'Bốc thuốc' đặc trị sốt đất, HoREA đề nghị ban hành hàng loạt thuế mới

Vĩnh Chi - 22/04/2021 20:14 (GMT+7)

(VNF) - Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đề nghị Chính phủ ban hành các sắc thuế mới và đánh thuế cao các trường hợp có nhiều đất, chậm đưa đất vào sử dụng.

VNF
'Bốc thuốc' đặc trị sốt đất, HoREA đề nghị ban hành hàng loạt thuế mới

Sốt đất do "cò"

Theo HoREA, kể từ năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương”. Các đối tượng này đã thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn, làm giá - thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông hám lợi, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.

Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng theo đám đông do thiếu vốn phải vay với lãi suất cao, lại không có đủ thông tin và kỹ năng, nên đã sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, “trắng tay”.

Hệ quả khác là nhiều khu đất trở thành hoang hóa. Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Bên cạnh tình trạng sốt đất, thị trường còn có tình trạng giá nhà tăng vọt, mà nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền (tầm trên dưới 35 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng), hoặc nhà ở thương mại giá thấp (tầm 20-25 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng), nhất là rất thiếu loại căn hộ nhà ở xã hội.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do các dự án nhà ở (mới) không được phê duyệt do bị “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng, vô hình chung đã tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp đã có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở “áp đảo” thị trường, “áp đặt” được giá bán và đạt lợi nhuận rất cao (thậm chí là “siêu lợi nhuận”) - HoREA chỉ ra.

Đề xuất ra thuế mới, đánh thuế cao

Để chống sốt đất, HoREA đề xuất Chính phủ ban hành một loạt sắc thuế.

Một là thuế chống đầu cơ nhà, đất. Theo đó, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng” (vì không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng), trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”.

Bên cạnh đó, HoREA đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba.

Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Hai là đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất. HoREA đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.

Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.  

Ba là đề xuất đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng. Theo HoREA, hiện nay, pháp luật về đất đai quy định người sử dụng đất được gia hạn 24 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng đất và phải nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. 

Tuy nhiên, chế tài này chưa đủ sức răn đe, chưa ngăn chặn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, vì khả năng lợi nhuận thu được sau này sẽ thừa bù đắp khoản tiền phải nộp bổ sung.

Do vậy, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.

Bốn là đề xuất ban hành “thuế bất động sản”. HoREA cho hay hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp “thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”, trong đó có “đất ở” với thuế suất đối với “đất ở” trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế rất thấp, gần như không đáng kể.

HoREA nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành “thuế bất động sản” đánh trên giá trị nhà và đất, để tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách nhà nước. HoREA chỉ đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ thuế suất, để đảm bảo phù hợp với thu nhập phổ biến của số đông cá nhân, hộ gia đình là người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp ở nước ta.

Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”, HoREA cho rằng cần phải thay thế phương thức thu “tiền sử dụng đất” - vốn đang là gánh nặng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở (đối với dự án nhà chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 15% giá thành căn hộ) và cũng là gánh nặng cho người thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở (xin cấp “sổ đỏ”).

Hiệp hội này đề xuất thay thế thu “tiền sử dụng đất” bằng “thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất rõ ràng, vừa góp phần làm giảm giá thành dẫn đến làm giảm giá bán nhà, vừa minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho” hiện nay.

Ở một khía cạnh liên quan, HoREA cũng đề xuất quy định bổ sung thẩm quyền của Chính phủ để sử dụng hiệu quả công cụ thuế và thuế suất để bình ổn khi có biến động của thị trường bất động sản.

Cụ thể, Khoản 5 Điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “5. Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng”, nhưng chưa có cơ chế để thực thi hiệu quả, nhất là việc sử dụng công cụ thuế. Bởi lẽ, khi thị trường bất động sản có biến động thì không thể chờ đến kỳ họp của Quốc hội để xem xét quyết định, mà đề nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.

Kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản

Ngoài giải pháp thuế, HoREA cũng đề xuất Chính phủ sử dụng hiệu quả công cụ tiền tệ - tín dụng. Theo đó, khi có dấu hiệu đầu cơ, sốt “bong bóng” bất động sản, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện các giải pháp như:

Một là xem xét nâng lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm ngay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn để cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản.

Trước đây, Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ-tín dụng (vào thời điểm tháng 02/2008 và tháng 02/2011) đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, siết tín dụng bất động sản, nâng lãi suất cơ bản lên 14%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay lên 21-25%/năm, đã cắt ngay cơn sốt “bong bóng”. Tất nhiên, hệ quả không mong muốn là chính sách này đã đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Năm 2013, để phá thế bị “đóng băng” của thị trường bất động sản, cũng bằng công cụ tín dụng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (chủ yếu là kích cầu tiêu dùng) đã xử lý được 56.180 căn nhà tồn kho, xử lý được hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu bất động sản, hỗ trợ cho 56.180 người mua được nhà ở và hỗ trợ để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2014 cho đến nay.   

Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Theo đó, đến ngày 01/10/2023, các ngân hàng thương mại chỉ còn được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. 

Trong quý I/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 3% cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, chỉ tăng 2,93%, nên Ngân hàng Nhà nước đang bám sát tình hình thị trường và có thể “siết” nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Đề xuất thứ hai mà HoREA nêu ra là sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản để kiểm soát đầu tư “lướt sóng”. Hiện nay, ngân hàng cho vay tối đa đến 70% giá trị hợp đồng mua bất động sản.

Khi xảy ra đầu cơ, sốt nóng “bong bóng” bất động sản, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham khảo cách làm của một số nước, như có thể xem xét giảm ngay tỷ lệ cho vay xuống còn 50%, thậm chí chỉ còn 35%, để ngăn chặn đầu cơ, “lướt sóng”. 

Ví dụ, với số vốn 1 tỷ đồng và được vay tín dụng 70% giá trị hợp đồng, nhà đầu tư có thể vay được đến 2,1 tỷ đồng để “lướt sóng” cùng lúc 3 nền (hoặc 3 căn hộ) có giá 1 tỷ đồng/căn/nền. Nếu giảm tỷ lệ vay, thì chỉ “lướt sóng” được 1-2 căn/nền mà thôi.

Một đề xuất khác là kiểm soát chặt “tín dụng tiêu dùng”, ngăn chặn việc chuyển một phần nguồn vốn vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà, để “lướt sóng” khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”.

Theo HoREA, tỷ trọng vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà để ở chiếm khoảng 13% tín dụng tiêu dùng, nhưng khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”, thì sẽ có một phần vốn không nhỏ được sử dụng để “lướt sóng”.

Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay tiêu dùng đúng mục đích vay, để góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Đề xuất cuối cùng là kiểm soát chặt chẽ nguồn “tiền bẩn” mua bất động sản để “rửa tiền”. HoREA cho biết trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường.

Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng” hiện nay đến từ đâu ?! 

HoREA nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền “kiều hối” (khoảng 20% “kiều hối” đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để “rửa tiền”.

Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024

Bầu Đức tính IPO và niêm yết công ty con, không thoái vốn thêm trong 2024

(VNF) - ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) được tổ chức tại TP. HCM sáng 10/5.

Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

Chính thức ra mắt Đặc san Toàn cảnh Tài chính số

(VNF) - Ông Võ Văn Bé, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng cần có thêm nhiều ấn phẩm như Đặc san Toàn cảnh Tài chính số để qua đó tăng cường thêm nhận thức về chuyển đổi số của toàn dân.

Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng

Buổi sáng 'điên cuồng', đẩy giá vàng vượt 92 triệu/lượng

(VNF) - Giá vàng miếng SJC tăng mạnh và liên tục trong buổi sáng nay. Hiện mỗi lượng đắt thêm gần 3 triệu đồng so với chốt phiên hôm qua, lên mức kỷ lục 92 triệu đồng/lượng.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị truy nã

Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị truy nã

(VNF) - Bị can Đỗ Vân Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MOPHA bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đà Nẵng: Loạt DN bất động sản, du lịch bị cưỡng chế tài khoản

Đà Nẵng: Loạt DN bất động sản, du lịch bị cưỡng chế tài khoản

(VNF) - Cục Thuế TP. Đà Nẵng vừa công bố danh sách các doanh nghiệp bị cưỡng chế tài khoản vì chậm nộp thuế theo kỳ thông báo nợ tháng 3/2024.

Vượt Đông Nam Bộ, thu ngân sách vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

Vượt Đông Nam Bộ, thu ngân sách vùng Đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

(VNF) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu ngân sách Nhà nước của vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước.

Lợi nhuận hàng không ‘bay cao’: Hết thời khó khăn, lãi nghìn tỷ mỗi tháng

Lợi nhuận hàng không ‘bay cao’: Hết thời khó khăn, lãi nghìn tỷ mỗi tháng

(VNF) - Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành hàng không tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực sau khi phục hồi trong năm 2023. Dường như ngành hàng không đã đi qua giai đoạn khó khăn và có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Tập Cận Bình ‘thắng lớn’ tại Hungary

Ông Tập Cận Bình ‘thắng lớn’ tại Hungary

(VNF) - Hungary và Trung Quốc ngày 9/5 đã ký một số thỏa thuận mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và văn hóa trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến đi nhằm củng cố dấu ấn kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Việt Nam cần 12,3 tỷ USD đầu tư hạ tầng cho xe điện

Việt Nam cần 12,3 tỷ USD đầu tư hạ tầng cho xe điện

(VNF) - Theo bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2040.

Bay cao 80% so với nền giá gần nhất, điều gì khiến HVN vượt đỉnh 1 năm?

Bay cao 80% so với nền giá gần nhất, điều gì khiến HVN vượt đỉnh 1 năm?

(VNF) - Đà tăng của cổ phiếu HVN diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không được dự báo vẫn còn nhiều động lực để “cất cánh” và mức tăng "chóng mặt" của giá vé máy bay.