Diễn đàn VNF

'Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng quản lý'

(VNF) - Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện quyết liệt ba nhiệm vụ đột phá. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm và trở thành địa phương có sức hấp dẫn lớn trong thu hút đầu tư.

'Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng quản lý'

Ông Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

- Thưa ông, Quảng Nam đã làm những gì để thu hút đầu tư nhanh và hiệu quả?

Ông Đinh Văn Thu: UBND tỉnh luôn xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng quản lý. Do đó công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến nhà đầu tư trong và ngoài nước được triển khai bằng nhiều hoạt động với nhiều hình thức phong phú. UBND tỉnh đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ. Các dự án đầu tư, nhất là dự án đầu tư về giao thông ngày càng phát huy hiệu quả đã góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thân thiện, gần gũi giữa chính quyền và doanh nghiệp được quan tâm thực hiện có hiệu quả, từng bước đi vào chiều sâu.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, tạo sự thông thoáng, bình đẳng và xây dựng Quảng Nam trở thành “điểm đến của nhà đầu tư” đón đầu các làn sóng đầu tư mới, trong nhiều năm qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo nhóm ngành và lĩnh vực để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Quảng Nam. Cùng với việc chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, Quảng Nam quan tâm và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trước và sau cấp phép đầu tư.

- Thu hút đầu tư đạt hiệu quả thế nào trong những năm gần đây?

Với những nỗ lực to lớn trên, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Tính đến tháng 4/2019, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 6.864 doanh nghiệp, riêng trong 02 năm, 2017 và 2018 có hơn 3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, trong đó nhiều doanh nghiệp mang tầm quốc gia và khu vực, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lĩnh vực đầu tư cũng thu hút được nhiều dự án lớn trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 620 dự án đầu tư trong nước đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 170 nghìn tỷ đồng; 178 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 5,8 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 225 nghìn lao động. Hầu hết các dự án đầu tư vào Quảng Nam đều gặt hái thành công, đã và đang góp phần tích cực làm chuyển biến diện mạo kinh tế của tỉnh.

Một số thương hiệu quốc gia và quốc tế lớn đã hình thành và ngày càng khẳng định vị trí đẳng cấp của mình như: Ô tô Trường Hải, Kia, Hyundai, Mazda, Peugoes, Rieker, Inax, Groz Becker, Indochina Capital, The Nam Hai, Victoria, Golden Sand, Vingroup... Nổi bật là Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải hình thành cách đây hơn 15 năm với qui mô gần 37 ha đến nay đã phát triển thành khu liên hợp trên 600 ha và sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này với nhiều dự án đầu tư chiến lược mới. Các nhà đầu tư SunGroup, T&T, FLC... cũng đã sẵn sàng cho những dự án tầm vóc hơn.

Kết quả phân tích Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam trong những năm gần đây có sự cải thiện vượt bậc, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018 tỉnh Quảng Nam luôn xếp trong nhóm tốt và nằm trong Top 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 vừa mới được công bố, tỉnh Quảng Nam đứng thứ 07/63 tỉnh, thành phố, giữ nguyên so với năm 2017 (7/63), đứng thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung, sau thành phố Đà Nẵng. Kết quả này cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương.

Kết quả đáng ghi nhận hơn, là nhờ thực hiện có hiệu quả việc thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển. Khi tái lập (năm 1997), Quảng Nam là một trong những địa phương nghèo, hệ thống kết cấu hạ tầng tạm bợ, thu ngân sách chưa đến 130 tỷ đồng.

Ðến nay, thu ngân sách Nhà nước của địa phương đã vượt con số 20 nghìn tỷ đồng và là một trong 15 địa phương có đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Trung ương.

- Những khó khăn trong thu hút đầu tư của tỉnh là gì, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư của Quảng Nam vẫn còn một số hạn chế như: một số hình thức xúc tiến đầu tư chưa sâu rộng, nhà đầu tư vẫn còn gặp những khó khăn trong việc thực hiện một số thủ tục pháp lý do chưa hiểu luật pháp Việt Nam.

Quỹ đất sạch hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư các dự án mới. Kết cấu hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư...

- Quảng Nam có kế sách gì để tiếp tục thu hút đầu tư có hiệu quả trong thời gian tới?

Thời gian tới, Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao như trồng và chế biến hoa quả, cây nông nghiệp; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, hạ tầng sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông đô thị và một số lĩnh vực dịch vụ. Kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.

Để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; tích cực hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh, cắt giảm hơn nữa chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi và tích cực hỗ trợ các dự án mở rộng đầu tư; tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để kịp thời xử lý chấm dứt hoạt động đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, nhà đầu tư có dấu hiệu chây ì để chuyển nhượng trái phép, vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm cam kết với tỉnh nhằm làm cho môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng.

Đồng thời, chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hút đầu tư FDI, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ. Có chính sách phù hợp để thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước diễn ra mạnh mẽ hơn...

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên