Ngân hàng

Vay tiêu dùng không nằm trong phạm vi áp trần lãi suất 20%

TS. Đinh Thế Hiển chuyên gia kinh tế cho rằng: Vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay đặc thù. Do vậy sẽ là phi lý nếu áp trần lãi suất và nên để thị trường tự điều tiết theo quy luật cung – cầu.

Vay tiêu dùng không nằm trong phạm vi áp trần lãi suất 20%

Vay tiêu dùng là một hoạt động cho vay đặc thù.

- Bộ luật Dân sự 2015 quy định trần lãi suất sẽ không được vượt quá 20% cho khoản vay nhưng lại nêu rõ là "trừ trường hợp luật khác có quy định liên quan khác". Như vậy điều khoản "trừ trường hợp luật khác có quy định liên quan khác" có phải là là dành cho các tổ chức tài chính không, thưa ông?

Ông Đinh Thế Hiển: Theo tôi hiểu, mục đích hướng tới của quy định này là hạn chế vấn nạn cho vay nặng lãi, do vậy mức trần 20% chỉ dành cho các giao dịch dân sự, giữa dân với dân. Vấn đề này trước đây chúng ta đã từng đưa vào luật, đó là về lãi suất huy động không được vượt quá 150% để xử lý các vụ tín dụng đen.

Còn dịch vụ cho vay tiêu dùng các tổ chức tín dụng thực hiện lại được triển khai dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức cho vay này chịu sự điều chỉnh bởi luật chuyên ngành, tức là Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước.

Hơn nữa, loại hình kinh doanh này có tính rủi ro, có tính đến lao động thu hồi vốn theo từng đợt, nên sẽ không nằm trong trần lãi suất 20% này.

- Nhiều ý kiến khách hàng cho rằng, lãi suất vay tiêu dùng hiện còn khá cao, do đó cần phải áp trần để giảm lãi suất. Vậy, theo ông, việc áp trần lãi suất sẽ tác động như thế nào đến thị trường?

Hoạt động vay tiêu dùng được hiểu là một loại hình cho vay rủi ro cao và hợp pháp, phải được sự thống nhất của cả hai bên cho vay và đi vay. Nếu ko có loại hình đó thì cũng không có loại hình khác thay thế, bởi khách hàng muốn vay với lãi suất thấp nhưng cũng không được ngân hàng cho vay. 

Như vậy, kinh doanh vốn cũng là một loại kinh doanh, phải dựa trên thỏa thuân 2 bên. Ví dụ, hai người bán hàng cùng kinh doanh mặt hàng điện thoại, nhưng trong đó lại có người bán giá thấp hơn, lẽ tất nhiên, khi đó người bán giá cao sẽ không bán được hàng.

Trên thị trường có nhiều công ty tài chính, trừ khi nào phát hiện được các công ty này cấu kết với nhau để thống nhất không được cạnh tranh lãi suất thì lúc đó mới phải bảo vệ người tiêu dùng. Nếu đây là thị trường tự do, thỏa thuận để ấn định mức lãi suất, thì sẽ hình thành nên một cơ chế cạnh tranh. Công ty nào cho vay với lãi suất cao, tự khắc khách hàng sẽ tìm đến công ty áp mức lãi suất thấp hơn. 

Bởi vậy, các tổ chức này sẽ tự điều tiết lẫn nhau đi đến một mức giá hợp lý để công ty nào có giá thấp hơn hoặc cao hơn chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Đó là quy luật của kinh tế thị trường.

- Ngoài trần lãi suất, theo ông, còn có biện pháp nào hiệu quả hơn trong việc quản lý mà vẫn theo quy luật của thị trường?

Thứ nhất, chúng ta đi theo kinh tế thị trường thì phải đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đơn cử như trong lĩnh vực vay tiêu dùng, nếu Nhà nước chỉ hạn chế cho 2-3 công ty triển khai dịch vụ này thì sẽ tạo nên  sự độc quyền và khi đó mới cần tới trần lãi suất.

Còn nếu lĩnh vực đó Nhà nước không quy định thì rõ ràng đó cần phải có sự cạnh tranh. Như vậy, nếu giảm lãi suất vay tiêu dùng thì việc đầu tiên phải đảm bảo sự cạnh tranh, sự hoạt động thuận lợi của các công ty đó.

Thứ hai, trên thị trường cần có nhiều sản phẩm tài chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vấn đề quan trọng là sự minh bạch. Chính phủ cần có Ban giám sát hiệu quả để hoạt động của công ty tài chính không gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Về phía người tiêu dùng, Nhà nước cần có các khóa đào tạo, hướng dẫn về kiến thức tiêu dùng, sử dụng đồng tiên thông minh. Để cho họ biết khi nào cần vay và vay như thế nào hiệu quả. Đó là sự đồng bộ, mỗi bên đều cần phát huy. Còn nếu giải quyết theo kiểu áp trần đề lãi suất thấp đi mà những điều trên không làm được thì không có ý nghĩa gì cả.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên