Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Ngọc Anh: ‘Vinamilk đang tốt thì bán làm gì, vì tiền à?’

(VNF) – TS Nguyễn Ngọc Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), đã dẫn trường hợp thoái vốn nhà nước ở Vinamilk như một ví dụ điển hình để bàn luận về cách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

TS Nguyễn Ngọc Anh: ‘Vinamilk đang tốt thì bán làm gì, vì tiền à?’

Ảnh minh họa

Phát biểu tại một hội thảo về kinh tế nhà nước, TS Nguyễn Ngọc Anh cho rằng việc sắp xếp, cải cách doanh nghiệp nhà nước là không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên thoái vốn không phải là cách duy nhất.

“Nhìn ra OCED chẳng hạn, họ có một cuốn sách về doanh nghiệp nhà nước, trong đó nói rõ cách quản lý với từng loại doanh nghiệp, doanh nghiệp nào nắm vai trò độc quyền tự nhiên. Ở Phần Lan có một số công ty hoàn toàn là doanh nghiệp nhà nước nhưng mục tiêu của những công ty này được xác định rất rõ là tạo doanh số cho ngân sách. Lãi của các doanh nghiệp này chính là ngân sách nhà nước.

“Tôi chia sẻ như vậy là để thấy viên thuốc (để chữa bệnh cho doanh nghiệp nhà nước - PV) không phải là bán hết, đập đi xây lại hết”, ông Anh nói.

Theo ông Anh, có một báo cáo chia doanh nghiệp nhà nước thành các nhóm: nhóm chiến lược, nhóm không chiến lược, nhóm làm ăn có lãi và không có lãi.

“Người ta đặt lên bàn cân, xem từng nhóm sẽ làm gì. Ví dụ nhóm chiến lược mà đang có lãi thì ông có bán không? Ông bán thì điên à, đang có lãi mà. Ví dụ mình nói Vinamilk, công ty này không phải ở ngành chiến lược nhưng mình bán làm gì? Nó đang tốt, quản trị tốt thì bán làm gì? Vì tiền à?”

“Hay một số ngành như bia rượu là ngành ảnh hưởng tới sức khỏe, thu thuế được 1 đồng thì mất tới 5 đồng cho bảo vệ sức khỏe. Những công ty đó ở phương tây là độc quyền nhà nước luôn”, ông Anh nói và khẳng định: “Vấn đề là ta muốn gì với những thứ ta có, chứ không phải lấy một viên thuốc ra và bắt mọi người cùng uống viên thuốc đó”.

Lấy thêm một ví dụ khác, ông Anh cho biết cách đây 3 năm, ông có làm việc với các doanh nghiệp dệt may lớn ở miền Bắc, trong đó có Dệt kim. Doanh nghiệp này trước đây làm ăn rất tốt, từng chiếm lĩnh thị trường Đông Âu. “Nhưng các bác cải cách doanh nghiệp, đặt vấn đề hiệu quả tài chính lên, doanh nghiệp có mảnh đất, họ xây chung cư. Thế là từ một doanh nghiệp sản xuất với 400 – 600 cán bộ công nhân viên giờ dặt dẹo còn khoảng 100 anh em”.

“Vấn đề cải cách là để nâng cao hiệu quả chứ không phải biến một doanh nghiệp đang kinh doanh tốt thành một loại công ty khác. Cổ phần hóa với từng loại doanh nghiệp phải có một bài toán tương ứng”, ông Anh kết luận.

Tin mới lên