Tiêu điểm

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Ý tưởng lập CNC là của một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

(VNF) – Bị cáo Nguyễn Văn Dương, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), khai rằng ý tưởng thành lập CNC là của một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (đã mất). Bản thân bị cáo không có ý tưởng thành lập công ty này.

Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Ý tưởng lập CNC là của một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

Bị cáo Nguyễn Văn Dương khai trước tòa (ảnh: Tuổi trẻ)

Ngày 19/11, phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ chuyển sang thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Dương.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Dương cho biết tôn trọng cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố 2 tội danh “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”. Bị cáo Dương cũng thừa nhận việc truy tố này là đúng.

Trả lời câu hỏi ai là người giới thiệu thành lập CNC để sau này hợp tác với C50, Dương cho biết được một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (đã mất) nói về ý tưởng thành lập công ty nghiệp vụ cho Bộ Công an. Sau đó vị nguyên Thứ trưởng này giới thiệu Dương gặp Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50).

Sau cuộc gặp, Dương và Nguyễn Thanh Hóa đã báo cáo nguyên Thứ trưởng Bộ Công an nói trên và được nói về thành lập Công ty CNC, mục đích chính là hoạt động kinh tế nghiệp vụ. Trước đó, Dương không có ý định lập công ty này.

Dương cho hay ông Nguyễn Thanh Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với CNC. Theo đó, C50 có 20% vốn ở CNC nhưng không đóng góp về nhân sự. Dương cũng khẳng định ông Hóa là người giám sát CNC.

Theo Dương, từ năm 2011 đến 2015, hàng tháng, quý, năm CNC đều báo cáo với C50. Ngoài ra, C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra. Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở số 10 Hồ Giám thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đến đầu năm 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.

Hội đồng xét xử hỏi: “Hợp đồng ký với VTC online, bên CNC chịu pháp lý về phát hành game đúng không?”, bị cáo Dương trả lời “Đúng”.

HĐXX hỏi tiếp, thời điểm ký kết với với VTC online bên CNC đã xin giấy phép để cấp phép phát hành game bài chưa và ai là người xin cấp phép, Dương khai là đang trong quá trình xin cấp phép, bản thân bị cáo và Nguyễn Thanh Hóa trực tiếp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

“Quá trình hợp tác với VTC online vận hành game bài đánh bạc, bị cáo có báo cáo cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa biết không?” – Hội đồng xét xử hỏi, Dương khai có báo cáo cho Nguyễn Thanh Hóa ngay sau khi ký hợp đồng.

HĐXX tiếp tục thẩm vấn Dương, tại sao Bộ Thông tin và Truyền thông chưa cấp phép mà vẫn tiếp tục vận hành game đánh bạc, Dương giải thích là do thời điểm đó trên thị trường cũng có rất nhiều game bài tương tự như vậy hoạt động mà chưa có chế tài xử lý. Chính vì thế, CNC của Dương muốn hóa trang vào đó để tham mưu cho C50 xử lý, đó chính là động cơ tiếp tục hoạt động.

Nói về việc PC50 (Công an Hà Nội) và một số cơ quan chức năng đã từng kiểm tra game bài Rikvip mà không bị xử lý gì, Dương khai: “Bị cáo nhớ là chỗ PC50, anh Nam (Phan Sào Nam – PV) có nói với tôi. Tôi thấy có lẽ là PC50 biết là công ty nghiệp vụ nên không thấy kiểm tra gì nữa. Tôi không nhờ ai can thiệp”.

Nhắc đến tội “Rửa tiền”, Dương nói "rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng". Ở thời điểm biến tiền "bẩn" từ đường dây đánh bạc thành tiền sạch, Dương khai do không nhận thức được hành vi.

"Tôi là nhà kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Có tiền ở hoạt động này, tôi tiếp tục đầu tư hoạt động khác. Thời điểm BOT Bắc Giang, hoạt động này rất được khuyến khích nên tôi thực hiện", Dương giải thích.

Bị cáo Dương khai không sử dụng tiền từ đường dây đánh bạc đầu tư vào công ty UDIC và đầu tư vào BOT Bắc Giang. Tuy nhiên Dương lại thừa nhận mình không chứng minh được sử dụng các nguồn tiền khác đầu tư vào UDIC và BOT Bắc Giang mà cho rằng mình có nhiều nguồn tiền khác.

Khi tòa đặt nhiều câu hỏi truy vấn hành vi rửa tiền thì Dương lại thừa nhận có khoảng 20 tỷ từ đường dây đánh bạc đầu tư nâng vốn cho UDIC.

Về việc nộp lại rất ít số tiền trong tổng số hưởng lợi từ đường dây đánh bạc, Dương giải thích: "Do đầu tư rất nhiều, đến nay tôi không nắm được hết".

Tham gia thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Dương, luật sư Trần Hồng Phúc đặt câu hỏi về việc C50 có kế hoạch tuyển bị cáo Dương vào ngành công an? Bị cáo Dương xác nhận việc này là đúng.

Về mục đích tuyển dụng, Dương khai: “Cái này là chủ trương đã được phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó để phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài của công an phòng chống tội phạm công nghệ cao”.

Tin mới lên