Tiêu điểm

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Công bố thanh tra PVC giai đoạn 2008 - 2013

(VNF) - Động thái đáng chú ý mới nhất từ cơ quan chức năng liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, người đang bị truy nã quốc tế.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Công bố thanh tra PVC giai đoạn 2008 - 2013

Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra toàn diện Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Theo Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, đây là cuộc thanh tra đột xuất nhằm thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC, trọng tâm là việc đầu tư thực hiện các dự án; thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/2013.

Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Duy Bính, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ 1 - Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn.

Trước đó, trên cơ sở ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng giai đoạn 2011-2013 tại PVC, báo cáo Tổng Bí thư và Thủ tướng.

Giai đoạn 2008 - 2013 cũng là thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận giữ các chức vụ lãnh đạo cao nhất tại PVC. Cả hai sau đó được xác định là có sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước trong một số dự án mà PVC đầu tư hoặc làm tổng thầu.

Ngày 15/9 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã điều tra, làm rõ các sai phạm trong việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố 4 bị can, bắt tạm giam Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt - nguyên kế toán trưởng  PVC về hành vi cố ý làm trái.

Cơ quan điều tra cũng đã quyết định khởi tố bị can với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC về tội danh trên. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh sau đó được xác định đã bỏ trốn ra nước ngoài, nên Bộ Công an đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can này.

Trước đó, chiều 4/10, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhận được câu hỏi về việc liệu có hay không sự tiếp tay cho ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trước khi ông này có thông tin bị khởi tố.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói đây là vụ việc được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất quan tâm. Có thể khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của toàn đảng, toàn dân từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, cả hệ thống vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các vi phạm của Trịnh Xuân Thanh để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Việc chạy trốn của Trịnh Xuân Thanh đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, như Bộ Công an đã khởi tố bị can và có lệnh truy nã quốc tế.

"Chúng ta khẳng định rằng, các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền không có hiện tượng bao che, dung túng, che đậy tội phạm và bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh chạy trốn. Việc Trịnh Xuân Thanh chạy trốn ra nước ngoài là ngoài ý muốn của chúng ta", ông Dũng nói.

Tin mới lên