Chứng khoán 'rẻ', dòng tiền vẫn hoài nghi

Thanh Long - 18/06/2022 19:13 (GMT+7)

(VNF) - Mức định giá của thị trường chứng khoán hiện nay hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn nhưng dòng tiền vẫn hoài nghi về triển vọng ngắn hạn.

VNF
1

Dòng tiền vẫn hoài nghi

Chỉ số VN-Index đã rất khó khăn chinh phục ngưỡng điểm cao trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng nợ vay ký quỹ (margin) gần như đã đạt đỉnh từ những tháng cuối năm 2021.

Trong tháng 4 và tháng 5/2022, thị trường trải qua nhiều phiên giảm điểm mạnh. Ngoài ra, tổng giá trị khớp lệnh tháng 5 đã giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ tháng 2/2021 là tháng Tết cổ truyền, thì đây là tháng có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong 17 tháng qua trên sàn HoSE.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tin rằng dư nợ vay ký quỹ theo đó cũng đã giảm đáng kể. Điều này, ít nhất sẽ giúp thị trường tránh được những đợt giảm mạnh và sốc trong thời gian tới, thường gây ra bởi tình trạng bán giải chấp.

Mặc dù áp lực bán giải chấp đã giảm, song trước mắt, chưa thể kỳ vọng dòng tiền mạnh mẽ sẽ gia nhập thị trường. Theo VDSC, đầu hè thường là thời gian thấp điểm của thị trường chứng khoán (TTCK). Lý do là bởi sau khi mùa đại hội đồng cổ đông kết thúc, thị trường gần như đi vào vùng trống thông tin cho đến khi các tin tức về kết quả lợi nhuận quý II của doanh nghiệp được công bố.

“Xét về mặt thông tin, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi nhận thấy sự ảnh hưởng khá cân bằng giữa chiều thông tin tích cực và tiêu cực. Trong cán cân đó, nếu dòng tiền mới - mà chúng tôi kỳ vọng phần nhiều đến từ các quỹ ETF - tham gia tích cực, sẽ là trợ lực rất lớn cho chỉ số cũng như diễn biến thị trường”, chuyên gia của VDSC nêu quan điểm.

Về thông tin tiêu cực, TTCK Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lường, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraina. Yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó, trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng dè dặt. Trong khi đó, tâm lý đầu tư vẫn còn khá thận trọng.

Kỳ vọng được đặt vào các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE, có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn nhờ các yếu tố nội tại TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực. Hơn nữa, việc đồng Việt Nam (VND) đang mạnh hơn so với nhiều quốc gia như Thái Lan và Đài Loan cũng là một yếu tố tích cực hỗ trợ xu hướng hút ròng của các quỹ ETF tại các thị trường này.

Việc tận dụng dòng tiền từ các quỹ ETF có lẽ là lựa chọn không tệ trong ngắn hạn, theo góc nhìn của VDSC. Nhà đầu tư theo đó có thể tích lũy các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục các quỹ ETF.

Ngoài ra, Dragon Capital mới đây cũng đã công bố thông tin được cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng cho quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP mô phỏng biến động của chỉ số VNMIDCAP (VN70). Sự ra đời của quỹ này có thể sẽ là chất xúc tác tiềm năng cho những cổ phiếu dẫn đầu về vốn hóa trong bộ chỉ số VN70 sau khi thu hút thành công trong thời gian tới.

“Cân nhắc đến các yếu tố thông tin, dòng tiền, hay định giá, có thể thấy thị trường đang ở thế cân bằng - yếu. Do vậy, chúng tôi cho rằng chiến lược đầu tư có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này. Theo đó, thay vì “full margin” như thời gian trước, nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc với nhà đầu tư thận trọng thì có thể duy trì tỷ lệ cổ phiếu: tiền mặt ở mức 70:30), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường. Đồng thời, việc giải ngân cần có sự kiên nhẫn, chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào, thay vì theo tâm lý “FOMO” như trước đây”, chuyên gia của VDSC khuyến nghị.

Có phần đồng quan điểm với VDSC, Công ty Chứng khoán SSI nhận định trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ, chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài, chính sách “Không Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến TTCK Việt Nam.

Trong nước, thị trường bất động sản dự kiến cũng sẽ cũng có những khó khăn nhất định trong thời gian tới do mặt bằng giá đã ở mức cao trong bối cảnh lãi suất đảo chiều. Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển, vì vậy “sức khỏe” của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có TTCK và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK.

