Bất động sản

Xem xét kỹ Dự án PPP đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Hồ sơ đề xuất Dự án PPP cải tạo, quản lý, vận hành đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các công trình liên quan do Cục Đường sắt Việt Nam chuẩn bị vừa bị trả về do chất lượng không đạt.

Xem xét kỹ Dự án PPP đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Dự án cải tạo, quản lý, vận hành đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các công trình liên quan tuy có quy mô vốn không lớn, nhưng đây là dự án hạ tầng đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt được triển khai theo hình thức PPP.

Lại đợi chờ thêm

Các nhà đầu tư tham gia Dự án Cải tạo, quản lý, vận hành đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các công trình liên quan theo hình thức PPP sẽ phải mang hồ sơ đề xuất về hoàn thiện lại trước khi được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức chấm và công bố kết quả lựa chọn đơn vị trúng tuyển.

Trong Công văn số 4835/BGTVT-ĐTCT gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT cho rằng, đơn vị này chưa hoàn thành nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị Dự án chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định tại Thông tư số 50/2018/TT-BGTVT ngày 11/9/2018 của Bộ GTVT về tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, hồ sơ đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam và hồ sơ đề xuất Dự án của các nhà đầu tư sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật. Cục Đường sắt Việt Nam cần rút kinh nghiệm trong việc hướng dẫn, chỉ đạo nhà đầu tư lập Hồ sơ đề xuất Dự án (bao gồm cả Báo cáo Nghiên cứu khả thi dự án nhóm C, nếu có), đảm bảo theo quy định pháp luật và việc tổ chức đánh giá để lựa chọn Hồ sơ đề xuất Dự án có tính khả thi cao nhất trình Bộ.

“Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương chủ trì chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thiện lại Hồ sơ đề xuất Dự án và rà soát, đảm bảo đầy đủ theo quy định pháp luật về hình thức đầu tư PPP, pháp luật về xây dựng; chịu trách nhiệm về kiểm tra, rà soát, tính chính xác của số liệu hồ sơ trình Bộ GTVT”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án cải tạo, quản lý, vận hành đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các công trình liên quan tuy có quy mô vốn không lớn, khoảng 100 tỷ đồng, nhưng đây là dự án hạ tầng đầu tiên trong lĩnh vực đường sắt được triển khai theo hình thức PPP.

Trước đó, tháng 2/2018, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư cải tạo, quản lý, vận hành đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các công trình liên quan theo hình thức PPP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị liên quan vẫn không thể chốt xong đề xuất dự án, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai.

Ai được lợi?

Trong Tờ trình số 789/TTr-CĐSVN đề nghị phê duyệt Hồ sơ đề xuất Dự án, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, có 2 đơn vị cùng gửi đề xuất tới đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Liên danh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Đầu tư thương mại đường sắt Đông Dương và Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng. Cả hai đơn vị này cùng lựa chọn hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOOT (xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao).

Hồ sơ đề xuất dự án của cả 2 đơn vị và đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam là quá sơ sài, thông có đủ thông tin để thẩm định, phê duyệt.

Sự khác biệt giữa hai nhà đầu tư chỉ ở phương án tài chính. Trong khi Liên danh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Đầu tư thương mại đường sắt Đông Dương đề xuất tổng mức đầu tư Dự án là 119,2 tỷ đồng, thì Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chỉ đề xuất mức vốn 79,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Liên danh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Đầu tư thương mại đường sắt Đông Dương cam kết trả chi phí thuê hạ tầng đường sắt là 57,5 tỷ đồng trong 25 năm; Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng chấp nhận trả chi phí thuê hạ tầng là 49,2 tỷ đồng trong 24 năm với điều kiện là đưa khu đất 16 biệt thự vào trong Dự án để đảm bảo tính nguyên trạng diện tích khu đất khu vực ga Đà Lạt như ban đầu.

Đối với yêu cầu bảo tồn công trình kiến trúc ga Đà Lạt, Liên danh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Đầu tư thương mại đường sắt Đông Dương đề nghị phục hồi nguyên trạng kiến trúc, gia tăng kết cấu để tiếp tục sử dụng, khác với đề xuất của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng là giữ nguyên nhà ga cũ, xây nhà ga mới kế cận để sử dụng.

Được biết, Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá đề xuất của cả 2 đơn vị đều đáp ứng yêu cầu, nhưng xếp Liên danh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Đầu tư thương mại đường sắt Đông Dương ở vị trí thứ nhất.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT), hồ sơ đề xuất dự án của cả 2 đơn vị và đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam là quá sơ sài, thông có đủ thông tin để thẩm định, phê duyệt.

Tin mới lên