Abenomics: Chính sách kinh tế giúp ‘chấn hưng’ Nhật Bản của cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Quỳnh Anh - 09/07/2022 09:41 (GMT+7)

(VNF) - Là vị thủ tướng tại vị lâu nhất ở Nhật Bản, ông Abe Shinzo có lẽ sẽ được nhớ đến nhiều nhất với “Abenomics”, một chiến lược kích thích kinh tế dù gây tranh cãi nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng đã giúp hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản.

VNF
1

Ông Abe Shinzo, người từng giữ hai nhiệm kỳ thủ tướng Nhật Bản từ năm 2006 - 2007 và từ năm 2012 - 2020, đã bị ám sát vào trưa 8/7 (giờ địa phương) khi đang có bài phát biểu tại thành phố Nara ở miền tây Nhật Bản, nơi ông đang vận động cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trước cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 10/7 sắp tới.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản sau đó được xác nhận đã qua đời vào chiều tối cùng ngày ở tuổi 67. Điều này đã gây chấn động khắp thế giới.

Ông Abe Shinzo đã từ chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2020 vì lý do sức khoẻ. Trong những năm đương nhiệm, ông đã giúp định hướng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vượt qua những thời điểm đầy thách thức trong khi duy trì các ngành công nghiệp ô tô và điện tử tiêu dùng phát triển mạnh mẽ.

Robert Ward, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: “Ông ấy có lẽ là thủ tướng quan trọng nhất mà Nhật Bản có được kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông Abe đã để lại một di sản phong phú".

“Ông ấy đã gieo hy vọng vào nền kinh tế Nhật Bản. Những ngôi làng nghèo biến mất, các giáo viên đại học không lo lắng về cơ hội việc làm của sinh viên nhờ Abenomics”, Koichi Hamada, một trong những cựu cố vấn kinh tế của Abe, nói với TIME. Hamada, hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Yale, được coi là kiến trúc sư chính của lý thuyết Abenomics.

Abenomics: “Ba mũi tên” kinh tế

Khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng lần thứ 2 vào năm 2012, Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu yếu kém, căng thẳng thương mại với Trung Quốc và dư chấn từ thảm họa hạt nhân và sóng thần năm 2011.

Sự kết hợp của các yếu tố trên đã khiến Nhật Bản rơi vào suy thoái, buộc ông Abe phải tìm ra cách để đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Trong bài phát biểu chính sách tháng 1/2013, ông Abe tuyên bố với Quốc hội rằng phục hồi kinh tế và thoát khỏi giảm phát là "vấn đề lớn và cấp bách nhất" mà Nhật Bản đối mặt.

Chiến lược kinh tế của ông, thường được gọi là Abenomics, gồm "ba mũi tên" (lấy cảm hứng từ một giai thoại Nhật Bản), bao gồm: Nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu lạm phát, thúc đẩy chính sách tài khoá để kích thích kinh tế và tập trung cải cách cơ cấu kinh tế.

Abenomics đã tận dụng sự gia tăng chi tiêu của chính phủ và chính sách tiền tệ "siêu dễ dãi" dưới hình thức lãi suất ngắn hạn âm để khởi động nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản, tạo ra kết quả mà các chuyên gia cho là tích cực nhưng không nhất quán.

Kế hoạch cải cách Abenomics nhằm thúc đẩy năng suất bằng cách cắt giảm thuế doanh nghiệp, cũng như mở rộng lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng của đất nước bằng cách khuyến khích sự tham gia của nhiều phụ nữ, người cao tuổi và người nhập cư hơn.

Cải cách cơ cấu đã đưa nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động hơn, tăng cường bảo vệ người lao động tạm thời và nới lỏng các quy định đã hạn chế phần lớn lao động nhập cư.

Dưới hai “mũi tên” đầu tiên, ông Abe đã chủ trì việc điều hành lãi suất cực thấp và nới lỏng định lượng cùng với hàng chục tỷ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới và phân phối tiền mặt.

"Chúng ta nên nhìn về tương lai, thay vì lo lắng về hiện tại", ông Abe nói trong một bài phát biểu năm 2016, phác thảo tầm nhìn kinh tế của mình.

Mireya Solís, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings, cho biết: “Chương trình đại diện cho một nỗ lực mới của Nhật Bản. Ông ấy đã cố gắng vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, và đã có một số thành công".