Trong bối cảnh đó, khối ngoại đã nâng đỡ cho thị trường hồi phục từ mức thấp. Tổng dòng vốn ETF trong 5 tháng đầu năm đạt giá trị bơm ròng 6.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các quỹ chủ động đảo chiều bơm ròng 272 tỷ đồng trong tháng 5. Tuy vậy, việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thu hẹp giao dịch từ khối nhà đầu tư cá nhân có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu trong trường hợp dòng vốn từ khối ngoại đảo chiều.

Ngoài ra, một rủi ro khác là lạm phát dự kiến cũng chịu áp lực cao dần trong các quý tới.

Niềm hy vọng được đặt vào nửa cuối năm 2022 khi mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ ở mức tích cực so với cùng kỳ thấp năm ngoái. Cùng với đó, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng.

“Nhìn chung, chúng tôi chưa nhìn thấy động lực cho TTCK đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng biến động mạnh trên TTCK sẽ mang lại cơ hội ở các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi rủi ro lạm phát tăng cao như Dầu khí, Cảng & Vận tải biển, Hóa chất, Tiêu dùng không thiết yếu, Công nghệ thông tin”, chuyên gia của SSI cho hay.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng không đánh giá cao triển vọng trước mắt của TTCK. “Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn cho nên dòng tiền sẽ vẫn ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, các nhà đầu tư nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận”, chuyên gia của Yuanta khuyến nghị.

Định giá rẻ nâng đỡ triển vọng dài hạn

Mặc dù trong ngắn hạn vẫn còn những hoài nghi về tương lai TTCK nhưng trong dài hạn, giới phân tích vẫn coi đây là cơ hội tuyệt vời để mua và tích trữ cổ phiếu.

Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) bày tỏ lạc quan với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng với đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có nền so sánh thấp trong giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng nặng nề (quý II và quý III/2021).

“Tính tới những ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, áp lực tăng lãi suất, tỷ giá VND trong những tháng tới, chúng tôi vẫn tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp trên HoSE sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cho năm 2022. Định giá P/E của thị trường hiện tại là 13,8 và sẽ là 12,5 theo dự báo tới cuối năm. Đợt suy giảm này của thị trường đã mang tới một cơ hội đầu tư với mức định giá rẻ hơn 95% các khoảng thời gian tính trong 5 năm trở lại đây”, chuyên gia của SGI Capital nhấn mạnh.

Trong báo cáo nhận định thị trường công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng nhấn mạnh đến yếu tố định giá rẻ của thị trường chứng khoán.

Theo MASVN, VN-Index đã giảm từ mức P/E trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn (+1SD) xuống mức -1SD, trước khi thị trường hồi phục. Hiện tại, VN-Index đang giao dịch tại mức P/E dưới mức trung bình 10 năm.

“Từ góc độ so sánh lịch sử, mức định giá hiện tại của VN-Index vẫn hấp dẫn, là cơ hội để lựa chọn và tích lũy các cổ phiếu với mức định giá chiết khấu của các công ty có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn”, chuyên gia của MASVN cho biết.

Còn nếu so sánh với các thị trường khác, TTCK Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) gần 16%, cao hơn nhiều thị trường khác trong khu vực như Indonesia (13%), Malaysia (9,8%), Thái Lan (9,2%), Philippines (9%), tuy nhiên thấp hơn mức của MSCI các thị trường cận biên (17,3%).

Dù có mức ROE tương đối cao, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E hấp dẫn dưới 14, thấp hơn mức P/E của các thị trường khác trong khu vực như Indonesia (16,8), Malaysia (15,8), Thái Lan (18,5), Philippines (19,4) nhưng cao hơn mức P/E của MSCI các thị trường cận biên (10,8) và mới nổi (11,9). Đáng chú ý, trong 10 năm qua, VN-Index vẫn luôn giao dịch với mức chiết khấu so với các thị trường khác trong khu vực.

Hơn nữa, với triển vọng hồi phục kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp (cả hai đều được dự báo sẽ tốt hơn các thị trường khác), Việt Nam có khả năng duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn. Cụ thể, thị trường vẫn lạc quan về mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022, với sự đồng thuận cho tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của VN-Index vào năm 2022 là 21% (theo thống kê của Bloomberg), cao hơn hầu hết các thị trường khác, ngoại trừ Philippines (25,9%).

