Tài chính tiêu dùng

TS Cấn Văn Lực: ‘Kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao’

(VNF) - “Kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt,… dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ”, chuyên gia nhận định.

TS Cấn Văn Lực: ‘Kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao’

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh, nhất là trong khoảng 20 năm vừa qua. Trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1998, nhưng phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt… Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn được nhìn nhận là còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay chiếm 17% tổng dư nợ năm 2017; trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm có 8,2%. Đồng thời, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang chỉ tập trung vào 4 công ty lớn gồm: FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%).

“Những công ty này đã chiếm đến gần 90% thị phần, có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng”, ông Lực cho hay.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. “Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng, và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt; điều này cũng có ảnh hướng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua”, ông nói.

Vấn đề thứ ba theo ông Lực, thông tin mà các công ty tài chính cung cấp cho người tiêu dùng đôi khi chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng.

Ông dẫn chứng việc Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã có nhiều khiếu nại của khách hàng với các công ty tài chính; trong đó, phần lớn là những phản ánh như các công ty này đã không giải thích rõ ràng điều khoản của hợp đồng như lãi suất, thời hạn, các mức phạt, hoặc các nhân viên tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, chưa đầy đủ…

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phản ánh trên các diễn đàn về tình trạng bị đòi nợ liên tục, trong khi thái độ của một số nhân viên đòi nợ chưa đúng mực, dẫn đến mâu thuẫn, thiếu hợp tác từ phía người vay vốn.

TS Lực cũng nhận định, hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại trong tương lai. Trong dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ lưỡng… trong khi hoạt động này lại nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi nền kinh tế khó khăn, nợ quá hạn từ thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng thường tăng nhanh).

Cũng theo ông Cấn Văn Lực, việc thiếu thông tin, dữ liệu về khách hàng cũng gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung.

“Một khách hàng tại Việt Nam có thể có nhiều nguồn thu nhập, nhưng lại rất khó có thể xác minh. Nơi ở trên hộ khẩu và thường trú không trùng khớp, sử dụng nhiều số điện thoại cũng làm cho việc liên lạc, tìm hiểu khách hàng gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, vì chưa có nhiều người Việt sử dụng các sản phẩm tài chính nên họ không có lịch sử tín dụng. Những yếu tố trên khiến các ngân hàng thương mại cần rất nhiều thủ tục giấy tờ để có thể cấp tín dụng, còn các công ty tài chính tiêu dùng thì buộc phải để lãi suất lên cao để bù đắp rủi ro cao”, ông nói.

Ông Lực đánh giá, nếu có được hệ thống thông tin đầy đủ, minh bạch và chính xác hơn, các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng có thể điều chỉnh lãi suất hợp lý hơn cho từng khách hàng, rút ngắn thời gian thẩm định và giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam được cấp phép là công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện năm 1998. Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều công ty tài chính tham gia thị trường. Tính đến ngày 31/12/2017, thị trường Việt Nam đang có 16 công ty tài chính; trong đó, có những công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu hiện nay như: Home Credit, FE Credit, Prudential Finance Vietnam, HD Saison, Toyota Finance, Mirae Asset Finance, Viet Sun, MB Shinsei…

Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế; đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong tổng dư nợ đó, dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 8,2% (tương đương 90.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại. Ngoài những công ty đang nắm phần lớn thị phần như FE Credit (khoảng 50%), Home Credit (17%) và HD Saison (13%),… các công ty khác như Prudential Finance, Toyota Finance… cũng tích cực tham gia vào hoạt động này.

Tin mới lên