Tài chính

Vì sao Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 giảm 22%?

(VNF) - Một số lý do khiến Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận giảm khá mạnh có thể kể đến như: sự thận trọng về giá nguyên liệu đầu vào, việc tăng giá điện và chi phí khấu hao tăng xuất phát từ dự án Dung Quất cũng như nhu cầu vốn lưu động cao hơn sẽ làm tăng chi phí lãi vay.

Vì sao Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 giảm 22%?

Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 giảm tới 22%

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) mới đây đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 khá thận trọng.

Cụ thể, mặc dù đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2019 tăng 25,4% lên 70.000 tỷ đồng nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát lại bất ngờ giảm tới 22,1%, xuống 6.700 tỷ đồng.

Hòa Phát chưa đưa ra lý giải về kế hoạch lợi nhuận gây bất ngờ này nhưng theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), một số lý do có thể kể đến như: sự thận trọng về giá nguyên liệu đầu vào, việc tăng giá điện và chi phí khấu hao tăng xuất phát từ dự án Dung Quất cũng như nhu cầu vốn lưu động cao hơn sẽ làm tăng chi phí lãi vay.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì lưu ý rằng kế hoạch lợi nhuận của Hòa Phát thường không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh thực tế. Trong quá khứ, lợi nhuận của tập đoàn này đã vượt kế hoạch 51% trong năm 2015, 106% trong năm 2016, 33% trong năm 2017 và 7% trong năm 2018.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, Hòa Phát cũng công bố chính sách cổ tức năm 2018 với đề xuất chi trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu và sẽ trình đại hội đồng cổ đông. Thời gian chi trả là là quý II/2019. Theo đó vốn điều lệ sẽ tăng 30% lên 27.610 tỷ đồng.

Hòa Phát cũng đề xuất kế hoạch cổ tức năm 2019 là 20% mệnh giá, tuy nhiên chưa quyết định sẽ chỉ trả bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Giá quặng sắt đã tăng trên 25% kể từ đầu tháng 1 lên mức đỉnh trong 4,5 năm đạt trên 90 USD/tấn (hiện đã giảm nhẹ xuống 85 USD/tấn), chủ yếu là do vụ vỡ đập của Vale, một trong bốn tập đoàn hàng đầu về khai khoáng trên thế giới ở Brazil. Vụ vỡ đập dẫn đến sản lượng giảm 50 triệu tấn, tương đương với khoảng 4,5% thị trường quặng sắt qua đường biển.

Do quặng sắt là một trong những nguyên liệu đầu vào trực tiếp cho lò cao của Hòa Phát và chiếm 30- 35% chi phí sản xuất thép, giá quặng sắt cao có thể dẫn đến chi phí sản xuất thép tăng.

Trên thực tế, Hòa Phát đã ngừng nhập khẩu nguyên liệu thô với giá cao trong những tuần gần đây và sử dụng lượng hàng tồn kho đủ cho 3 tháng sản xuất. Công ty cũng có thể tự cung 20-30% nhu cầu quặng sắt và mua 20-30% từ các nhà sản xuất trong nước với mức giá thấp hơn 20 USD/tấn so với giá toàn cầu hiện nay.

Nguồn: Công ty Chứng khoán SSI

Tin mới lên