Tài chính quốc tế

Xếp hạng quốc gia có số dân đi du lịch nhiều nhất: Cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia

(VNF) - Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia – ba trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới, chỉ có lần lượt 1, 0,5 và 1,7 chuyến du lịch quốc tế được thực hiện trên 100 cư dân đến 200 điểm đến hàng đầu vào năm 2018. Điều này cho thấy tiềm năng to lớn và không ngừng gia tăng của du lịch và lữ hành từ những thị trường này.

Xếp hạng quốc gia có số dân đi du lịch nhiều nhất: Cơ hội kinh doanh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia

Ảnh minh họa

Mastercard vừa có báo cáo về “Chỉ số Thành phố Điểm đến Toàn cầu (GDCI): Điểm xuất phát”. Đây là bản báo cáo xếp hạng các quốc gia là nơi xuất phát của lượng du khách quốc tế đông đảo nhất đến với 200 thành phố du lịch và địa điểm trung tâm nổi tiếng nhất thế giới.

Theo đó, 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu thế giới về số dân đi du lịch nước ngoài là: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga, Đài Loan.

10 quốc gia này đóng góp gần một nửa (49,1%) tổng số khách du lịch quốc tế tại 200 thành phố và 48,4% tổng chi tiêu. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc có tỷ trọng gần bằng nhau, lần lượt là 9,9% và 9% tổng số khách quốc tế trong năm 2018.

Đáng chú ý là các quốc gia/vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á, lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan hiện chiếm 18,5% chi tiêu du lịch toàn cầu tại 200 thành phố hàng đầu thế giới, tăng so với mức 11% thời điểm 10 năm trước.

Mở rộng ra toàn châu Á – Thái Bình Dương, báo cáo của Mastercard cho hay các nước ở khu vực này chiếm 40% trong số 20 thị trường xuất phát hàng đầu trong chỉ số với Úc ở vị trí thứ 11, Ấn Độ vị trí thứ 12, Indonesia thứ 19 và Malaysia thứ 20.

Người dân Hàn Quốc và Đài Loan đang du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết và tạo nên bước tiến kỷ lục trong top 10, tăng lần lượt sáu và bốn hạng kể từ năm 2009.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng điểm xuất phát (với tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm là 4,6%), khách du lịch đến từ Indonesia đứng thứ 7 về mức tăng chi tiêu du lịch trong thập kỷ qua (9,7%), cho thấy sức mua lớn và tăng trưởng mạnh của người dân quốc gia này.

Ông Rupert Naylor, Phó chủ tịch cấp cao mảng dữ liệu & dịch vụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard, chỉ ra thêm: “Điều thú vị từ góc nhìn châu Á - Thái Bình Dương không chỉ dừng ở việc đóng góp của khu vực này vào chi tiêu du lịch toàn cầu (đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua) mà còn vì chúng ta hầu như chỉ mới tiếp cận được một tỷ lệ nhỏ lượng dân số du lịch nước ngoài”.

“Điều này đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia – đây là ba trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng chỉ có lần lượt 1, 0,5 và 1,7 chuyến du lịch quốc tế được thực hiện trên 100 cư dân đến 200 điểm đến hàng đầu vào năm 2018. Nó cho thấy tiềm năng to lớn và không ngừng gia tăng của du lịch và lữ hành từ những thị trường này.

“Điều này cũng đem lại nhiều cơ hội lớn cho chính quyền và doanh nghiệp địa phương nhằm tận dụng những hiểu biết chuyên sâu nói trên để tiến hành hoạch định hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ lữ hành, du lịch và bán lẻ”, ông Rupert Naylor nói.

Các thị trường "xuất phát" hàng đầu

Các thành phố "điểm đến" hàng đầu từ các thị trường "xuất phát"

Tin mới lên