Tài chính quốc tế

Venezuela càng thêm khủng hoảng sau ‘đòn chí mạng’ của Mỹ

(VNF) - Trong loạt động thái được cho là để gia tăng áp lực đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, chính quyền Mỹ ngày 28/1 đã áp lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước tới nay nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).

Venezuela càng thêm khủng hoảng sau ‘đòn chí mạng’ của Mỹ

Các biện pháp trừng phạt này sẽ đóng băng khối lượng tài sản trị giá 7 tỷ USD của PDVSA.

Theo đó, Mỹ sẽ phong tỏa các tài sản của PDVSA ở Mỹ, nguồn thu nhập lớn nhất của Venezuela.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết các biện pháp trừng phạt này sẽ đóng băng khối lượng tài sản trị giá 7 tỷ USD của PDVSA và điều này có thể gây tổn thất 11 tỷ USD cho doanh thu của tập đoàn này trong năm tới.

Biện pháp trừng phạt được Washington kỳ vọng sẽ cắt nguồn thu cho chính phủ ông Maduro và thể hiện ủng hộ "tổng thống lâm thời" Juan Guaido.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lệnh trừng phạt mới này không nhằm vào người dân Venezuela, và sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động viện trợ nhân đạo, trong đó có viện trợ thuốc men và thiết bị y tế cho Venezuela.

“Mục tiêu của lệnh trừng phạt là thay đổi thái độ. Khi tập đoàn này được công nhận là tài sản của lãnh đạo hợp pháp tại Venezuela, số tiền bị đóng băng sẽ được chuyển cho Guaido", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton công bố lệnh trừng phạt mới với Venezuela.

Cũng trong ngày 28/1, phản ứng trước đòn trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông đã chỉ đạo cụ thể người đứng đầu PDVSA về việc xúc tiến các hành động pháp lý và chính trị tại các tòa án của Mỹ và quốc tế để bảo vệ tài sản và bất động sản ở Citgo - chi nhánh của PDVSA tại Mỹ.

Ông Maduro cáo buộc với các biện pháp trừng phạt vừa công bố, Washington đang tìm cách "đánh cắp" Citgo của người dân Venezuela, đồng thời kêu gọi người Venezuele đề cao cảnh giác.

Mỹ và Venezuela đã cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi tuần trước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là “tổng thống lâm thời” của Venezuela ngay cả khi đương kim Tổng thống Nicolas Maduro đang nắm giữ quyền lực.

Ông Maduro đang phải chịu sức ép gia tăng từ phe đối lập trong nước và các nước Mỹ, Canada, Australia, Israel cùng một loạt quốc gia Nam Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nhận được sự ủng hộ từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba và Bolivia, những nước ủng hộ nỗ lực ổn định tình hình của chính phủ và chỉ trích hành vi can thiệp của nước ngoài vào Venezuela.

Venezuela có trữ lượng dầu được ghi nhận là lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Ả rập Xê út. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này ngày càng thiếu tiền để thăm dò và bơm dầu lên.

Vào cuối những năm 1990, Venezuela sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Còn bây giờ, các chuyên gia ước tính con số này chỉ còn khoảng trên một triệu thùng.

Mỹ là khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela, chiếm 39% sản lượng xuất khẩu trong năm 2018. Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ tư vào Mỹ trong tháng 10/2018 với số lượng 506.000 thùng/ngày.

Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những khách hàng lớn mua dầu của Venezuela. Tuy nhiên, Venezuela không nhận được tiền mặt từ việc bán dầu cho hai nước này vì chúng được dùng để thanh toán cho các khoản nợ khổng lồ.

Các lệnh trừng phạt nhằm vào PDVSA sẽ giáng đòn mạnh với nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ của Venezuela, nhưng Mỹ cũng có thể chịu thiệt hại không nhỏ.

Xem thêm >> Mỹ: Tiền thiệt hại do chính phủ đóng cửa ‘dư sức’ xây tường biên giới

Tin mới lên