Tài chính

Vợ chồng tranh nhau tiền - quyền, Trung Nguyên tuột dốc khó lường

Lợi nhuận năm 2018 của Trung Nguyên bất ngờ giảm gần 50%, chỉ còn 347 tỷ đồng so với mức 700-800 tỷ đồng của những năm trước. Vậy vì sao lợi nhuận của Trung Nguyên lại tuột dốc nhanh như vậy?

Vợ chồng tranh nhau tiền - quyền, Trung Nguyên tuột dốc khó lường

Lợi nhuận Trung Nguyên đột ngột giảm mạnh.

Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) cho thấy đơn vị này vẫn giữ tốc độ phát triển doanh thu khá tốt với hơn 4.800 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lợi nhuận có dấu hiệu giảm mạnh, chỉ còn 347 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2017 là 681 tỷ đồng.

Theo Trí Thức Trẻ, nguyên nhân khiến lợi nhuận của Trung Nguyên trong năm 2018 giảm nhiều khả năng đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi: Giá vốn đội lên 560 tỷ trong khi doanh thu chỉ tăng 400 tỷ kéo lãi gộp giảm xuống còn 1.350 tỷ so với mức 1.500 tỷ đồng/năm của giai đoạn 2014-2017.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng cũng tăng lên. Thời gian qua, TNG tăng các nguồn lực cho quảng cáo, các chương trình phục vụ kiến tạo khởi nghiệp,... Số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho thấy Trung Nguyên chi ra gần 725 tỷ đồng cho chi phí bán hàng năm 2018, tăng 19% cùng kỳ và chiếm quá nửa lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh.

Tổng hợp các yếu tố này dẫn đến lợi nhuận trước thuế giảm từ 681 tỷ xuống 347 tỷ đồng, tương đương mặt bằng lợi nhuận của 5-6 năm trước.

Hiệu suất hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên đã liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Biên lợi nhuận gộp từ mức 37,4% năm 2016, giảm xuống 34% năm 2017 và đến năm 2018 chỉ còn 27,9%. Theo đó, năm 2016 là 768 tỷ đồng, năm 2017 là 681 tỷ đồng và đến năm 2018 chỉ còn 347 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khi công ty mẹ giảm mạnh lợi nhuận thì 2 công ty con quan trọng của TNG đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao: Lợi nhuận của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên tăng từ 105 tỷ lên 161 tỷ đồng còn Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên tăng từ 10 tỷ lên 28 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2018 của 2 công ty này cũng tăng trưởng ấn tượng: Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên và Công ty cà phê Trung Nguyên đạt doanh thu lần lượt 134 tỷ và 1.481 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 28% so với cùng kỳ 2017.

Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập năm 2006 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng này sở hữu toàn bộ công ty hiện tại của Trung Nguyên như Cà phê Trung Nguyên, Cà phê hòa tan Trung Nguyên hay Trung Nguyên franchise.

Đến cuối năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên có tổng tài sản hơn 6.000 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, hai công ty thành viên có tổng tài sản lần lượt là 483 tỷ đồng và 1.002 tỷ đồng.

Khó khăn đến với doanh nghiệp này từ 6 năm trước, khi ông Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo không cùng quan điểm phát triển tập đoàn. 

Trong buổi chia sẻ với truyền thông vào ngày 8/6 vừa qua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng thừa nhận những mâu thuẫn giữa ông và bà Thảo đã ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

"Toàn bộ hoạt động ở nước ngoài của Trung Nguyên bị ảnh hưởng vì phía bà Thảo can thiệp, ra văn bản, dùng con dấu để làm ăn với đối tác", ông Vũ cho biết trong buổi họp báo.

Ông Vũ nhận định xử xong vụ ly hôn này thì Trung Nguyên sẽ cần 2-3 năm để gượng dậy được.

Tin mới lên