Bất động sản

Từ Thủ Thiêm, nhận diện các dự án BT tại Hà Nội

Câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng ở Thủ Thiêm đang “nóng bỏng” trong những ngày qua, "gợi nhớ" không ít dự án BT tương tự như ở Hà Nội do Tập đoàn Nam Cường, Bitexco, Lã Vọng... làm chủ đầu tư.

Từ Thủ Thiêm, nhận diện các dự án BT tại Hà Nội

Bán đảo Thủ Thiêm.

Nhắc đến các dự án BT tại Hà Nội không thể không nhắc đến Tập đoàn Nam Cường của cố doanh nhân Trần Văn Cường.

Phần lớn quỹ đất khổng lồ có được là do tập đoàn này đã tích tham gia vào các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) trong quá khứ.

Điển hình như năm 2008, Nam Cường khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường phố chính đô thị có chiều dài 5,1km. Điểm đầu tuyến thuộc địa phận phường Vạn phúc (Hà Đông), điểm cuối tuyến thuộc địa phận phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng.

Đổi lại, Tập đoàn Nam Cường được TP. Hà Nội giao khu đất có diện tích gần 200ha để phát triển khu đô thị Dương Nội.

Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường.

Tiếp đó, năm 2009, Nam Cường tiếp tục liên danh cùng với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội tham gia đầu tư dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT.

Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 2,7km bắt đầu từ đường Khuất Duy Tiến đến đường 70. Dự án có tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng và hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2010.

Với việc tham gia dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, tập đoàn Nam Cường tiếp tục làm giàu quỹ đất với diện tích 46,1ha (tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Khu đất này được Nam Cường phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang với các chức năng chính như khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp.

Tập đoàn Nam Cường còn hướng đến quỹ đất hàng ngàn ha khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Cụ thể, thực hiện dự án này, Nam Cường sẽ được giao quỹ đất hai dự án khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), quy mô 1.124 ha và khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), quy mô 922 ha.

Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường đã buộc phải trả lại cho Hà Nội 2 dự án trên vì không phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố.

Với việc sở hữu những lô đất khổng lồ ở Hà Nội, trong những năm qua, Nam Cường đã cắt dần những phần nhỏ để bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án. 

Tại Hà Nội, Bitexco cũng được biết đến là một doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án BT để thâu tóm những quỹ đất khủng.

Khoảng đầu năm 2014, Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT, gồm phần tuyến đường (bao gồm tuyến số 1, tuyến số 5) và nút giao tuyến số 1 & đường 70.

Tập đoàn Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT.

Dự án gồm 2 tuyến đường. Tuyến số 1 có chiều dài hơn 2,5 km có điểm đầu giao với đường vành đai 3, điểm cuối nối với đường 70.

Tuyến số 2 (trong dự án gọi là tuyến số 5) là tuyến đường giáp ranh giữa Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và khu chức năng đô thị nam đường vành đai 3. Tuyến này có chiều dài gần 1,2 km, điểm đầu giao cắt với tuyến số 1, điểm cuối giao cắt với dự án đường vào phía đông Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.475 tỷ đồng. Để đổi lại khoản vốn này, Bitexco được UBND TP. Hà Nội đổi khu đất phía nam đường vành đai 3 (thuộc phường Đại Kim - quận Hoàng Mai và phường Thanh Liệt - huyện Thanh Trì). Đây là khu đất rộng khoảng 90ha. Nếu tính cả hồ nước xung quanh có thể lên đến gần 200ha.

Khu đất mà Bitexco đổi được đánh giá khá đẹp với vị trí nằm cạnh đường vành đai 3, không phải giải phóng mặt bằng nhiều. Ngoài ra, bên trong khu đất có nhiều ao hồ tự nhiên, cảnh quan thuận lợi để xây dựng khu đô thị sinh thái.

Tại quận Hoàng Mai, Công ty Gamuda Land Việt Nam xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở (tổng số vốn khoảng 1,1 tỷ USD). Đổi lại, Gamuda Land được nhận khu đất gần 500 ha ngay cạnh công viên. Hiện tại khu đất đã được hình thành khu đô thị Gamuda City.

Sau khi nhận đất, Gamuda tuyên bố rót 5 tỷ USD đầu tư khu đô thị Gamuda City với nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại... Đáng chú ý, khu đô thị trên lại được thừa hưởng tiện ích là chính công viên mới xây dựng và hồ Yên Sở sau khi nạo vét.

Gần đây nhất, thông tin UBND TP. Hà Nội có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với tổng mức đầu tư 8.800 tỷ đồng, theo hình thức BT với nhà đầu tư dự kiến được lựa chọn là Công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group (Louis Group).

Cơ sở cho đề xuất chỉ định nhà đầu tư, theo UBND TP. Hà Nội là do tính cấp thiết của việc đầu tư dự án và kế thừa từ việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án từ 7 - 8 năm trước. Cụ thể, ngày 17/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh đề xuất dự án. Ngày 25/3/2010, tại Thông báo số 88/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT như kiến nghị của TP. Hà Nội, trong đó có dự án này.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án dự án Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 4.349 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác. Đề xuất dự án của nhà đầu tư cũng nêu rõ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km.

UBND TP. Hà Nội dự kiến sẽ sử dụng 41 ô đất với tổng diện tích 441,26ha trên địa bàn các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh.

Ngoài các dự án trên, trong nhiều năm qua toàn TP. Hà Nội có khoảng 70 dự án BT đã ký hợp đồng. Các dự án này hầu hết đều là chỉ định thầu. Rất nhiều dự án đã bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm.

Tin mới lên