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhấn mạnh rằng việc hệ số P/E của VN-Index cuối tháng 5 ở mức dưới 14 lần là mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect nhấn mạnh định giá của TTCK Việt Nam đang chiết khấu khoảng 20% so với mức định giá bình quân của các TTCK trong khu vực Đông Nam Á. “Chúng tôi cho rằng mức định giá thị trường là rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao”, phía VNDirect nhận định.

Theo VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của một số ngành có thể cải thiện mạnh mẽ trong năm 2022, bao gồm Hàng công nghiệp và Dịch vụ (đóng góp lớn từ ACV), Bán lẻ và Bất động sản; trong khi đó, tăng trưởng của nhóm Dầu khí, Tiện ích và Công nghệ vẫn tương đối mạnh.

Rủi ro chính trên thị trường hiện nay, theo công ty chứng khoán này, là khả năng FED thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn.

Năm 2020, sau khi dịch xảy ra, trong rất nhiều năm làm nghề, tôi chưa bao giờ thấy dòng tiền đổ vào TTCK khủng khiếp như vậy. Chúng tôi cũng nói chuyện với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong vai trò là đơn vị dẫn vốn, mọi người đều cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển mình, nhưng tốc độ quá nhanh. Nhất là trong năm 2021, tất cả các chỉ số diễn biến quá tích cực nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Có vẻ như tại thời điểm đó, dòng tiền là yếu tố thúc đẩy thị trường.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn là TTCK Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, chu kỳ mới và chu kỳ đó không phải do công ty chứng khoán, nhà tạo lập thị trường, cơ quan quản lý… tạo ra mà nó đến từ nhu cầu thực của nền kinh tế. Các nhà đầu tư tham gia thị trường đã có khẩu vị rủi ro mới, từ đó mở ra cơ hội mới cho các nhà huy động vốn. Đó là yếu tố quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Vũ Long – Quyền Tổng giám đốc VNDirect

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Lãi lớn từ công ty liên kết, HHS hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong quý I

Lãi lớn từ công ty liên kết, HHS hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong quý I

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HoSE: HHS) báo lãi sau thuế tới 150 tỷ đồng trong quý I/2024, bằng 50% kế hoạch năm.

EverLand: Doanh thu quý I giảm 50% so với cùng kỳ

EverLand: Doanh thu quý I giảm 50% so với cùng kỳ

(VNF) - Quý I/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn EverLand (HoSE: EVG) ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu thuần trong khi lợi nhuận có sự tăng trưởng đáng kể.

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu

Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Minh An bị khởi tố để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng".

TP.HCM: Đón gần 1 triệu du khách, thu 3.200 tỷ dịp lễ 30/4 - 1/5

TP.HCM: Đón gần 1 triệu du khách, thu 3.200 tỷ dịp lễ 30/4 - 1/5

Theo Sở Du lịch TP. HCM, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, có gần 1 triệu lượt người dân, du khách vui chơi, tham quan tại các điểm đến trên địa bàn, tăng 2% so với cùng kỳ.

Ngoại trưởng Blinken vừa về nước, Mỹ giáng đòn lên loạt DN Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken vừa về nước, Mỹ giáng đòn lên loạt DN Trung Quốc

(VNF) - Ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn chục công ty ở Trung Quốc và Hồng Kông vì ủng hộ nỗ lực chiến sự của Nga ở Ukraine.

Bán DN làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest lãi 70 tỷ trong quý I/2024

Bán DN làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest lãi 70 tỷ trong quý I/2024

(VNF) – Kết quả kinh doanh bất động sản quý I/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) khá ảm đạm. Phải nhờ tới việc bán công ty con, VPI mới có lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

(VEF) - Hôm nay (2/5/2024), Tạp chí điện tử VietnamFinance chính thức có giao diện mới tại địa chỉ: www.vietnamfinance.vn. Đây là một nỗ lực của chúng tôi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

(VNF) - Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức “đậm”, nơi thì vẫn dửng dưng…

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

(VNF) – Mặc dù đã tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp khi giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất, song Nghị định 12/2024 lại tiếp thu chưa triệt để, dẫn đến tính chưa đúng, chưa đủ chi phí hợp lý của nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự triệt tiêu động lực phát triển dự án mới, khiến nút thắt nguồn cung không thể tháo gỡ. Và tất yếu, mọi chi phí phát triển dự án cuối cùng sẽ trút lên vai người mua.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.