Tài chính

Vì sao giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là 0 đồng?

(VNF) – Không chỉ lỗ ròng liên tiếp nhiều năm, Hãng phim truyện Việt Nam còn không xác định được chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo… nên giá trị thương hiệu của đơn vị này được xác định là 0 đồng.

Vì sao giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là 0 đồng?

Giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam là 0 đồng

Ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết theo quy định tại Khoản 7, Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC thì giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị doanh nghiệp gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển.

Cụ thể, giá trị thương hiệu bao gồm cả những chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí liên quan đến việc quảng cáo, giữ bản quyền thương hiệu và chi phí đào tạo… trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm.

Còn giá trị lợi thế kinh doanh là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp - được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp với lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Trong vòng 5 năm kể trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (30/9/2014), Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam không có chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty, xây dựng trang web… nên công ty không tập hợp được chi phí thực tế để tạo dựng thương hiệu. Do vậy, giá trị thương hiệu của Công ty tại thời điểm 30/9/2014 là 0 đồng.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động làm phim, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp âm.

Theo hướng dẫn về cách tính giá trị lợi thế kinh doanh theo quy định tại Thông tư 127 thì giá trị lợi thế kinh doanh của công ty tại thời điểm 30/9/2014 là 0 đồng.

Như vậy, giá trị lợi thế kinh doanh của phần Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam = giá trị thương hiệu + giá trị lợi thế kinh doanh = 0 đồng.

Lỗ ròng liên tiếp, chi phí không thể xác định nên giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam chỉ là 0 đồng?

Giải thích cho câu hỏi tại sao giá trị của các khu đất do Hãng phim truyện Việt Nam đang sử dụng không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ông Hoàng từng nói hồi tháng 4/2016:

"Việc xác định giá trị doanh nghiệp Hãng phim truyện Việt Nam để cổ phần hóa được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là xác định toàn bộ giá trị tài sản hiện có của Công ty tại thời điểm cổ phần hóa (30/9/2014). Vì Hãng phim truyện Việt Nam lựa chọn hình thức thuê đất là trả tiền đất hàng năm nên giá trị doanh nghiệp không bao gồm giá trị tiền thuê đất và giá trị lợi thế vị trí địa lý. Do vậy, không thể nói là bán khu đất số 4 Thụy Khuê với giá rẻ bởi vì trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá là không tính giá trị quyền sử dụng đất theo quy định", ông Hoàng nói.

Được biết hồi tháng 12/2016, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ này chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.

"Việc xác định giá trị thương hiệu sẽ căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam", văn bản của Thủ tướng nêu rõ.

Về vấn đề này, tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 21/9/2017, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Ngay sau khi Thủ tướng có chỉ đạo, Bộ đã chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát lại các quy định đồng thời gửi văn bản tới Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này. Tuy nhiên, những quy định hiện hành không có, vì vậy, Bộ đã yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng phương án mới để xác định giá trị thương hiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam trên cơ sở tham khảo cách làm ở một số nước".

Trước những lo ngại về việc các khu đất của Hãng phim truyện Việt Nam sẽ biến thành nhà hàng, khách sạn hoặc chung cư, ông Ái khẳng định: "Sau cổ phần hoá, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ làm phim và kèm theo đó phương án sử dụng đất đã được ghi rõ trong điều lệ của đại hội cổ đông. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cử hai người đại diện phần vốn Nhà nước, cùng với cán bộ, nhân viên tham gia giám sát hoạt động của chủ đầu tư, hội đồng quản trị nếu không đúng với điều lệ thì báo cáo với Bộ".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau cuộc họp đã chỉ đạo thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam.

"Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và cả nhân dân nghi ngờ 'Cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao'. Tinh thần là phải minh bạch thì mọi người sẽ đồng tâm để VFS và nền điện ảnh phát triển tốt hơn", Phó Thủ tướng kết luận

Tin mới lên