Tài chính

VDSC: 'Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán đối mặt nhiều thách thức hơn cơ hội'

(VNF) - "Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu kế hoạch của 925 doanh nghiệp niêm yết đã giảm dần từ mức 26% năm 2017, xuống 18% vào năm 2018 và 17% vào năm 2019. Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế kế hoạch đồng thời giảm dần từ 40% trong năm 2017, xuống còn 31% vào năm 2018 và xuống còn 12% vào năm 2019", VDSC cho hay.

VDSC: 'Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán đối mặt nhiều thách thức hơn cơ hội'

VDSC: 'Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán đối mặt nhiều thách thức hơn cơ hội'

Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2019 vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố, tăng trưởng lợi nhuận quý I/2019 của các doanh nghiệp niêm yết có dấu hiệu sụt giảm.

Cụ thể, các công ty trên HoSE chứng kiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm 1%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của các công ty tại HNX tăng 22%, nhưng chủ yếu nhờ đóng góp của chỉ một vài tên tuổi như ACB, SHB, AAA, PVS, DGC hay VCG.

Về các ngành, ngành Dầu khí và Ô tô & Phụ tùng là hai ngành có mức tăng trưởng cao nhất nhờ PVS, CTF và SVC.

Ngành ngân hàng thì thể hiện một bức tranh phân hóa. VCB, STB, MBB, ACB và SHB vẫn tăng trưởng tốt, trong khi CTG, HDB, TCB và BID có mức lợi nhuận đi ngang.

Ngành Dịch vụ tài chính, chủ yếu là các công ty chứng khoán, chứng kiến kết quả kinh doanh có sự suy giảm rất lớn. Theo VDSC, đây là điều dễ hiểu khi mà cùng kỳ năm ngoái, thị trường chứng khoán tăng nóng và đạt đỉnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Về vận động giá cổ phiếu, chỉ có ngành Tiện ích công cộng là tăng trưởng vượt trội tính từ đầu năm, cùng với một số ngành nhỏ như dệt may và thủy sản. Đối với các ngành còn lại, kết quả còn tùy thuộc vào từng cổ phiếu.

"Điều này cũng tương tự với kết quả kinh doanh; bức tranh tổng thể có thể không hứa hẹn, nhưng vẫn có một số điểm sáng. Vì thế, đây vẫn là một môi trường đề cao việc lựa chọn cổ phiếu", VDSC nhìn nhận.

Vẫn theo VDSC, thanh khoản thấp trong những tháng gần đây cho thấy nhà đầu tư dường như không hứng thú với thị trường tại thời điểm này. Do đó, mặc dù margin các công ty chứng khoán tăng trong quý I/2019, VDSC cho rằng điều này tiềm ẩn rủi ro cao. Căng thẳng chiến tranh thương mại vẫn là rủi ro chính của thị trường và có thể gây ra biến động ngắn hạn.

"Tóm lại, không có nhiều yếu tố có thể đẩy thị trường đi xa. Nhìn xa hơn, thị trường có thể sẽ hào hứng trước việc Việt Nam được tăng tỷ trọng trong chỉ số MSCI cận biên. Nhưng trước mắt, chúng tôi cho rằng chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang", VDSC nêu quan điểm.

Một thông tin khác cũng không mấy tích cực liên quan đến kế hoạch kinh doanh cả năm của các doanh nghiệp niêm yết. Dữ liệu tổng hợp của VDSC cho thấy hầu hết doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn mức tăng trưởng năm 2017 - 2018.

"Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu kế hoạch của 925 doanh nghiệp niêm yết đã giảm dần từ mức 26% năm 2017, xuống 18% vào năm 2018 và 17% vào năm 2019. Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế kế hoạch đồng thời giảm dần từ 40% trong năm 2017, xuống còn 31% vào năm 2018 và xuống còn 12% vào năm 2019", VDSC cho hay.

Thông tin hỗ trợ được xem là tích cực nhất liên quan đến kỳ bán niên xem xét thăng hạng thị trường, dự kiến vào cuối tháng 5, của MSCI.

Nếu MSCI chính thức thăng hạng Kuwait lên nhóm MSCI mới nổi (MSCI emerging), tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI frontier 100 sẽ được tăng lên 30% (từ mức hiện tại là 17%). Theo đó, ước tính sẽ có khoảng 60 - 70 triệu USD từ các quỹ theo dõi MSCI cận biên (MSCI frontier) sẽ chảy vào Việt Nam.

"Mặc dù chúng tôi cho rằng dòng tiền mới này sẽ khó có thể đưa VN-Index tăng lên mức cao mới, thông tin trên vẫn ít nhiều có khả năng hỗ trợ tâm lí thị trường", VDSc nhận định.

Tóm lại, trong ngắn hạn, công ty chứng khoán này tin rằng thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn cơ hội. Trước hết, tin tức tiêu cực từ các cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể gây áp lực lên các chỉ số chứng khoán toàn cầu (đặc biệt là S&P 500, DJ và Nasdad) vốn đã tăng khá cao trong bốn tháng đầu năm 2019. Thứ hai là các chỉ số vĩ mô trong nước đều không thực sự khả quan so với cùng kỳ. Các thông tin này, hoặc sẽ trực tiếp hoặc sẽ gián tiếp tác động lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Do đó, VDSC nhận thấy rằng thị trường khó có thể hình thành xu hướng tăng trong tháng 5/2019. Tuy nhiên, sự điều chỉnh mạnh trong tháng 5 có thể tạo nên thời điểm tốt cho việc tích lũy cổ phiếu. Một số ý tưởng VDSC đề xuất cho tháng này là các công ty lớn (thuộc VN30) với nền tảng cơ bản tốt và có mức định giá tương đối hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới, như MBB, MWG hay HPG.

Tin mới lên