Tiêu điểm

VietnamFinance điểm lại 10 vụ án kinh tế nổi bật nhất năm 2018

(VNF) - Vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ khiến 2 cựu tướng vướng vòng lao lý; xét xử cựu Thượng tá Đinh Ngọc Hệ, tức “Út trọc”; đại án DongABank liên quan đến Vũ “nhôm”; xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh… và hàng loạt đại án gây chấn động dư luận trong năm 2018, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước.

VietnamFinance điểm lại 10 vụ án kinh tế nổi bật nhất năm 2018

Vụ đánh bạc nghìn tỷ gây chấn động dư luận trong năm 2018

VietnamFinance điểm lại 10 vụ án kinh tế nổi bật nhất năm 2018

Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Cựu tướng Phan Văn Vĩnh lĩnh án 9 năm tù

Vụ án đưa ra xét xử 92 bị cáo trong 6 nhóm tội danh liên quan đến vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng được đánh giá là "phiên tòa lịch sử" trong ngành tố tụng của tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung.

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định, vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Công ty CNC), Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch Công ty VTC Online) và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội, có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50).

Từ đó, Tòa tuyên phạt Phan Văn Vĩnh 9 năm tù;Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù; Nguyễn Văn Dương nhận án phạt 10 năm tù; Phan Sào Nam 5 năm tù.

Tuyên phạt ông Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, ông Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù

Theo cáo trạng, vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ bị phát giác từ hành vi chiếm đoạt 110 thẻ cào trị giá 55 triệu đồng qua Facebook của Lê Văn Huy (21 tuổi). Số thẻ này Huy dùng để chơi bạc ở cổng game Rikvip/Tip.Club và cho bạn chơi cùng.

Từ lời khai của anh ta, cơ quan điều tra phát hiện đường dây đánh bạc xuyên quốc gia núp bóng game bài Rikvip/Tip.Club do Nguyễn Văn Dươngvà Phan Sào Namtổ chức.

Sau 27 tháng vận hành, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại. Nhóm này đã lôi kéo được gần 43.000 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng.

Trong đó, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.600 tỷ đồng; Phan Sào Nam hưởng hơn 1.400 tỷ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi 1.500 tỷ đồng. Ba nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và Mobifone hưởng hơn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm điều hành đường dây đánh bạc còn dành hơn 2.600 tỷ đồng trả thưởng cho các con bạc.

Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Dương khai đã đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu USD cùng nhiều đồ vật giá trị. "Trùm cờ bạc" cũng khai đưa cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Vĩnh và ông Hóa phủ nhận việc này. Do chưa có căn cứ chứng minh 2 ông này hưởng lợi cá nhân nên hành vi nhận hối lộ sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.

Vụ MHB: Chủ ngân hàng lĩnh án 13 năm tù

Ngày 22/11, TAND TP. HCM tuyên phạt ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long – MHB (nay đã sáp nhập vào Ngân hàng BIDV) 13 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 2014, Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa đã thông qua việc họp hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản, có thống nhất chủ trương để Sở Giao dịch MHB chuyển 4.975 tỷ đồng cho Công ty MHBS để hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Thực chất là MHBS đem số tiền này gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các chi nhánh MHB và mua bán trái phiếu Chính phủ của chính MHB. Công ty MHBS đã sử dụng 3.357 tỷ đồng gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh trong hệ thống MHB hưởng lãi suất với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị MHB bị tuyên án 13 năm tù.

Ngoài ra, các lãnh đạo của MHB đã dùng 1.558 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu, sử dụng 966 tỷ đồng ký thỏa thuận hợp tác đầu tư môi giới mua bán trái phiếu Chính phủ trong chính MHB thông qua các công ty trung gian.

Việc làm này đã gây thiệt hại cho MHB 349 tỷ đồng. Trong đó, Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Lữ Thị Thanh Bình là những người chịu trách nhiệm chính. Thông qua hành vi này, ông Dũng hưởng lợi 460 triệu đồng, những đồng phạm còn lại hưởng lợi từ 151 triệu đồng đến 930 triệu đồng.

