Tài chính quốc tế

Vừa ‘đình chiến’ với Trung Quốc, Mỹ lại dọa áp thuế châu Âu

(VNF) - Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) ngày 1/7 đã ra thông báo tham vấn công khai về một danh sách các sản phẩm có thể bị áp thuế bổ sung lên EU.

Vừa ‘đình chiến’ với Trung Quốc, Mỹ lại dọa áp thuế châu Âu

Mỹ đề xuất đánh thuế thêm 4 tỷ USD hàng châu Âu.

Đây được xem là hệ lụy sau khi EU cáo buộc Mỹ cung cấp viện trợ nhà nước bất hợp pháp cho Boeing và Washington cáo buộc Brussels làm điều tương tự với Airbus.

Danh sách bao gồm pho mát Parma, rượu whiskey, xúc xích, thịt giăm bông, mì ống, thịt hầm cuốn...

Theo Reuters, danh sách bổ sung này thêm 89 tiểu mục thuế quan với trị giá thương mại tương đương 4 tỷ USD vào danh sách ban đầu công bố hôm 12/4, trong đó bao gồm các tiểu mục thuế quan trị giá 21 tỷ USD.

USTR cho biết họ đã hỏi ý kiến hơn 40 cá nhân để lên danh sách bổ sung vào giữa tháng 5. Một cuộc lấy ý kiến công khai sẽ được tổ chức vào ngày 5/8.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 4 cũng đã dọa sẽ áp thuế quan lên số hàng hóa Mỹ có kim ngạch nhập khẩu 20 tỷ USD vào EU mỗi năm.

Lời cảnh báo được đưa ra sau một phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 3 nói rằng Chính phủ Mỹ vẫn chưa chấm dứt việc hỗ trợ bất hợp pháp đối với Boeing.

Danh sách hàng hóa Mỹ dài 11 trang mà EU dọa áp thuế bao gồm các mặt hàng từ máy bay cho tới hóa chất và thực phẩm.

EU và Mỹ đã tranh cãi hơn 10 năm qua xung quanh vấn đề trợ cấp cho Boeing và Airbus, hai bên đã cùng khiếu nại tại WTO.

EU và Mỹ đều được cho là đã trợ cấp hàng tỷ USD cho hai hãng này để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu.

Mỹ ước tính tổng giá trị các khoản trợ cấp của EU lên tới 11,2 tỷ USD, song EU bác bỏ. USTR cho biết cơ quan này sẽ công bố danh sách cuối cùng các mặt hàng của EU bị đánh thuế bổ sung sau khi WTO đưa ra quyết định đối với khuyến nghị của Mỹ.

Phản ứng trước động thái trên, hãng Airbus khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Mỹ tiến hành áp đặt trừng phạt thương mại đối với máy bay của hãng, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột thương mại đang ngày càng lớn.

Người phát ngôn của Airbus Rainer Ohler khẳng định hãng này đã thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ các quy định của WTO và con số 11 tỷ USD mà Mỹ đưa ra là phóng đại.

Theo Airbus, số tiền này nên do WTO tính toán chứ không phải Mỹ. Theo người phát ngôn của Airbus, tất cả những điều này đang dẫn đến căng thẳng thương mại và giải pháp phù hợp duy nhất trong cuộc tranh cãi dai dẳng này là một sự dàn xếp.

Về phần mình Boeing khẳng định luôn ủng hộ sự tuân thủ của Mỹ đối với các phán quyết của WTO và đây là thời điểm để EU chấm mọi trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus.

Xem thêm >> Ông Trump nới ‘vòng kim cô’ cho Huawei, nhiều Nghị sĩ Mỹ lên tiếng phản đối

Tin mới lên