Tài chính

TS Huỳnh Thế Du: ‘Tôi chưa có cơ sở để tin siêu ủy ban hoạt động hiệu quả’

(VNF) – TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công - Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng chưa có cơ sở để tin Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là siêu ủy ban) hoạt động hiệu quả. Nguyên do là ông chưa nhìn thấy năng lực chuyên môn thật sự và động cơ làm tốt của những người làm trong siêu ủy ban này.

TS Huỳnh Thế Du: ‘Tôi chưa có cơ sở để tin siêu ủy ban hoạt động hiệu quả’

TS Huỳnh Thế Du

Tăng trưởng chỉ nên là hiệu quả của một chính sách tốt

- Thưa ông, năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng con số tăng trưởng đó không có gì là ghê gớm vì Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao hơn thế. Ông có bình luận gì về mức tăng trưởng của năm 2017?

TS Huỳnh Thế Du: Chuyện cao hay thấp, tính toán số liệu thống kê thế này thế kia nó là vấn đề gây tranh cãi vì số liệu của Việt Nam luôn gây tranh cãi, cho đến bây giờ. Đó là thực tế.

Tuy nhiên nhìn nhận khách quan thì nền kinh tế 2017 đã tốt lên thật. Điều đó thể hiện ở tất cả các chỉ tiêu vĩ mô, đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ tiêu xếp hạng về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của quốc tế, tất cả đều cho thấy sự tốt lên so với năm trước. Có thể nói kinh tế Việt Nam đã khởi sắc. Đó là điều phải nhìn nhận.

Còn con số 6,81%, 7%, 6,5% hay thấp hơn thì theo tôi, trong bối cảnh sai số thống kê đo lường tại Việt Nam là rất lớn, chúng ta không nên quá chú trọng vào sự chênh lệch ở mức độ nào đấy. Hãy chú trọng vào các nền tảng như: tăng trưởng có bền vững không, tăng trưởng có tính bao trùm không?

Nếu tăng trưởng không bền vững, hay nói cách khác là tăng trưởng do được kích lên bởi một lý do nào đấy hay tăng trưởng không có tính bao trùm thì cái đó không phải là cái đáng mong đợi. Một cái mức tăng trưởng thấp hơn nhưng bền vững và nhiều người được hưởng lợi đáng để nhiều người quan tâm hơn.

- Vậy ông có cho rằng tăng trưởng của Việt Nam có tính bền vững hay bao trùm không?

Cái đấy khó nói lắm nhưng về tổng thể (nhìn 30 năm đổi mới) thì tính bao trùm của Việt Nam là cao so với các nước.

- Ông cho rằng động lực tăng trưởng của 2018 là gì?

Động lực tăng trưởng năm qua đến từ 3 yếu tố: xuất khẩu, FDI và sự ấm lên của khu vực kinh tế tư nhân. Đó là những cái khía cạnh căn bản mà nếu năm 2018 chúng ta duy trì được thì nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên tôi cũng muốn nói rằng động lực tăng trưởng FDI có sự lan tỏa và bao trùm ở một mức độ rất hạn chế. Có nghĩa kỳ vọng vào FDI mang đến tăng trưởng nhưng tính bao trùm và bền vững của nó đang là dấu hỏi.

- Ông có thể đưa ra những khuyến nghị về chính sách tăng trưởng?

Tôi vẫn bảo vệ quan điểm không nên chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng một cách máy móc. Tăng trưởng chỉ nên là hệ quả của một chính sách tốt. Có nghĩa là Nhà nước nên tập trung vào việc đảm bảo kinh tế vĩ mô thật ổn định với mức lạm phát thấp. Hai là là Nhà nước phải tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu giải quyết được điều ấy, mọi chuyện sẽ tốt lên. Còn nếu xem con số tăng trưởng là một sự tính toán có từ nơi này nơi kia thì nó không có ý nghĩa nhiều.

Tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát không cải thiện thu cho Nhà nước

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, lấy ý kiến về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm tính toán lại quy mô GDP. Việc thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ làm tăng GDP nhưng liệu Nhà nước có tăng thu được ngân sách?

Vấn đề khu vực kinh tế chưa được quan sát thì ở quốc gia nào cũng vậy, quan trọng là cái mục tiêu tính toán, tức là tính để làm gì? Tính để nắm rõ hơn nền kinh tế, từ đó có những chính sách điều hành thích hợp thì nên, còn tính để nới trần nợ công, tạo thêm không gian vay hay vì một số lý do khác (tại Việt Nam rất nhiều chỉ tiêu theo GDP) thì không nên.

