Đảng đang là đòi hỏi khách quan.

Quá trình đổi mới tư duy, phát triển lý luận kinh tế

1. Những thành công:

Một là, quá trình đổi mới tư duy phát triển lý xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn cả khó khăn và thuận lợi, đặc biệt là trong bối cảnh sự tan rã của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu ở thời kỳ đầu đổi mới tư duy chuyển từ nền kinh tế “hiện vật” sang thị trường; khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chuyển cách thức sản xuất từ rộng sang sâu, đại dịch Covid và những sang chấn chiến tranh… Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì tư duy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cho đến nay, thực tế đã chứng minh đây là con đường đi đúng đắn minh chứng bằng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa lịch sử mà nước ta đã đạt được trong gần 40 năm qua. Có thể khẳng định, quá trình đổi mới tư duy và phát triển lý luận kinh tế của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gần 40 năm qua là xuyên suốt nhất quán, ngày càng đạt được tính hoàn thiện, hệ thống; đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, giữa phát triển và hội nhập quốc tế.

Hai là, đã hình thành tư duy nhất quán có tính chiến lược về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Đây là một bước đột phá trong đổi mới tư duy lý luận kinh tế, giúp giải phóng sức sản xuất vốn bị kìm hãm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước kia. Trên cơ sở đó đã có những chủ trường, định hướng đúng đắn về phát triển nền kinh tế, từ đó huy động được tổng hợp các nguồn lực để xây dựng đất nước.

Ba là, đã có sự thay đổi cơ bản trong tư duy nhận thức về vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước vừa xây dựng chế độ, chính sách, vừa thực hành chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước đã được xác định rõ, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo dựng và cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, can thiệp vào nền kinh tế với mục tiêu sửa chữa những khuyết tật của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, Nhà nước cũng đóng vai trò là một chủ thể kinh tế trên thị trường thông qua việc đầu tư vốn và quản lý tài sản công.

Bốn là, một bước tiến lớn trong đổi mới tư duy nhận thức lý luận về kinh tế, thể hiện ở chính sách thị trường thông thương giữa các vùng trong cả nước và giữa trong nước với nước ngoài. Đó là chính sách “cởi trói” để hàng hóa được tự do lưu thông cùng với chính sách mở cửa hội nhập, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế thị trường được nhiều nước trên thế giới công nhận.

Năm là, tư duy về quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã chuyển dịch từ chỗ coi Nhà nước là chủ thế quyết định phân phối (phân phối lần đầu và phân phối lại) sang việc coi thị trường quyết định phân phối lần đầu và vai trò của Nhà nước trong việc phân phối lại. Cơ chế phân bổ nguồn lực bằng hiện vật và cào bằng chuyển sang phân bổ dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí hiệu quả, tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng tâm, đã góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong phân bổ ngân sách nói riêng và nguồn lực xã hội nói chung.

Sáu là, đổi mới tư duy phát triển đồng bộ các loại thị trường và các chủ thể tham gia thị trường. Phát triển thị trường không chỉ bao gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, tài sản, khoa học – công nghệ, tiền tệ và sức lao động. Trong đó thị trường tài chính đã được chú trọng, đặc biệt là thị trường vốn để tạo kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Nhận thức được vai trò tích cực của cơ chế thị trường và đa dạng hoá các chủ thể tham gia thị trường. Trong đó, Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, kế hoạch, cơ chế, chính sách, công cụ đòn bảy kinh tế và bằng nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước. Từng bước tách chức năng kinh doanh của doanh nghiệp và chức năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sở hữu, hình thành các định chế tài chính trung gian để thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách của nhà nước cũng như đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Bảy là, đã hình thành tư duy nhận thức nhất quán trong phát triển kinh tế, theo đó “phải gắn kinh tế với xã hội, thông nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trường kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển... mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội đều phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế...”.

2. Những hạn chế và vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, quá trình đổi mới tư duy lý luận kinh tế của Đảng về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta trong gần 40 năm qua vẫn còn một số hạn chế và vấn đề đặt ra cần khắc phục.

Một là, quá trình đổi mới tư duy lý luận kinh tế của Đảng trong những năm qua vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng như chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, nhất là việc cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách, đã cản trở sự đổi mới trên thực tế. Một số vấn đề lý luận cơ bản về định hướng chủ nghĩa xã hội trên các lĩnh vực ngoài kinh tế, chưa thật sự sáng rõ. Những khái niệm, nội hàm về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN... còn chậm được luận giải dẫn đến lúng túng trong áp dụng vào thực tiễn.

