Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Văn Đáng: ‘Giới lý luận ở Việt Nam vẫn ưa tư duy quản lý’

(VNF) – TS Nguyễn Văn Đáng, Viện Xã hội học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng tư duy lý luận ở Việt Nam vẫn nhấn mạnh ý niệm “quản lý”, vốn đề cao vai trò của chủ thể chính quyền nhà nước trong tư cách một hệ thống kiểm soát các quan hệ xã hội và thực thi các quyết định chính sách.

TS Nguyễn Văn Đáng: ‘Giới lý luận ở Việt Nam vẫn ưa tư duy quản lý’

TS Nguyễn Văn Đáng

Từ hành chính công đến quản trị công mới

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, cho đến nay, thế giới đã trải qua ba mô hình tư duy về quản lý xã hội: Hành chính công (xuất hiện từ cuối thế kỷ 19), quản lý công mới (nổi lên từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX) và quản trị công mới (xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 21).

Mô hình hành chính công truyền thống đặc biệt coi trọng vai trò của hệ thống các cơ quan và đội ngũ công chức chính quyền, cũng như các quy trình quản lý hành chính trong việc quản lý xã hội.

Trong mô hình này, bộ máy quản lý hành chính chuyên môn hóa được tổ chức dựa trên nguyên tắc duy lý khoa học; thẩm quyền quản lý của hệ thống hành chính được kết cấu theo cấu trúc dọc từ trên xuống dưới: các đơn vị cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, phục tùng và thực hiện theo sự chỉ đạo của quyền lực cấp trên.

Hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách và quản lý xã hội là những ưu điểm lớn nhất của hệ thống hành chính nhà nước. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của tư duy hành chính công truyền thống là quá đề cao vai trò của đội ngũ công chức hành chính cũng như các cơ quan chính quyền.

“Thực tế cho thấy bản thân chính quyền không thể có đủ nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu quản lý và thực thi chính sách trong bối cảnh thế giới ngày nay”, TS Đáng nhận xét.

Sự hạn chế của mô hình hành chính công truyền thống đã thúc đẩy sự ra đời của mô hình quản lý công mới. Mô hình này có đặc điểm nổi bật là các chủ thể tư nhân bắt đầu được tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công.

Tư duy quản lý công mới đề cao vai trò của các chủ thể tư nhân và chủ thể phi lợi nhuận trong việc thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công.

Những người ủng hộ tư duy quản lý công mới tin rằng nhu cầu đa dạng của công dân sẽ được đáp ứng tốt hơn với sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Cơ quan chính quyền cũng phải vận hành như một doanh nghiệp; các nguyên tắc và kỹ năng quản lý của khu vực tư nhân cần được áp dụng trong việc thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công.

Ưu điểm của mô hình quản lý công mới chính là hiệu lực, hiệu quả và khả năng đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, quan điểm quản lý công mới cũng bị phê phán vì quá nhấn mạnh các mối quan hệ liên tổ chức trong khi thế giới ngày càng trở nên đa dạng, đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia để cùng giải quyết các vấn đề công.

“Việc đề cao các kỹ năng quản lý của khu vực tư nhân và áp dụng trong khu vực công - vốn phức tạp hơn nhiều - nhanh chóng trở nên lạc hậu. Đặc biệt, tư duy quản lý công mới tỏ ra bất cập, không có khả năng trong việc xây dựng và vun đắp sự chính danh chính trị cho các thể chế công cũng như lòng tin chính trị giữa các công dân”, TS Đáng phân tích.

Những hạn chế này, đến lượt mình, lại thúc đẩy sự ra đời của tư duy quản trị công mới. Khái niệm “quản trị” được định nghĩa một cách khái quát là “các nguyên tắc ra quyết định tập thể trong những bối cảnh đa dạng chủ thể hoặc tổ chức, và không tồn tại một hệ thống kiểm soát chính thức nhằm chi phối các điều khoản về mối quan hệ giữa các chủ thể cũng như tổ chức”.

Theo TS Đáng, khái niệm “quản trị” có 4 đặc điểm. Một là tính chất lai ghép. Hệ thống quản trị tích hợp các hệ thống hành chính với các cơ chế thị trường và các tổ chức phi lợi nhuận. Các hình thức quy định và nguyên tắc quan hệ mới sẽ thu hẹp và làm mờ đi ranh giới giữa nhà nước và xã hội.

Hai là hoạt động quản trị có tính liên quốc gia và đa thẩm quyền. Các khuôn mẫu, mô thức quản trị bao gồm các thể chế và con người ở tất cả các cấp độ chính quyền cũng như các lĩnh vực chính sách khác nhau và không bị giới hạn bởi biên giới lãnh thổ địa phương hay quốc gia.

Ba là sự đa dạng của các chủ thể. Quá trình ra quyết định tập thể được đặc trưng bởi sự đa dạng của các chủ thể quản trị, cả trong và ngoài khu vực công. Không chỉ các lợi ích công mà các lợi ích đa dạng có vai trò ngày càng chủ động và tích cực trong quy trình chính sách.

Bốn là mối quan hệ đối tác và hợp tác dựa trên các mạng lưới kết nối các chủ thể. Thay vì các mối quan hệ khép kín theo chiều dọc trong mô hình hành chính truyền thống, các chủ thể đa dạng được liên kết với nhau theo dạng thức mạng lưới, hình thành các quan hệ theo chiều ngang và đem đến sự bình đẳng cho các chủ thể. Nhiều hạng mục dịch vụ công được cung cấp bởi mạng lưới các bên liên quan, gồm cả cơ quan chính quyền cũng như các doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức phi lợi nhuận.

Quản lý hay quản trị?

Theo TS Nguyễn Văn Đáng, các văn kiện chính thức ở Việt Nam nhấn mạnh vai trò của hệ thống chính quyền nhà nước trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý xã hội.

Theo đó, hệ thống chính trị - hành chính được xác định đổi mới theo hướng: “bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Mục tiêu tổng thể của tiến trình đổi mới hệ thống chính trị - hành chính là: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”.

“Như vậy, tư duy lý luận ở Việt Nam gần đây vẫn cho thấy sự nhấn mạnh ý niệm ‘quản lý’, vốn đề cao vai trò của chủ thể chính quyền nhà nước trong tư cách một hệ thống kiểm soát các quan hệ xã hội và thực thư các quyết định chính sách”, TS Đáng bình luận.

TS Đáng cho rằng thực tế này phản ánh những đặc thù bối cảnh của Việt Nam nhưng đồng thời cũng cho thấy khoảng cách về tư duy lý luận quản lý - quản trị xã hội ở Việt Nam so với thế giới.

Ông nhấn mạnh rằng dù những ý tưởng về sự đa chủ thể và chấp nhận sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước vào tiến trình quản trị xã hội cũng đã xuất hiện nhưng mô hình tổ chức, cơ chế và tính chất mối quan hệ giữa các chủ thể vẫn là những vấn đề chưa thực sự rõ ràng.

“Sự chưa rõ ràng về các điều kiện thể chế cho một hệ thống quản trị đa chủ thể, đề cao sự hợp tác và cùng hành động chính là bằng chứng cho thấy những hạn chế lý luận cần được giải quyết”, TS Đáng nói.

Tin mới lên