Gặp nhiều tranh cãi

Theo hầu hết các đánh giá, chính sách của ông Abe chỉ thành công một phần trong việc xoay chuyển nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Trong nhiệm kỳ của ông, tăng trưởng kinh tế đã vượt qua giai đoạn ảm đạm của những năm 1990 và 2000, xuất khẩu tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khoảng thời gian từ 2015 - 2017, Nhật Bản đã ghi nhận 8 quý tăng trưởng dương liên tiếp, là chuỗi dài nhất trong gần 30 năm.

Nhưng so với những thập kỷ mở rộng rầm rộ sau Thế chiến thứ hai và hiệu suất của nhiều nước cùng ngành, nền kinh tế Nhật Bản không thực sự gây được ấn tượng.

Các chính sách của cố Thủ tướng Abe đã thất bại trong việc xây dựng một nền kinh tế có sức mạnh lâu dài và góp phần làm gia tăng bất bình đẳng về tiền lương khi hàng ngũ người lao động ở những công việc kém an toàn, được trả lương thấp ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cựu cố vấn kinh tế của ông Abe là Hamada không đồng tình với những đánh giá này. Ông Hamada cho rằng cách tiếp cận này “rất thành công” trong việc tạo việc làm và thúc đẩy bình đẳng giữa người lao động thường xuyên và người lao động tạm thời.

Theo phân tích của nhà kinh tế Kaya Keiichi, trong suốt gần 8 năm thứ hai giữ chức thủ tướng của Abe (không bao gồm năm 2020, khi COVID-19 trật đường ray nền kinh tế), tăng trưởng GDP thực tế chỉ đạt trung bình 0,9%.

Mục tiêu đầy tham vọng của ông Abe là tăng GDP danh nghĩa lên 600 nghìn tỷ yên vào năm 2020 chưa bao giờ thành hiện thực và vẫn chưa được đáp ứng cho đến ngày nay.

Hơn nữa, lạm phát và tăng trưởng tiền lương không như mong đợi, gây cản trở cho những thành tựu kinh tế đã đạt được.

Thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản Fumio Kishida, người nhậm chức vào năm 2021 sau khi ông Abe từ chức, cũng chỉ trích các chính sách kinh tế của Abe vào hồi đầu năm 2021 tại hội nghị Davos Agenda ảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Theo ông Kishida, những kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ là không đủ để tạo ra một nền kinh tế bền vững và bao trùm. Đầu nhiệm kỳ, ông Kishida đã đưa ra “chủ nghĩa tư bản mới” của riêng mình, một tập hợp các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập mà Abenomics bị cáo buộc đã tạo ra. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Kishida đã vấp phải sự phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp.

Nền tảng cho sự ổn định kinh tế Nhật Bản

Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, song Abenomics, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn giúp thúc đẩy tăng trưởng Nhật Bản vào thời điểm ông Abe tại nhiệm, và giúp đất nước này có tiềm lực để chống chọi với các cú sốc kinh tế hơn so với trước khi được thực hiện.

Phản ứng của nhà đầu tư ban đầu đối với các cải cách hầu hết đều tích cực, khi chỉ số Nikkei 225 tăng lên mức cao chưa từng thấy trong hơn hai thập kỷ, đạt trên 20.000 vào tháng 4/2015 từ mức thấp khoảng 9.000 vào năm 2012.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Abe dường như thất bại trong việc nhận được sự ủng hộ sau khi Nhật Bản gần như rơi vào suy thoái một lần nữa vào năm 2020, khi Covid-19 tàn phá các thị trường toàn cầu.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings Mireya Solís nói: “Mặc dù Abenomics đã không đạt được tất cả các mục tiêu của mình, nhưng đó là một bước tiến quan trọng. Không phải tất cả các sáng kiến của Abe Shinzo đều là những ý tưởng mới lạ. Nhưng ông ấy đã đem lại những sự ổn định”.

Min Joo Kang, chuyên gia kinh tế cao cấp về Hàn Quốc và Nhật Bản tại ING, nói với Al Jazeera: “Sự cải thiện của nền kinh tế thực đã bị hạn chế. Tuy nhiên, tôi nghĩ Abenomics đã thành công một nửa ở chỗ nó đã bảo vệ nền kinh tế Nhật Bản khỏi một đợt suy thoái mạnh”.

