M&A

Vì sao người Thái thắng lớn trong cuộc chiến thâu tóm thị trường Việt?

(VNF) - Thị trường Việt Nam đang chứng kiến cuộc đổ bộ "chưa từng có" của các tập đoàn Thái Lan khi chỉ trong ít năm, hàng loạt doanh nghiệp Việt đã bị thâu tóm chóng vánh.

Vì sao người Thái thắng lớn trong cuộc chiến thâu tóm thị trường Việt?

Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ tập đoàn Berli Jucker với bộ sưu tập các thương hiệu Việt

Bằng những thương vụ đình đám, người Thái đang cho thấy chính họ, chứ không phải Nhật Bản, Hàn Quốc, mới là người dẫn dắt "cuộc chơi" M&A ở Việt Nam.

Ồ ạt thâu tóm

Cách đây 5, 6 năm, Nhật Bản là quốc gia có số thương vụ đầu tư thông qua M&A vào Việt Nam cao hàng đầu. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, vị trí đó đã thuộc về Thái Lan. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tập đoàn của quốc gia này đã thâu tóm một loạt doanh nghiệp có vị trí "chìa khóa" của thị trường Việt.

3 tập đoàn Thái Lan đã làm nên cuộc "soán vị đổi ngôi" trên thị trường đó là SCG, TCC Holdings và Central Group. Ước tính, tổng số vốn mà các tập đoàn này rót vào các thương vụ M&A tại Việt Nam lên tới hàng tỷ USD.

Khởi đầu là SCG, tập đoàn này đã chi hơn 4 tỷ bath (tương đương 121 triệu USD) để đầu tư vào 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa của Việt Nam. Trong đó đình đám nhất là thương vụ thâu tóm hai doanh nghiệp sản xuất ống nhựa xây dựng là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh.

Không chỉ vậy, tập đoàn này còn nắm giữ một lượng cổ phần lớn tại 4 doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa gia dụng khác là Liên doanh Việt – Thái Plaschem, Nhựa và hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái.

Ngoài ra, với việc tung hơn 280 triệu USD, SCG cũng "bỏ túi" nốt 85% cổ phần của CTCP Prime và 80% cổ phần của CTCP bao bì Tín Thành, qua đó chi phối hai doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về gạch men và bao bì.

Nối tiếp SCG là Công ty Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn TCC Holdings. Năm 2013, bằng việc chiếm được 65% cổ phần của CTCP Thái An Việt Nam, BJC đã gián tiếp sở hữu 64,55% lợi ích của Phú Thái Group.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, 49% cổ phần trong hệ thống 42 cửa hàng bán lẻ FamilyMart của Nhật Bản đã là của BJC. Và gần đây nhất, tập đoàn này còn cho thấy tham vọng của mình khi tất tay 711 triệu USD để hoàn thành thương vụ Metro Việt Nam Cash&Carry sau 2 năm trời theo đuổi.

Góp tiếng vang sau cùng là Tập đoàn Central Group khi bỏ ra 1,14 tỷ USD để thâu tóm hệ thống BigC Việt Nam từ hãng bán lẻ Casino của Pháp. Trước đó, PowerBuy (công ty con của Central Group) cũng đã chi ra 200 triệu USD để mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT. Qua đó chính thức sở hữu chuỗi 21 siêu thị điện máy nổi tiếng Nguyễn Kim.

Vì sao thắng lớn?

Việc doanh nghiệp Thái ồ ạt xâm chiếm thị trường trong 2 năm qua đã làm cho giới kinh doanh Việt "choáng váng". Nhưng thật ra, đó là hệ quả tất yếu của một chiến lược dài hơi, bài bản được các doanh nghiệp Thái vạch ra và hiện thực hóa một cách hoàn hảo.

Với chỉ khoảng 50 triệu dân, trong khi quy mô nền kinh tế khá lớn, thị trường quốc nội của Thái Lan từ lâu đã đạt đến sự bão hòa. Để có thể tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển, việc mở rộng không gian hàng hóa được đặt ra như một nhu cầu cấp bách.

Các doanh nghiệp Thái bắt đầu tìm cách xuất hàng hóa vào các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Với chất lượng tốt, giá thành rẻ, hàng hóa Thái nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và dần dần chiếm tỉ lệ lớn trong các siêu thị ở Việt Nam.

Song, việc nhập hàng hóa vấp phải nhiều rào cản. Điều này khiến các doanh nghiệp Thái nhận ra, cách tốt nhất để loại bỏ những rào cản ấy chính là "mua đứt bán đoạn" những doanh nghiệp phân phối. Thế là tiền được ném ra, và các doanh nghiệp Việt thi nhau gục ngã.

Chính phủ Thái Lan đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược này, bằng cách cung cấp các đầu mối thông tin và nguồn tín dụng giá rẻ cũng như làm trung gian cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng khiến quá trình thâu tóm của người Thái thành công mĩ mãn là các doanh nghiệp Việt quá yếu. Ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc AVM Việt Nam chỉ rõ, vốn là khâu yếu của nhiều doanh nghiệp Việt. Đói vốn khiến doanh nghiệp không thể tự mở rộng cũng như không đứng vững được trước làn sóng thâu tóm ồ ạt của doanh nghiệp Thái.

Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thì nhấn mạnh "Các nhà đầu tư Việt không mang lại giá trị mới cho doanh nghiệp như quản trị hay thị trường… Do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về M&A nên ngay cả những người có tiền cũng chưa thể hình thành các quỹ để tổ chức đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp".

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản, phải chua chát thừa nhận người Nhật đã "thua" trong cuộc cạnh tranh các thương vụ M&A với người Thái.

"Doanh nghiệp Nhật thường rất thận trọng khi xem xét đầu tư vì thế mà phải rất lâu mới đưa ra quyết định, còn doanh nghiệp Thái thì không", ông Yoshida nói.

Tin mới lên