Hai là, tư duy các vần đề về quan hệ sở hữu, vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vấn đề sở hữu đất đai, cũng là vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải chăng “sở hữu nhà nước” về tư liệu sản xuất chủ yếu, đồng nhất với “chế độ công hữu”? Kinh tế nhà nước thế nào là “chủ đạo” trong nền kinh tế thị trường? Làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các DNNN, làm thế nào để kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc trong nền kinh tế?

Ba là, tư duy về tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu chưa được quán triệt sâu rộng triệt để trong các cấp, các ngành và địa phương. tăng trưởng kinh tế không ổn định, có xu hướng chững lại trong gần 15 năm trở lại đây; khối lượng tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Việc huy động các nguồn lực còn hạn chế, đặc biệt là huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh.

Bốn là, việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn kém hiệu quả, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, đầu tư dàn trải, thậm chi gây ra sự lãng phí các nguồn lực, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của các ngành, vùng. Chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. chính sách tiền lương và phân phối trong xã hội còn nhiều bất hợp lý.

Năm là, tư duy nhận thức về vai trò của hệ thống giá cả thị trường và cạnh tranh tự do trong nền kinh tế thị trường không rõ ràng, thể hiện qua thái độ đối với tình trạng độc quyền trong một số lĩnh vực của nhiều DNNN.

Sáu là, tư duy nhận thức về yêu cầu và nguyên tắc xây dựng đồng bộ hệ thống thị trường cũng như các yếu tố thị trường chưa được luận giải hợp lý; có tình trạng chia cắt thị trường giữa các bộ, ngành, địa phương; môi trường kinh tế (gồm cả vĩ mô và vi mô) chưa được hoàn thiện và chưa thực sự hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước và cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập.

Bảy là, tư duy chưa làm sáng tỏ cách thức phát huy hiệu quả những động lực mới để phát triển lực lượng sản xuất trong giai đoạn hiện nay, về quá trình tự do hóa kinh tế và dân chủ hóa trong đời sống xã hội. Thể chế kinh tế thị trường nói chung còn thiếu đồng bộ, nhất quán, điều này gây ra sự cản trở hoặc gia tăng sự méo mó trong vận hành cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Một số khuyến nghị

Trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, việc tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đòi hỏi phải đẩy mạnh đổi mới, cải cách về tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế mới có thể chạm đến các mục tiêu chiến lược đề ra. Theo tinh thần đó, chúng tôi xin gợi mở đôi điều về đổi mới tư duy lý luận kinh tế, góp phần tạo tiền đề khơi thông động lực đổi mới toàn diện đất nước trong giai đoạn mới.

1. Đổi mới tư duy kinh tế, chuyển mạnh phương thức sản xuất từ “rộng” sang “sâu”. Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, dựa trên cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch theo hướng hiệu quả tối đa, trên cơ sở tăng cường công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo làm đột phá cho giai đoạn phát triển mới dựa trên nền tảng thành quả của cách mạng 4.0. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

2. Đổi mới tư duy kinh tế, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh nhằm sớm tạo lập nền tảng tiên tiến, hợp lý, vững chắc của nền kinh tể thị trường định hướng XHCN. Hoàn thiện thể chế về sở hữu trên thực tế theo đúng tinh thần hiến pháp sửa đổi, tổ chức lại, sắp xếp lại căn bản khu vực DNNN gắn liền với khuyến khích mạnh mẽ, không hạn chế sự phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp nhằm sớm tạo ra thị trường cạnh tranh tương đối hoàn hảo.

3. Đổi mới tư duy kinh tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Thu hút mạnh đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào những ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của đất nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Phát huy quyền tự do kinh doanh theo hiến pháp của mọi công dân; đảm bảo mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh.

4. Đổi mới tư duy kinh tế, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về phân bổ nguồn lực, phân phối và phân phối lại theo hướng bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển. Các nguồn lực xã hội được phân bổ theo cơ chế thị trường và theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Nhà nước bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

5. Đổi mới tư duy kinh tế trong giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Khái niệm “đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp đổi mới kinh tế” đã được sử dụng rất phổ biến trong các tài liệu, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, lâu nay vẫn còn cách hiểu và vận dụng chưa đúng về mối quan hệ này. Cần khẳng định: “đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp đổi mới kinh tế” không có nghĩa là chính trị bị động và đi sau kinh tế mà có nghĩa là chính trị phải chủ động “đi trước”, mở đường cho kinh tế phát triển. Đổi mới chính trị không chỉ là ở mức độ “đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế” mà còn có gía trị dự báo, vượt trước, khai phóng mở đường cho kinh tế phát triển. Đổi mới chính trị cũng chính là hoàn thiện đường lối phát triển mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới chính trị (về mặt tư duy, tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị) “đồng bộ, phù hợp”, đồng hành với đổi mới kinh tế để kinh tế phát triển hiệu quả, bền vững hơn, là tích cực.. Nhưng tốt hơn, tích cực hơn (và cốt lõi hơn, đúng vai hơn), chính trị phải đổi mới ở tầm chủ trương, đường lối, chính sách có giá trị vạch đường, có tư duy vượt trước, trên cơ sở dự báo khoa học...để giải phóng mở đường cho kinh tế phát triển.

