Tiêu điểm

Ưu tiên "doanh nghiệp quân đội" để đảm bảo an ninh biển đảo

Đại biểu Phan Văn Quý muốn có sự ưu tiên nhất định đối với doanh nghiệp quân đội trong hoạt động kinh tế

Ưu tiên "doanh nghiệp quân đội" để đảm bảo an ninh biển đảo

Đại biểu Phan Văn Quý

Đăng đàn trong phiên thảo luận tại Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 chiều 2/11, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý kiến nghị rằng cần ưu tiên doanh nghiệp quân đội để góp phần đảm bảo an ninh biển đảo.

Đại biểu Phan Văn Quý cho rằng cần "phát triển kinh tế biển, tăng thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội" vì "kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế đặc thù nên việc tổ chức thực hiện cũng phải có cơ chế đặc thù".

Ông cho hay tại kỳ họp thứ 3, khi góp ý về Luật Biển, ông đã đề nghị: "Cần san bớt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cho một số doanh nghiệp cùng ngành của Bộ Quốc phòng".

Đồng thời, tại buổi chất vấn tại hội trường 13/6/2012, ông cũng đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, câu hỏi: "Theo Bộ trưởng, có cần san bớt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cho một số doanh nghiệp cùng ngành của Bộ Quốc phòng không?". Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đồng tình và ủng hộ sẽ đưa nội dung này vào chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 5, ông cũng đã đề nghị: "Cần san sẻ nhiệm vụ kinh tế biển của các đơn vị yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ cho các doanh nghiệp quốc phòng có năng lực".

Ông Quý cho hay ông kiên trì đưa ra đề xuất trên vì 3 lý do.

Thứ nhất, về an ninh biển đảo, phát triển kinh tế biển đi đôi với công tác bảo vệ, giữ vững an ninh biển đảo là một quy trình hợp lý, mà doanh nghiệp quân đội đóng vai trò quan trọng là cần thiết.

"Có chuyên gia đã khẳng định: "Mọi lời tuyên bố về chủ quyền, chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia, khi nó gắn liền với thực lực và thông qua sự hiện diện quốc gia tại vùng biển có chủ quyền", ông Quý nói.

Thứ hai, về kinh nghiệm quốc tế, có thể lấy Công ty ST Engineering thuộc Tập đoàn Temasekcủa Singapore là một ví dụ. Đây là công ty đại chúng, có khoảng 35.000 cổ đông, nhà nước chỉ chiếm khoảng 50%, nhưng trong 5 năm gần đây doanh thu trung bình mỗi năm của đơn vị này khoảng khoảng 5 tỷ USD, xếp số 1 Đông Nam Á về công nghiệp quốc phòng và kinh tế biển.

Thứ ba, về doanh nghiệp quân đội, thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp quân đội của nước ta được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ cơ quan Bộ đến các đơn vị thành viên; do vậy, khi xảy ra bất ổn, việc xử lý rất nhanh.

"Những năm qua, một số doanh nghiệp quân đội đã thành công với nhiều thương hiện nổi bật như: Viettel, Tân Cảng, Ba Son, Sông Thu, Hồng Hà, MB. Ngân hàng TMCP Quân đội, tuy Nhà nước sở hữu vốn gần 40% nhưng với phương thức quản trị điều hành mang "màu sắc áo lính", MB vẫn phát triển ổn định trong tư thế "vững vàng, tin cậy", ông nói.

Đại biểu cũng cho rằng trong thời điểm hiện nay, việc "tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp đóng tàu quân đội để các doanh nghiệp này đổi mới công nghệ, dẫn dắt ngành đóng tàu cả nước, góp phần tăng cường khai thác kinh tế biển và bảo đảm an ninh biển đảo là cần thiết và hợp lý".

Mặt khác, để chương trình phát triển kinh tế biển có hiệu quả, tạo thêm nhiều nguồn lực cho ngành đóng tàu của cả nước, góp phần bảo vệ và giữ vững an ninh biển đảo, đại biểu Quý đề nghị cần tăng thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp này theo mô hình Ngân hàng quân đội, có lộ trình nâng Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng thành Luật phát triển công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh đó, cần phát triển ngành đóng tàu cần đi đôi với phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình nội địa hóa; cần có chương trình nội địa hóa trong ngành đóng tàu như Quyết định 1791 của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện tại ngành năng lượng và sớm ban hành Luật nội địa hóa.

Tin mới lên