Đáng chú ý, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình đã chủ trương tận dụng giá mua bán chênh lệch trong ngày và giao dịch quay vòng giữa tài khoản tự doanh đã đăng ký, dùng tài khoản cá nhân để mua bán chứng khoán, tạo doanh thu cho MHBS.

Thông qua hoạt động tự doanh này, bà Bình hưởng lợi 58 triệu đồng, những người khác hưởng lợi từ 14 triệu đồng đến 47 triệu đồng.

Vụ án thiệt hại nghìn tỷ tại VNCB

Ngày 6/8, TAND TP. HCM tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) 20 năm tù, tổng hợp hình phạt bản án phúc thẩm VNCB giai đoạn 1, bị cáo Danh phải nhận mức án chung là 30 năm tù; bị cáo Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank) 4 năm tù.

Ông Trầm Bê và ông Phạm Công Danh.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng. Sau đó, 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.

Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.

Riêng Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB 1.840 tỷ đồng.

“Út trọc” Đinh Ngọc Hệ nhận án 12 năm tù

Ngày 31/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt ông Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”, cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) án 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, tổng hợp hình phạt là 12 năm tù.

Theo bản án, dù ông Hệ không thừa nhận hành vi như cáo buộc, song Hội đồng xét xử nhận thấy khi giữ chức chủ tịch HĐQT Công ty phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, bị cáo đã đề nghị Ban lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn mua ô tô bằng vốn tự có và đăng ký biển quân sự, biển xanh 80A.

Tòa án quân sự tuyên phạt 12 năm tù đối với cựu Thượng tá Đinh Ngọc Hệ.

Ông Hệ chỉ đạo ông Lâm thế chấp, cho thuê, mượn 28 trong 39 xe biển quân sự, biển xanh 80A, thu lời bất chính hơn 6 tỷ đồng. Theo tòa, việc đăng ký, cho thuê, thế chấp các xe này đã gây thất thoát hơn 3 tỷ đồng do không nộp thuế trước bạ.

Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo cấp dưới lợi dụng danh nghĩa là doanh nghiệp quân đội làm kinh tế quốc phòng, báo cáo sai sự thật với ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, cấu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, nhằm tránh bị xử phạt, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.

Đại án DongABank liên quan đến Vũ “nhôm”

Vào hồi tháng 4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc DongABank) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Vũ "nhôm" và ông Trần Phương Bình.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, DongABank bị sa sút, thua lỗ kéo dài nên Trần Phương Bình muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Do quen biết nhau từ trước nên Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất rằng Vũ "nhôm" mua 60 triệu cổ phần DongABank với giá 600 tỷ đồng nhằm để Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại ngân hàng này.

Nguồn tiền mua cổ phần DAB, Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại TP. Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DongABank. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, ông Bình chỉ đạo nhân viên DongABank xuất quỹ cho Vũ và Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DongABank để Vũ tham gia mua cổ phần của DongABank.

Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công nên ngày 8/4/2014, Trần Phương Bình chỉ đạo cho nhân viên DongABank chuyển trả 600 tỷ đồng và 9,5 tỷ đồng tiền lãi của 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 tại DongABank chi nhánh Đà Nẵng.

Như vậy, Vũ “nhôm” chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng nhận 600 tỷ đồng và 9,5 tỷ đồng tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DongABank 200 tỷ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống và 3 tỷ đồng tiền lãi của số tiền này.

Trước phiên tòa, Vũ “nhôm” phủ nhận việc ăn chia, hưởng lợi, nhận phần trăm trong việc Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 vay mượn 200 tỷ này. Đồng thời, Vũ “nhôm” cũng cho rằng không thể buộc tội bị cáo lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và khẳng định “mình không có phạm tội”.

Đại án gây thất thoát 2.000 tỷ đồng tại OceanBank

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (trái), Hà Văn Thắm (phải).

Trong gian đoạn 1 đại án kinh tế, tham nhũng tại OceanBank, các cơ quan tố tụng đã làm rõ hành vi của 50 bị cáo về các tội Tham ô, Lạm dụng chức vụ, Vi phạm quy định về cho vay và Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vào đầu tháng 5/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội tại phiên phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hà Văn Thắm mức án chung thân về các tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc OceanBank bị tuyên án tử hình về các tội Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản...

