Tài chính tiêu dùng

Ví điện tử len lỏi khắp đời sống người dân

Chỉ trong vài giây, qua vài cú nhấp, chạm..., các hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ, thanh toán dịch vụ công đã được hoàn tất.

Ví điện tử len lỏi khắp đời sống người dân

Ví điện tử len lỏi khắp đời sống người dân

Chưa bao giờ người dùng có thể tiếp cận, sử dụng các kênh thanh toán không tiền mặt từ quét mã QR, Mobile Banking, Internet Banking đến ví điện tử, thẻ không tiếp xúc... nhiều như năm 2018 vừa qua.

Hàng rong cũng quét mã, cà thẻ…

Mỗi ngày, phố bán hàng rong khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP. HCM) nhộn nhịp 2 lần vào buổi sáng và đầu giờ chiều. Khoảng 20 gian hàng được quy hoạch thành phố bán hàng rong dưới sự hỗ trợ của TP. Quan sát kỹ các gian hàng ở đây sẽ thấy khá nhiều quầy chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử Momo, điều khá mới mẻ với những người bán hàng rong lề đường.

Gọi một ly cà phê sữa đá giá 12.000 đồng, chị Hoa, nhân viên văn phòng, ngồi xuống một quầy nước trên phố hàng rong. Khi tính tiền, thay vì trả tiền mặt, chị mở ứng dụng ví điện tử Momo trên di động, quét mã rồi thanh toán. 12.000 đồng tiền cà phê được chuyển cho chủ quán theo số điện thoại đăng ký trên ví, sau vài thao thác. Chỉ tính riêng phố hàng rong này, hơn chục quầy hàng chấp nhận thanh toán qua ví điện tử để thêm kênh thanh toán phục vụ khách hàng.

Chú Vinh - 58 tuổi, chủ một quầy nước giải khát ở phố này - chia sẻ chú là một trong những chủ quán đầu tiên ở phố hàng rong chấp nhận hình thức thanh toán ví điện tử. Chú nói thấy nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng, nhất là những người có thói quen sử dụng ví điện tử hoặc những khách hàng không mang tiền mặt trong người. Thủ tục rút tiền mặt từ ví điện tử cũng không quá phức tạp.

Trong khi đó, chị Nga - nhân viên văn phòng ở quận 9, TP. HCM - lại thường xuyên chọn thanh toán hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ qua Mobile Banking và quét mã QR. Cận Tết, chị chọn ghé trung tâm thương mại mua sắm quần áo cho gia đình vì được giảm giá nhiều. Chị thấy nhiều cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng quét mã QR qua ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng sẽ giảm thêm 10% trên tổng hóa đơn.

"Vừa mua được hàng hiệu giá tốt, lại được giảm thêm nhờ thanh toán không tiền mặt. Xu hướng tích cực là tôi thấy gần đây có nhiều kênh thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng lựa chọn, không chỉ cà thẻ máy POS hoặc qua ngân hàng điện tử Internet Banking như trước" - chị Nga nhận xét.

Không chỉ công ty trung gian thanh toán đẩy mạnh dịch vụ qua ví điện tử như Momo, Moca, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng nhập cuộc với ứng dụng ví điện tử, ngân hàng số như Sacombank, BIDV, Vietcombank, LienVietPostBank, VPBank… Một số ngân hàng đã phát thành thẻ tín dụng không tiếp xúc, cho phép chủ thẻ chỉ cần chạm thẻ ngay trước thiết bị thanh toán tại quầy thu ngân và giao dịch sẽ được thực hiện.

Đủ kiểu sắm Tết thời công nghệ

Theo đại diện Sacombank, đón đầu xu hướng và nhu cầu thị trường giúp Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai phương thức thanh toán chạm (thanh toán không tiếp xúc - contactless) đối với thẻ Visa và thanh toán nhanh bằng QR đối với thẻ Visa, Mastercard, UnionPay, JCB. Trong năm 2018, Sacombank có doanh số giao dịch qua QR và bằng phương thức chạm cao nhất, doanh số giao dịch qua thẻ tại các điểm chấp nhận thẻ tăng rất mạnh.

Đại diện BIDV cũng cho rằng mua sắm thời công nghệ không chỉ có cà thẻ qua POS, trên máy ATM, thanh toán trực tuyến trên Internet Banking mà xu hướng hiện tại là tích hợp tất cả vào vật dụng duy nhất - điện thoại thông minh. Như tại BIDV, ứng dụng BIDV Pay+ được xây dựng trên nền tảng công nghệ QR Code, giúp khách hàng có thể thanh toán hàng hóa dịch vụ hay rút tiền trên ATM nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn mà không cần dùng đến thẻ vật lý.

"Chỉ với một thiết bị di động quen thuộc như điện thoại, máy tính bảng…, khách hàng dễ dàng quét mã QR để thanh toán trực tuyến, thanh toán tại các cửa hàng hay rút tiền tại các máy ATM BIDV nhanh chóng mà không còn nỗi lo quên ví, quên thẻ", đại diện BIDV nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), các hình thức thanh toán di động ở Việt Nam rất phát triển. Samsung Pay đã triển khai thanh toán tại POS, trong tương lai Apple Pay, Google Pay sẽ áp dụng, hay Viettel Pay đã sử dụng thanh toán QR và tương lai là Mobifone, Vinaphone…

Với hành lang pháp lý dần được hoàn thiện, sự vào cuộc của ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ và đặc biệt là sự thay đổi của người dân trong nhận thức về ứng dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, Việt Nam đang chờ đợi sự bùng nổ của thanh toán di động thời gian tới.

Chờ bước tiến mới từ thanh toán dịch vụ công

Hiện cả nước có 18.170 trụ ATM, hơn 294.500 máy POS, số lượng thẻ tăng trưởng mạnh - đến nay đạt khoảng 101 triệu. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương khoảng 80% cán bộ, công chức,viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng. Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân. Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên…

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS), nghiên cứu áp dụng ứng dụng công nghệ mới trong thanh toán như mã QR, thanh toán phi tiếp túc, thanh toán di động. Đặc biệt, điểm nhấn được kỳ vọng là các dịch vụ công từ điện, nước, học phí, viện phí, chi trả chương trình an sinh xã hội… sẽ phải chuyển sang thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt.

Tin mới lên