Tài chính

Vinamilk và bước đệm tài sản sau ngày thống nhất

(VNF) - Sau ngày thống nhất (30/4/1975), nhiều doanh nghiệp Nhà nước được thành lập với mục tiêu vực dậy sản xuất, trong đó, tiếp quản các cơ sở sản xuất miền Nam là bước đệm rất quan trọng. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một doanh nghiệp thành công tiêu biểu trong số này.

Vinamilk và bước đệm tài sản sau ngày thống nhất

Sữa Ông Thọ - dòng sản phẩm "huyền thoại" của Vinamilk (Ảnh minh họa)

Gần 4 tháng sau ngày thống nhất, Vinamilk chính thức ra đời với tên gọi Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam, thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam. 3 nhà máy được Vinamilk tiếp quản từ chế độ cũ gồm: Nhà máy sữa Thống Nhất (tiền thân là nhà máy Foremost); Nhà máy sữa Trường Thọ (tiền thân là nhà máy Cosuvina); Nhà máy sữa Bột Dielac (tiền thân là nhà máy sữa bột Netstlé).

Mặc dù tiếp quản tới 3 nhà máy sữa nhưng việc vận hành là vô cùng khó khăn, bởi trong nước không có nguyên vật liệu, bắt buộc phải nhập ngoại. Máy móc sau khi tiếp quản đều đã cũ nên việc vận hành khó lại càng thêm khó.

Bà Mai Kiều Liên, người được bổ nhiệm vào chức vụ phó giám đốc kỹ thuật nhà máy sữa Thống nhất vào năm 1982 khi mới 29 tuổi, kể lại rằng công suất của 2 nhà máy sữa Thống Nhất và nhà máy sữa Trường Thọ lên đến 196 triệu hộp sữa đặc/năm nhưng thực tế chỉ có thể sản xuất được 8 triệu hộp/năm.

"Nguyên một nhà máy Trường Thọ sản xuất sữa Ông Thọ mọi người nghỉ hết, đóng cửa luôn", CEO Vinamilk Mai Kiều Liên thuật lại.

Năm 1981 – 1982, Nhà nước bắt đầu có những chính sách để tháo gỡ cho sản xuất với 3 kế hoạch A, B, C. Kế hoạch A là toàn bộ nguyên vật liệu Nhà nước đưa bao nhiêu để sản xuất thì doanh nghiệp giao nộp hết. B là doanh nghiệp có quyền sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu tự kiếm, sản phẩm tự tiêu thụ. C là hoàn toàn không sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu tự lo, tiêu thụ tự lo.

“Việc đầu tiên là làm sao phải có ngoại tệ để có nguyên vật liệu. Chúng tôi mới kết hợp với SEAPRODEX để trao đổi”, bà Liên nói về quyết định lịch sử thời bấy giờ. Lúc ấy, SEAPRODEX có nguồn ngoại tệ khá lớn từ ngư dân.

Có ngoại tệ, Vinamilk mới nhập khẩu được phụ tùng thay thế, phục hồi nhà máy sữa bột Dielac cho trẻ em vào năm 1988. Đây chính là nhà máy do tập đoàn Netstlé để lại trước ngày thống nhất, nhưng không hoạt động được do chủ nhà máy rút chạy, mang theo hồ sơ thiết bị công nghệ về nước.

“Chúng tôi có mời 2 công ty lớn, một nơi đòi 2,7 triệu USD, một nơi đòi 3 triệu USD để phục hồi. Lúc đó thì làm gì có đồng nào? Chúng tôi bắt đầu đặt bài toán cho các giáo sư của các trường, mời xuống để họ khảo sát rồi họ nói họ làm được. Chúng tôi bảo nếu làm được thì ký hợp đồng”, bà Mai Kiều Liên thuật lại.

Mặc dù giá trị hợp đồng là 500.000 USD nhưng khi thanh toán cuối cùng, Vinamilk chỉ mất hơn 200.000 USD, do chi phí phục hồi thấp hơn dự kiến.

“Đó là một điều rất quan trọng vì là lần đầu tiên nước Việt Nam mình có 1 nhà máy sản xuất sữa cho trẻ em, trước đây toàn là nhập hết”, vị tổng giám đốc Vinamilk nhấn mạnh.

Đây là bước đệm tiên quyết giúp Vinamilk trở thành công ty sữa lớn nhất Việt Nam hiện tại, cũng là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với giá trị vốn hóa lên đến gần 10 tỷ USD.

Năm 2018, Vinamilk ghi nhận 52.629 tỷ đồng doanh thu (tương đương 2,2 tỷ USD). Lợi nhuận trước thuế ở mức 12.051 tỷ đồng (tương đương hơn 500 triệu USD).

Tin mới lên