Diễn đàn VNF

'Vì sao nước thịnh nước suy?'

(VNF) - Các học thuyết phát triển đang rơi vào khủng hoảng và chưa một chủ thuyết nào được đa số công nhận như Marx ở các nước XHCN hay thị trường tự do trước năm 2008.

'Vì sao nước thịnh nước suy?'

TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright.

Trong bối cảnh như vậy, tác phẩm “Tại sao Nước thịnh, Nước suy: Nguồn gốc của Quyền lực, Sự thịnh vượng, và Nghèo khó” của Acemoglu và Robinson (2012) là rất đáng tham khảo cho các nước đang loay hoay lựa chọn con đường phát triển cho dù còn quá sớm để nói về ảnh hưởng của nó.

Hai tác giả đã phân tích sự phát triển của các nền kinh tế thế giới qua nhiều thế kỷ và chỉ ra rằng những nước phát triển là những nước có thể chế kinh tế và thể chế chính trị dung nạp/bao trùm (inclusive), trong khi những nước có thể chế kinh tế và thể chế chính trị khai thác/tước đoạt (extractive) thì khó có khả năng phát triển.

Thể chế kinh tế dung nạp đặc trưng bởi sự bảo đảm quyền tài sản cá nhân, một hệ thống pháp luật không thiên vị và sự cung cấp các dịch vụ công bình đẳng để mọi người có thể trao đổi và hợp đồng với nhau, đảm bảo quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của số đông.

Thể chế này cho phép và khuyến khích sự tham gia đông đảo của người dân trong các hoạt động kinh tế, làm cho tài năng và kỹ năng của mỗi người được sử dụng tốt nhất, cho phép mọi người được lựa chọn điều mình mong muốn và được hưởng những thành quả từ công sức của mình.

Thể chế kinh tế tước đoạt là thể chế không có được các đặc trưng nêu trên mà ở đó, chúng được thiết kế để tước đoạt thu nhập hay của cải của số đông người dân nhằm phục vụ cho một nhóm nhỏ những người cầm quyền và một số ít đối tượng liên quan (các nhóm lợi ích hay quan hệ than hữu).

Thể chế chính trị dung nạp là thể chế hội đủ hai điều kiện gồm: một mức độ tập trung cần thiết và đa dạng trong các quan điểm. Thể chế chính trị tước đoạt tập trung quyền lực trong tay một số ít giới cầm quyền và các quan hệ thân hữu và có ít các giới hạn trong thực thi quyền lực.

Có sự liên hệ chặt chẽ giữa các thể chế kinh tế và thể chế chính trị.

Thể chế kinh tế tước đoạt một cách tự nhiên gắn liền với thể chế chính trị tước đoạt. Nói chính xác hơn là thể chế kinh tế tước đoạt phải dựa vào thể chế chính trị tước đoạt để tồn tại. Ở đó, những nhóm đặc lợi kinh tế sử dụng nguồn lực một cách vô tội vạ mà không quan tâm đến hiệu quả chung cho toàn xã hội.

Trong thể chế dạng này, giới cầm quyền rất sợ cái mới, rất sợ sự phá hủy sáng tạo, điều mang lại lợi ích cho toàn xã hội nhưng đe dọa quyền lực của họ và những người đang được hưởng lợi từ cấu trúc thể chế đó.

Thể chế kinh tế dung nạp, ngược lại, được hình thành trên các nền tảng mà chúng được tạo ra bởi thể chế chính trị dung nạp và chúng làm cho quyền lực được phân bố trên một diện rộng các tầng lớp xã hội và giới hạn việc thực thi quyền lực độc đoán.

Sự kết hợp giữa thể chế kinh tế dung nạp và thể chế chính trị tước đoạt hay ngược lại là không bền vững. Các thể chế kinh tế tước đoạt sẽ không thể tồn tại dài lâu trong một thể chế chính trị dung nạp. Tương tự, thể chế kinh tế dung nạp sẽ không hỗ trợ và không được hỗ trợ bởi thể chế chính trị tước đoạt.

Trong tình huống này, hoặc là các thể chế kinh tế dung nạp dần được chuyển hóa và thay thế bởi các thể chế kinh tế tước đoạt; hoặc ngược lại, sự năng động của các hoạt động kinh tế sẽ làm mất ổn định các thể chế chính trị tước đoạt và dần chuyển biến thành các thể chế chính trị dung nạp với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp trong xã hội.

Dung nạp là mong mỏi của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trên thực tế, các thể chế tước đoạt thường phổ biến hơn trên thế giới. Điều này có thể lý giải tại sao, hiện tại chỉ có khoảng ¼ số quốc gia trên thế giới trở nên phát triển.

Tin mới lên