Tóm lại, đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, là nguồn động lực có sức mạnh kỳ diệu trong nâng cao năng lực và tầm vóc đi lên của mỗi cá nhân, tổ chức, và xã hội. Một khi đã thấy rõ những nội dung cần đổi mới trong tư duy, thảo luận sâu sắc và kiên quyết đổi mới triệt để là những bước đi ban đầu rất quan trọng. Đổi mới tư duy kinh tế cần trở thành sự lựa chọn khảng khái và dũng cảm của mỗi cá nhân, tổ chức, và toàn xã hội. Đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế sẽ tạo nên nền tảng vững chắc và sức mạnh tiềm tàng cho dân tộc ta phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm, đi tới vị thế vẻ vang và xứng đáng của mình trong cộng đồng quốc tế.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Coteccons: Lãi quý III tăng 4,7 lần, lãi 9 tháng tăng 6,5 lần

Coteccons: Lãi quý III tăng 4,7 lần, lãi 9 tháng tăng 6,5 lần

(VNF) - Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) tiếp tục trình diễn vũ điệu tăng trưởng đẹp mắt với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong quý III năm tài chính 2024.

Kỳ vọng gì từ dòng kiều hối đổ vào bất động sản?

Kỳ vọng gì từ dòng kiều hối đổ vào bất động sản?

(VNF) - Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều, lượng kiều hồi ước tính hàng tỷ USD mỗi năm được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực dòng tiền vẫn chưa vơi với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Giá chung cư leo thang không dừng, hàng chục triệu bạn trẻ hết cơ hội mua nhà?

Giá chung cư leo thang không dừng, hàng chục triệu bạn trẻ hết cơ hội mua nhà?

(VNF) - Quyền sở hữu nhà vẫn là một mục tiêu ngày càng khó đạt được đối với những người trẻ tuổi, đặc biệt trong bối cảnh chung cư “một mình một ngựa” thẳng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ.

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn và loạt đồng phạm

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn và loạt đồng phạm

(VNF) - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Tín Trung (68 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco) và 7 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ukraine bên bờ vực vỡ nợ, trái chủ gợi ý dùng tài sản của Nga

Ukraine bên bờ vực vỡ nợ, trái chủ gợi ý dùng tài sản của Nga

(VNF) - Các trái chủ nước ngoài đã tạm dừng thanh toán nợ của Ukraine vào năm 2022, nhưng sự kiên nhẫn của họ được cho là đã cạn kiệt. Theo tờ Wall Street Journal, một số chủ sở hữu trái phiếu cho rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để trả nợ cho Ukraine.

Quý I, Ricons lãi 14 tỷ, quỹ tiền suy giảm, phải thu gia tăng

Quý I, Ricons lãi 14 tỷ, quỹ tiền suy giảm, phải thu gia tăng

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận kết quả kinh doanh có phần kém tích cực trong quý I/2024 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều suy giảm so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

Hà Nội thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

(VNF) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD.

Hải Dương: Bất động sản Toàn Cầu bỏ 1.000 tỷ làm cụm CN 75ha

Hải Dương: Bất động sản Toàn Cầu bỏ 1.000 tỷ làm cụm CN 75ha

(VNF) - Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu sẽ là chủ đầu tư thực hiện Cụm công nghiệp Thái Tân tại Hải Dương.

Bỏ độc quyền và những nỗi lo mới về vàng

Bỏ độc quyền và những nỗi lo mới về vàng

(VNF) - Theo giới chuyên gia, việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng chỉ giúp hạ nhiệt giá vàng trong ngắn hạn. Trong khi đó, việc này sẽ tác động đến tỷ giá. Ngay cả việc nhập khẩu và đấu thầu tăng cung vàng cũng chỉ là tình thế và sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Thị trường cần giải pháp căn cơ không chỉ cho vàng mà cho sự ổn định chính sách tiền tệ.

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

Petrovietnam vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

(VNF) - Ngày 4/5/2024 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Lễ công bố vận hành chính thức Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ PVN – Giai đoạn 1.

Hà Nội thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

Hà Nội thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

(VNF) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD.