Diễn đàn VNF

TS Võ Trí Thành: Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng bình ổn tỷ giá

Tỷ giá USD/VND một tháng trở lại đây biến động mạnh, tăng liên tục trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, đặt ra những vấn đề về điều hành tỷ giá của Việt Nam, đặc biệt đối với những ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán.

TS Võ Trí Thành: Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng bình ổn tỷ giá

TS Võ Trí Thành: Ngân hàng Nhà nước đủ khả năng bình ổn tỷ giá.

- Ông có thể đưa ra nguyên nhân tại sao tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đặc biệt từ hai tuần cuối của tháng 6/2018?

TS. Võ Trí Thành: Một là áp lực từ bên ngoài, cụ thể là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất (ngày 14/6, FED thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25% lên khoảng 1,75-2%. Tuyên bố gần nhất cho thấy FED sẽ tiếp tục sớm nâng lãi suất - PV). Thứ hai, là hệ lụy của cuộc chiến tranh thương mại, nhất là căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và một số nước, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tỷ giá của họ thay đổi phần nào tác động nhất định tới VND. Trong nước, yếu tố lạm phát dù chưa có tác động lớn nhưng cũng dâng lên ít nhiều (7 tháng đầu năm 2018, lạm phát cơ bản so cùng kỳ tăng 1,36% - PV).

- Nói là tỷ giá USD/VND tăng mạnh, nhưng so với các quốc gia khác, tiền Đồng vẫn đang khá ổn định. Trong khi đó, đối tác thương mại xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam là Trung Quốc lại liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ, điều này có những ảnh hưởng thế nào đến VND?

Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phá giá đồng nội tệ như một cách thức để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến Việt Nam do chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, và gây áp lực lớn lên tiền Đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng với lượng dự trữ ngoại tệ đến cuối tháng 6 vừa qua đã đạt gần 64 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn toàn đủ khả năng can thiệp để bình ổn thị trường.

Một vấn đề khác có thể thấy, cán cân thương mại Việt Nam vẫn thặng dư nhờ khu vực FDI và xuất khẩu. Đây sẽ là những 'trụ đỡ' quan trọng cho tỷ giá.

- Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nên phá giá tiền Đồng để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu?

NHNN vẫn điều hành linh hoạt và tỷ giá đã được điều chỉnh khoảng 1,5% - 2% thời gian qua. Chế độ tỷ giá trung tâm của chúng ta áp dụng từ đầu năm 2016 là khá hiệu quả. Do đó, không cần phải phá giá tiền Đồng theo các quốc gia khác, mà vấn đề quan trọng là điều chỉnh tỷ giá trong khoảng bao nhiêu %. Theo tôi, biên độ hợp lý là từ 2 - 3%.

Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, việc dùng tỷ giá để tăng khả năng cạnh tranh, tạo sự linh hoạt là cần thiết. Thế nhưng, tác động của chính sách tỷ giá là nhiều chiều, ảnh hưởng đến dòng vốn và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là chính sách mà Mỹ đánh giá là sự cạnh tranh không công bằng. Do đó, Việt Nam phải cẩn trọng nếu áp dụng.

Ngoài ra, một cách thức khác mà Việt Nam có thể áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, đó là tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, phương thức này có thể gây ra những phản ứng không mong muốn từ phía đối tác, đặc biệt là Mỹ.

- Thống kê cho thấy, tiền Đồng chỉ mất giá khoảng 1,5% thời gian qua, tuy nhiên chứng khoán Việt Nam lại nằm trong Top các thị trường giảm điểm mạnh nhất. Nguyên nhân tại sao có hiện tượng như vậy?

Tỷ giá chắc chắn có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán ở 4 góc độ:

Thứ nhất, tỷ giá ảnh hưởng đến các thành tố cơ bản của nền kinh tế như lãi suất, lạm phát. Trong khi chỉ số chứng khoán lại phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Do vậy mọi biến động của tỷ giá đều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Thứ hai, đồng USD đắt hơn cùng lãi suất của FED tăng lên sẽ khiến dòng vốn bị hút khỏi các thị trường mới nổi và chảy ngược về Mỹ. Thực tế, trong khoảng 1 - 2 tháng gần đây, nhà đâu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng cổ phiếu trên các sàn chứng khoán của Việt Nam.

Thứ ba, tỷ giá tăng mặc dù tạo hiệu ứng tích cực cho các công ty xuất khẩu, tuy nhiên ngược lại tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp nhập khẩu. Lưu ý rằng các doanh nghiệp FDI hiện nhập khẩu rất nhiều thiết bị, linh kiện, nguyên liệu cho đầu vào sản xuất. Rồi những công ty vay nợ nước ngoài lớn cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi đồng USD đắt lên.

Cuối cùng, tỷ giá tác động đến các lĩnh vực tài chính - ngân hàng bởi các biến động tỷ giá liên quan tới vấn đề lợi nhuận, dòng tiền, cân đối tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng và qua đó liên quan tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh còn do quy mô thị trường và tính thanh khoản của chúng ta chưa lớn, do đó hành vi của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư có ảnh hưởng lớn hơn so với các thị trường khác. Hay nói cách khác, nhà đầu tư Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý, khiến thị trường sẽ tăng rất mạnh hoặc sẽ giảm rất sâu.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên