Cổ phiếu bán lẻ: Cơ hội lúc 'nhá nhem'

Thanh Long - 25/09/2023 07:27 (GMT+7)

(VNF) - Trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế, bức tranh kinh tế có vẻ u ám và chưa rõ ràng nhưng thị giá cổ phiếu đã giảm mạnh và tỏ ra hấp dẫn. Giá rẻ xuất hiện lúc mọi thứ “không chắc chắn” có thể chính là cơ hội mua cổ phiếu bán lẻ ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu với tầm nhìn dài hạn, nhất là khi lịch sử cho thấy, đây là dạng cổ phiếu ghi nhận màn trình diễn vượt trội trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế.

VNF

“Cổ phiếu vàng” cho giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế

Nếu phân chia một chu kỳ thành 4 giai đoạn: Phục hồi, mở rộng, khủng hoảng, suy thoái; và lựa chọn một loại cổ phiếu đặc trưng nhất cho giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế, thì đó hẳn phải là cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Các doanh nghiệp kinh doanh hàng lâu bền, hàng cao cấp, xa xỉ - những mặt hàng mà người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu khi cảm thấy dư dả và sẵn sàng cắt giảm nếu thu nhập suy giảm - vốn dĩ không lạ lẫm với chu kỳ kinh tế. Khủng hoảng - suy thoái là thời kỳ khó khăn nhất của họ, trong khi phục hồi - mở rộng là thời kỳ “hoàng kim” của họ. Nhưng trên phương diện đầu tư tài chính, nơi thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng, thì việc giá cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng mạnh ngay trong giai đoạn phục hồi đầu tiên của nền kinh tế là dễ hiểu. Không chỉ đơn thuần là suy luận mà màn trình diễn vượt trội của cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế đã được thống kê rõ ràng trên thị trường chứng khoán Mỹ bởi nhiều cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực đầu tư tài chính, trong đó có Fidelity - tập đoàn quản lý quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với những nghiên cứu sâu sắc về các ngành và mối liên hệ với chu kỳ kinh tế.

“Về hiệu suất, các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu đã đánh bại thị trường chung trong mọi giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế kể từ năm 1962”, tài liệu của Fidelity nhấn mạnh. Cũng theo đánh giá của Fidelity, các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu có xu hướng “nhạy cảm nhất” với chu kỳ kinh tế.

John Murphy, bậc thầy phân tích kỹ thuật, đồng thời là một người có nghiên cứu sâu sắc về chu kỳ kinh tế, rút ra kết luận rằng xu hướng của các cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu cho chúng ta biết rất nhiều về sức khỏe của nền kinh tế. Nếu cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu dẫn dắt thị trường chứng khoán thì đây được coi là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Ngược lại, cổ phiếu ngành này thường nằm trong số những ngành đầu tiên đảo chiều giảm tại đỉnh thị trường.

Tại Việt Nam hiện nay, nhìn vào cơ cấu sản phẩm, các cổ phiếu ngành bán lẻ điển hình như MWG của Công ty Đầu tư Thế giới Di động, FRT của Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận có thể coi là cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Nói về các yếu tố ảnh hưởng đến cổ phiếu bán lẻ, chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Lương Thị Kim Chi, Giám đốc phân tích ngành Bán lẻ, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), cho biết giống như nhiều ngành kinh doanh khác, ngành bán lẻ chịu sự ảnh hưởng đáng kể từ bức tranh chung của nền kinh tế, lạm phát cũng như lãi suất.

Tuy nhiên, còn có 6 yếu tố khác cần lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu bán lẻ. Thứ nhất là thu nhập/sức mạnh tài chính của người tiêu dùng. Thứ hai là niềm tin của người tiêu dùng về tình hình kinh tế, kỳ vọng của họ về thu nhập và việc làm trong tương lai. Thứ ba là sự phát triển của tầng lớp thu nhập trung và cao. Kế đến là quy mô dân số. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến nhân khẩu học và tốc độ đô thị hóa.

Triển vọng ngắn hạn “không chắc chắn” nhưng cơ hội dài hạn rộng mở

Theo bà Lương Thị Kim Chi, từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã nhận thấy sức mua của người tiêu dùng giảm sút do tình kinh tế không thuận lợi, lạm phát cao ở một số nhóm hàng, lãi suất tăng, khó khăn hơn khi tài trợ hoạt động mua sắm bằng dịch vụ tài chính tiêu dùng. Khảo sát từ các đơn vị nghiên cứu thị trường nhận thấy lo ngại về sự ổn định của thu nhập/việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn và tình trạng sa thải ở nhiều công ty có thể khiến người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn trước các quyết định chi tiêu.

Trong bối cảnh kinh tế những tháng đầu năm 2023, số liệu chi tiết tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong những tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy xu hướng các sản phẩm ít thiết yếu hơn cho đời sống hàng ngày như hàng may mặc, đồ gia dụng… được cắt giảm nhiều hơn nhóm lương thực, thực phẩm.

Sức mua suy yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến hầu hết các công ty bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán có kết quả kinh doanh trong quý IV/2022 và quý I/2023 kém khả quan. Cụ thể, doanh thu MWG giảm 26% so với cùng kỳ trong quý I/2023, doanh thu PNJ giảm 3,8% cùng thời gian, doanh thu chuỗi FPT Shop của FPT Retail (HoSE: FRT) giảm 20%. Các doanh nghiệp giữ quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh trong năm 2023.

Mặc dù có thể chưa phục hồi mạnh ngay nhưng chuyên gia của ACBS nhận định, triển vọng ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tốt lên dần với kỳ vọng bức tranh kinh tế có thể tích cực hơn về cuối năm 2023. Sức mua của người tiêu dùng có thể sẽ được hỗ trợ bởi lãi suất đã có điều chỉnh giảm, tạo điều kiện phục hồi hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các giải pháp ban đầu của Chính phủ nhằm tháo gỡ một số vấn đề của thị trường bất động sản, tài chính…

“Về triển vọng dài hạn, ngành bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các động lực như nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn, tầng lớp trung lưu mở rộng. Kênh thương mại truyền thống hiện chiếm tỷ lệ áp đảo nhưng mô hình bán lẻ hiện đại và bán hàng trực tuyến cũng tăng dần thị phần và vươn ra khỏi các thành phố lớn. Bán hàng trực tuyến ngày càng khẳng định vai trò của mình, trở nên phổ biến hơn với nhiều người tiêu dùng ngay cả sau khi dịch bệnh COVID-19 đã hạ nhiệt. Theo đó, hoạt động bán hàng đa kênh ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của các công ty”, bà Lương Thị Kim Chi, Giám đốc phân tích ngành Bán lẻ (ACBS), cho hay.

Cần lưu ý điều gì?

Trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế, bức tranh kinh tế có vẻ u ám và chưa rõ ràng nhưng thị giá cổ phiếu đã giảm mạnh và tỏ ra hấp dẫn. Giá rẻ xuất hiện lúc mọi thứ “không chắc chắn” có thể chính là cơ hội mua cổ phiếu bán lẻ ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu với tầm nhìn dài hạn, nhất là khi lịch sử cho thấy, đây là dạng cổ phiếu ghi nhận màn trình diễn vượt trội trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến một số rủi ro quan trọng đối với cổ phiếu ngành này. Đầu tiên là rủi ro nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đây là rủi ro căn bản đối với cổ phiếu bán lẻ ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, bởi lợi nhuận ngành này phụ thuộc chặt chẽ vào mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng.

Rủi ro thứ hai cần lưu ý là gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này rõ rệt nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 khi biên giới các nước bị đóng cửa, vận chuyển chậm trễ, thậm chí là thiếu linh kiện để sản xuất hàng hóa. Những vấn đề này có thể làm tăng chi phí, trong khi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ rất mỏng.

Rủi ro thứ ba là lạm phát tăng. Yếu tố này không chỉ đánh thẳng vào “túi tiền” của người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực rất nhanh chóng đến niềm tin của người tiêu dùng.
 

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024

Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024

(VNF) - ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) được tổ chức tại TP. HCM sáng 10/5.

Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

(VNF) - Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng cần có thêm nhiều ấn phẩm như Đặc san Toàn cảnh Tài chính số để qua đó tăng cường thêm nhận thức về chuyển đổi số của toàn dân.

Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng

Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng

(VNF) - Giá vàng miếng SJC tăng mạnh và liên tục trong buổi sáng nay. Hiện mỗi lượng đắt thêm gần 3 triệu đồng so với chốt phiên hôm qua, lên mức kỷ lục 92 triệu đồng/lượng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị truy nã

Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị truy nã

(VNF) - Bị can Đỗ Vân Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đà Nẵng: Loạt DN bất động sản, du lịch bị cưỡng chế tài khoản

Đà Nẵng: Loạt DN bất động sản, du lịch bị cưỡng chế tài khoản

(VNF) - Cục Thuế TP. Đà Nẵng vừa công bố danh sách các doanh nghiệp bị cưỡng chế tài khoản vì chậm nộp thuế theo kỳ thông báo nợ tháng 3/2024.

Vượt Đông Nam Bộ, thu ngân sách vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

Vượt Đông Nam Bộ, thu ngân sách vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

(VNF) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách Nhà nước của vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước.

Lợi nhuận hàng không ‘bay cao’: Hết thời khó khăn, lãi nghìn tỷ mỗi tháng

Lợi nhuận hàng không ‘bay cao’: Hết thời khó khăn, lãi nghìn tỷ mỗi tháng

(VNF) - Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành hàng không tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực sau khi phục hồi trong năm 2023. Dường như ngành hàng không đã đi qua giai đoạn khó khăn và có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Tập Cận Bình ‘thắng lớn’ tại Hungary

Ông Tập Cận Bình ‘thắng lớn’ tại Hungary

(VNF) - Hungary và Trung Quốc ngày 9/5 đã ký một số thỏa thuận mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến đi nhằm củng cố dấu ấn kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Việt Nam cần 12,3 tỷ USD đầu tư hạ tầng cho xe điện

Việt Nam cần 12,3 tỷ USD đầu tư hạ tầng cho xe điện

(VNF) - Theo bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2040.

Bay cao 80% so với nền giá gần nhất, điều gì khiến HVN vượt đỉnh 1 năm?

Bay cao 80% so với nền giá gần nhất, điều gì khiến HVN vượt đỉnh 1 năm?

(VNF) - Đà tăng của cổ phiếu HVN diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không được dự báo vẫn còn nhiều động lực để “cất cánh” và mức tăng "chóng mặt" của giá vé máy bay.