Xem thêm >> Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Một nhân cách lớn, một người bạn chân thành của Việt Nam

Theo Al Jazeera, Time
Ý kiến (0)
Cùng chuyên mục
Bán công ty làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest báo lãi 70 tỷ trong quý I/2024

Bán công ty làm dự án Vlasta Sầm Sơn, Văn Phú Invest báo lãi 70 tỷ trong quý I/2024

(VNF) – Kết quả kinh doanh bất động sản quý I/2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) khá ảm đạm. Phải nhờ tới việc bán công ty con, VPI mới có lãi sau thuế 70 tỷ đồng.

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

Hải Phát Invest: Sau cơn mưa, trời có sáng?

(VNF) - Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) đã trải qua một năm 2023 đầy chật vật. Song, với những gì đang có ở quý I/2024, hi vọng đã được nhen lên cho cổ đông của công ty này.

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

VietnamFinance thay giao diện, hướng tới mục tiêu mới

(VEF) - Hôm nay (2/5/2024), Tạp chí điện tử VietnamFinance chính thức có giao diện mới tại địa chỉ: www.vietnamfinance.vn. Đây là một nỗ lực của chúng tôi nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các ấn phẩm để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

Ngân hàng mạnh tay chia cổ tức: Niềm vui ngắn chẳng tày gang!

(VNF) - Mùa ĐHĐCĐ 2024 của các ngân hàng diễn ra trong niềm vui và cả sự hụt hẫng của cổ đông khi nơi thì chia cổ tức “đậm”, nơi thì vẫn dửng dưng…

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

Nghị định 12 về định giá đất: Nguy cơ kéo lùi thị trường, tăng gánh nặng cho người mua

(VNF) – Mặc dù đã tiếp thu ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp khi giữ lại phương pháp thặng dư để xác định giá đất, song Nghị định 12/2024 lại tiếp thu chưa triệt để, dẫn đến tính chưa đúng, chưa đủ chi phí hợp lý của nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến sự triệt tiêu động lực phát triển dự án mới, khiến nút thắt nguồn cung không thể tháo gỡ. Và tất yếu, mọi chi phí phát triển dự án cuối cùng sẽ trút lên vai người mua.

Chung cư quá đắt, tìm mua đất xen kẹt, cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

Chung cư quá đắt, tìm mua đất xen kẹt, cẩn thận 'tiền mất, tật mang'

(VNF) - Giá chung cư ở Hà Nội tăng cao đột biến khiến không ít người chuyển hướng sang tìm mua đất xen kẹt trong ngõ, nhờ ưu thế có mức giá rẻ hơn rất nhiều.

Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

Các hãng ô tô đầu tư mở rộng: Liên tục tuyển người nhưng 'cung không đủ cầu'

(VNF) - Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam luôn được ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, để ngành ngày phát triển, Việt Nam vẫn cần chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là nhân tố con người.

Hà Nội: Đổ vốn 12.600 tỷ đồng vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Hà Nội: Đổ vốn 12.600 tỷ đồng vào dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

(VNF) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, đến nay, tổng vốn đã đầu tư cho dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt khoảng 12.600 tỷ đồng.

Elon Musk đột ngột giải tán đội sạc Supercharger, nhiều đối tác ‘bật ngửa’

Elon Musk đột ngột giải tán đội sạc Supercharger, nhiều đối tác ‘bật ngửa’

(VNF) - Quyết định đột ngột của CEO Tesla Elon Musk về việc sa thải loạt nhân viên điều hành hoạt động kinh doanh các trạm Supercharger (sạc siêu nhanh) đã khiến nhiều đối tác cảm thấy “hoang mang tột độ”.

Giá vàng bật tăng sau quyết định của Fed, tiến lên đỉnh mới?

Giá vàng bật tăng sau quyết định của Fed, tiến lên đỉnh mới?

(VNF) - Sau quyết định mới nhất của Fed, giá vàng thế giới quay đầu tăng mạnh, chạm mốc 2.317 USD/ounce. Nhiều chuyên gia nhận định đà tăng của giá vàng sẽ còn tiếp diễn do nhiều yếu tố hỗ trợ.

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

Toàn cảnh tuyến cao tốc nghìn tỷ được ví là 'đường tránh' quốc lộ

(VNF) - Nằm trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Cam Lộ - Hòa Liên có chiều dài 163km, trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 98,3km và đoạn La Sơn - Hoà Liên dài khoảng 64,9km.