Tiêu điểm

Xếp hạng PCI 2018: Quảng Ninh vững ngôi vua, Đà Nẵng thứ 5, TP. HCM thứ 10

(VNF) – Năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh đứng dầu danh sách xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 70,36 điểm (thang điểm 100).

Xếp hạng PCI 2018: Quảng Ninh vững ngôi vua, Đà Nẵng thứ 5, TP. HCM thứ 10

Năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu xếp hạng PCI

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm vừa qua, sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được Quảng Ninh duy trì qua nhiều nỗ lực, chẳng hạn như thực hiện phương thức “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) khi giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện.

“Năm qua có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (cao nhất cả nước). Ngay cả thủ tục hành chính đất đai cũng có tới 65% doanh nghiệp của Quảng Ninh từng thực hiện trong 2 năm qua mà không gặp khó khăn. Quảng Ninh cũng đứng nhất nước về chỉ tiêu này”, VCCI cho hay.

Theo sau Quảng Ninh là tỉnh Đồng Tháp với 70,19 điểm. Đây là năm thứ 11 liên tiếp, Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng PCI.

Các tỉnh Long An (68,09 điểm), Bến Tre (67,67 điểm) lần lượt giữ vị trí thứ 3 và thứ 4, đẩy “thành phố đáng sống” Đà Nẵng xuống vị trí thứ 5 với 67,65 điểm.

“Đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở, ngành, huyện có sự gia tăng”, VCCI nhấn mạnh.

Các tỉnh/thành tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh/thành đứng đầu bao gồm: Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP. HCM.

Các tỉnh xếp cuối danh sách gồm các tỉnh: Bắc Cạn, Bình Phước, Lai Châu, Đắc Nông.

Báo cáo PCI của VCCI cũng chỉ ra các xu hướng nổi bật của năm 2018. Xu hướng tích cực gồm: tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức chỉ còn 55% (so với 66% của năm 2015); tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức giảm còn 7% (so với 11% của năm 2015); tỷ lệ tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp chỉ còn 32% (so với 39% của năm 2015); tỷ lệ tỉnh ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển kinh tế tư nhân giảm xuống 37% (so với 49% của năm 2015).

Ngoài ra, tỷ lệ cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả tăng lên 75%, tỷ lệ cán bộ nhà nước thân thiện tăng lên 68%, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn tăng lên 69%, nội dung làm việc của các đoàn thanh tra bị trùng lặp giảm xuống còn 11%.

Các xu hướng đáng quan ngại gồm: tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết hoặc đi vào hoạt động tăng lên 16%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh” tăng lên 53%, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tăng lên 29%, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện tăng lên 34%.

Ngoài ra, các tỷ lệ về khó tiếp cận tài liệu quy hoạch, thông tin dữ liệu đất đai; tỷ lệ về thiếu quỹ đất sạch… đều tăng lên đáng kể.

Dù vậy, điều tra PCI 2018 cho biết mức độ lạc quan của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới vẫn tiếp tục ở mức cao, 49% doanh nghiệp dân doanh và 56% doanh nghiệp FDI cho hay sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Tin mới lên