Diễn đàn VNF

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Không nên kiểm soát tín dụng bất động sản một cách hà khắc'

(VNF) - Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhà nước không nên kiểm soát tín dụng vào bất động sản một cách hà khắc mà nên kiểm soát tổng tín dụng nói chung.

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Không nên kiểm soát tín dụng bất động sản một cách hà khắc'

TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy Ban Giám sát Quốc gia

Bàn luận về việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp tại "Diễn đàn toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính 2019" được tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Nhà nước không nên kiểm soát tín dụng vào bất động sản một cách hà khắc mà nên kiểm soát tổng tín dụng nói chung bởi theo dự đoán của các chuyên gia tài chính thế giới, trong giai đoạn 2021 - 2023 là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm đối với cả thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, tới đây sẽ có một sự dịch chuyển dòng vốn rất lớn từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản. Sự dịch chuyển này có thể bắt đầu từ năm 2019 và nhanh thì có thể kéo dài đến năm 2021, còn chậm thì đến năm 2023.

"Điều đó có nghĩa, giai đoạn từ năm 2021-2023 thị trường bất động sản sẽ lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ xảy ra bong bóng, còn trong năm nay và cả năm sau nữa thì khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Trong bối cảnh thị trường đang rất tăng trưởng tốt một cách lành mạnh, giao dịch nhiều nhưng giá ổn định, minh bạch thì việc siết tín dụng đột ngột có thể gây nên cú sốc không nhỏ đối với thị trường bất động sản, thậm chí với cả nền kinh tế.

Đánh giá về diễn biến của thị trường trong thời gian còn lại của năm 2019, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và tăng trưởng của kinh tế thế giới, đặc biệt là các thay đổi của chính sách tín dụng cho bất động sản.

Cụ thể là quy mô tín dụng bất động sản đã giảm dần từ năm 2016 đến nay, đặc biệt giảm nhiều trong quý 4/2018. Dự đoán, tín dụng bất động sản sẽ còn được kiểm soát chặt chẽ hơn, với việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30% hay tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên. Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản.

"Việc tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ làm cho chất lượng của các khoản vay bất động sản sẽ chất lượng và lành mạnh hơn, giảm nợ xấu, đồng thời sẽ kích thích các nguồn vốn khác đầu tư vào bất động sản như vốn tư nhân, kiều hối, vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán bất động sản", ông Hà nói.

Chủ tịch VARs cũng nhận định, việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản sẽ được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, chặt hơn trong thời gian tới. Bởi khi nguồn vốn tín dụng giảm, sẽ giảm các hoạt động đầu cơ. Điều này sẽ hạn chế được yếu tố đầu cơ thổi giá, tránh những bất lợi cho người mua có nhu cầu thực.

Tin mới lên