Theo cáo buộc, trong quá trình điều hành Oceanbank, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng.

Các sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà băng này và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Oceanbank bị thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng.

Vụ án Châu Thị Thu Nga chiếm đoạt tiền của 700 người mua nhà

Ngày 16/4/2018, Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Hà Nội đã bác toàn bộ kháng cáo của bị cáo Châu Thị Thu Nga (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Housing Group), tuyên y án chung thân đối với bị cáo này như án sơ thẩm đã tuyên.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2009 đến tháng 11/2010, dự án B5 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) chưa được giao cho Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC là chủ đầu tư; đồng thời từ năm 2011, biết dự án này chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và chưa được cấp giấy phép xây dựng, nên chưa được phép huy động vốn của khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn, nhưng Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo đưa thông tin lên cổng thông tin điện tử của Công ty Housing Group là Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC là chủ đầu tư dự án B5 Cầu Diễn.

Vụ án Châu Thị Thu Nga.

Đồng thời bà Nga đưa thông tin sai sự thật về thực trạng pháp lý, tiến độ của dự án B5 Cầu Diễn; thuê lập mô hình dự án theo quy hoạch điều chỉnh chưa được phê duyệt để tại sảnh trụ sở Công ty Housing Group, chỉ đạo thi công cọc khoan nhồi tại khu đất dự án, để khách hàng tin tưởng nộp tiền cho Công ty Housing mua căn hộ hình thành trong tương lai tại dự án B5 Cầu Diễn.

Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ ngày 9/1/2009 đến ngày 30/7/2013, Châu Thị Thu Nga và các bị cáo được Châu Thị Thu Nga ủy quyền đã ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách và cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng 752 căn hộ từ tầng 2 đến tầng 33 của các tòa nhà tại dự án B5 Cầu Diễn.

Số tiền hơn 377 tỷ đồng thu của khách hàng này, Châu Thị Thu Nga mới trả lại gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng, còn lại hơn 348 tỷ đồng, Châu Thị Thu Nga đã chiếm đoạt và sử dụng hết, đến nay không thu hồi được để trả cho khách hàng và cũng không có căn hộ để giao cho khách hàng.

Vụ PVN ‘mất’ 800 tỷ tại OceanBank: Ông Đinh La Thăng nhận án 18 năm tù

Trung tuần tháng 3/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Theo đó, Tòa tuyên án ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐTV PVN) mức án 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ đồng.

Vụ PVN ‘mất’ 800 tỷ tại OceanBank: ông Đinh La Thăng nhận án 18 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 9/2008, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào OceanBank để PVN trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.

Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo trong vụ án đã tích cực thực hiện 3 lần góp vốn của PVN vào OceanBank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.

Hậu quả, với năng lực yếu kém của OceanBank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank), OceanBank đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu; dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN (là số vốn của Nhà nước giao cho PVN quản lý) tại OceanBank đã bị mất hoàn toàn và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

Vụ tham ô tài sản tại PVP Land: Trịnh Xuân Thanh lĩnh án chung thân

Đầu tháng 2/2018, Trịnh Xuân Thanh nhận án chung thân trong vụ “Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam - PVP Land”.

Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC (Tổng công ty sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land) đã chỉ đạo, móc nối, thông đồng với các đồng phạm để thực hiện ký Hợp đồng chuyển nhượng tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng và cùng nhau chiếm đoạt 49 tỷ đồng.

Trịnh Xuân Thanh.

Hành vi của các bị cáo không chỉ xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn (hơn 87 tỷ đồng) của nhà nước, mà còn làm cho dự án Nam Đàn Plaza bị đình trệ, không triển khai được từ năm 2010 đến nay; làm cho 9.584 m2 đất của dự án tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí, thiệt hại cho nhà nước và xã hội.

Vụ PVC: Án chung thân cho Trịnh Xuân Thanh

Vào hồi tháng 1/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án chung thân đối với ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC) và tuyên án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC.

Từ việc tạm ứng tiền trên, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã sử dụng 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Cũng trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch (Hà Tĩnh) để chia nhau sử dụng cá nhân.

Tin mới lên