Đương nhiên là về mặt nguyên tắc, việc càng tính sát quy mô GDP với thực tế càng tốt. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề gây tranh cãi vì rất khó thống kê cái này.

- Vậy triển vọng tăng thu ngân sách từ khu vực này thế nào?

Việc tính khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP không phải là vấn đề triển vọng tăng thu ngân sách. Thu ngân sách nằm ở khía cạnh hiệu quả của hệ thống tài chính công, của cơ quan thuế. Theo tôi, việc đưa hay không đưa khu vực này vào GDP không ảnh hưởng đến việc thu thuế.

- Nếu giả sử động cơ đưa khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP của Chính phủ là để tạo thêm không gian vay thì rủi ro của chúng ta là gì?

Vấn đề thu và chi ngân sách phụ thuộc vào hiệu quả. Cái trục trặc, kém hiệu quả của thu và chi ngân sách của Việt Nam đã tạo ra cuộc giằng co giữa hai bên: ủng hộ tăng cường chi (để đạt được tốc độ tăng trưởng cao) và siết chặt chi (do lo sợ ảnh hưởng đến tính bền vững của vĩ mô). Việc so sánh với GDP chỉ là cái cớ để bên này hay bên kia vin vào. Cuối cùng GDP trở thành công cụ để cả 2 phía sử dụng để thương lượng với nhau.

Với theo dõi của tôi, câu chuyện của Việt Nam không phải là tăng thu, không phải mở rộng chi tiêu mà là hiệu quả của chi tiêu. Tôi nghĩ Việt Nam giai đoạn này nên tập trung vào hiệu quả của việc chi tiêu - điều quan trọng hơn so với mở rộng chi tiêu.

Chưa có cơ sở để tin siêu ủy ban hoạt động hiệu quả

- Năm 2017 là năm thoái vốn khá mạnh mẽ. Lộ trình thoái vốn các năm sau đó cũng đã được Chính phủ vạch ra rất chi tiết. Ông có bình luận gì về chương trình thoái vốn của Chính phủ?

Tôi cho rằng thoái vốn làm nền kinh tế lành mạnh hơn vì nếu Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi thì rất khó tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng. Thoái vốn, do vậy, là cần thiết.

Và tôi cũng thấy rằng khi cách làm hợp lý thì Nhà nước có thể thu được nguồn tài chính rất lớn để phục vụ cho các hoạt động khác. Trong các năm tiếp theo, tôi ủng hộ việc tiếp tục thoái vốn, giảm tối đa vai trò tham gia vào nền kinh tế của Nhà nước. Nhà nước chỉ nên tập trung vào vai trò là đảm bảo vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh.

- Vừa qua Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để quản lý số vốn lên tới 5 triệu tỷ đồng. Hiện đang có một số ý kiến lo ngại về cách thức hoạt động và hiệu quả của siêu ủy ban này, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi chưa có cơ sở để tin siêu ủy ban hiệu quả bởi vì nó đòi hỏi 2 thứ: thứ nhất là năng lực để có thể kiểm soát 5 triệu tỷ đồng và thứ hai là động cơ.

Về ý thứ nhất, tức là phải đảm bảo về mặt kĩ thuật, phải có con người – những người am hiểu về tài chính, đầu tư, cách thức vận hành của nền kinh tế để vận hành số vốn này.

Thứ hai là những người có khả năng đó phải có động cơ vì lợi ích chung, tức là vì cái giá trị, cái sinh sôi nảy nở của 5 triệu tỷ đồng này.

Thưc tế thì tôi chưa thấy các yếu tố trên trong siêu ủy ban của Việt Nam. Tức là người có năng lực chuyên môn thật sự ấy, tôi chưa thấy. Thứ nữa là giả sử người có năng lực chuyên môn ngồi trong siêu ủy ban này thì tôi cũng không thấy động cơ làm tốt của người ta. Bởi vì nếu có động cơ làm tốt thì hồi trước các doanh nghiệp nhà nước đã tốt rồi chứ không phải cần tới ủy ban này.

Đó là bởi vì hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều gặp trục trặc nên mới phải thành lập siêu ủy ban. Tôi không biết siêu ủy ban này có phép màu nào để có những người toàn tâm, toàn ý vì cái chung. Bởi vì cơ chế của siêu ủy ban này về cơ bản vẫn là một cơ quan quản lý.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên