Ngân hàng

TS Cấn Văn Lực: 'Chính phủ đề xướng cách mạng 4.0, chả nhẽ ngân hàng lại 2.0?'

(VNF) - Theo TS Cấn Văn Lực, các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế số mà cần số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện hữu, mang lại một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có.

TS Cấn Văn Lực: 'Chính phủ đề xướng cách mạng 4.0, chả nhẽ ngân hàng lại 2.0?'

Chuyên gia tài chính TS Cấn Văn Lực

Tham luận tại toạ đàm truyền thông “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đặc thù” được tổ chức ngày 14/6, TS Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang đi vào thời đại công nghệ 4.0, các dịch vụ ngân hàng số, chuyển đổi số, tiêu dùng số đang được đẩy mạnh nhanh chóng để tăng cường cạnh tranh, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, hướng đến nền kinh tế không tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.

Nói về lý do các ngân hàng phải chuyển đổi số, TS Cấn Văn Lực cho biết theo khảo sát của các tổ chức tài chính của Mỹ với 10.000 ngân hàng, 60 lãnh đạo của 41 ngân hàng thế giới, tất cả đều khẳng định đó là xu thế tất yếu.

"Nhu cầu sử dụng các dịch vụ công nghệ số đang bùng nổ và xu hướng tăng trưởng này không phải là trào lưu", ông Lực khẳng định.

Các nội dung số hoá ngân hàng theo TS Cấn Văn Lực là sự tích hợp đồng nhất các kênh phân phối, đa dạng hóa các kênh để khách hàng dễ tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong đó, giữa các kênh phải có sự kết nối chuyển tiếp thông tin đầy đủ, đảm bảo trải nghiệm khách hàng được ổn định. Có sự kết nối, liên thông giữa kênh quầy và các kênh số (ngân hàng điện tử).

Tự động hóa các quy trình, hướng đến tự động hóa trong nhiều lĩnh vực, tương tác với khách hàng, tác nghiệp, quản lý rủi ro, ra quyết định. Ví dụ trí tuệ nhân tạo và Chat bot hỗ trợ công tác giải đáp thắc mắc, tra cứu thông tin của khách hàng. Công nghệ Robotics giúp việc đọc số liệu và nhập liệu thay con người...

Tạo ra các sản phẩm mới có tính sáng tạo, thuận tiện cho khách hàng. Thí dụ trợ lý ảo – giao dịch bằng giọng nói, thanh toán không tiếp xúc (QR code, NFC...), ví điện tử, chuyển tiền bằng công nghệ blockchain. Các công nghệ thường được ứng dụng như Bigdata, trí tuệ nhân tạo, blockchain, robotics...

Khai thác dữ liệu bên trong ngân hàng và bên ngoài ngân hàng để phục vụ kinh doanh. Các fintech có thể phân tích thông tin trên mobile, mạng xã hội viễn thông của người dùng để chấm điểm tín dụng, ra quyết định cho vay. Ngân hàng có thể dùng phân tích hành vi khách hàng, tìm tập khách hàng phù hợp để gửi các thông điệp khuyến mại phù hợp, tăng cơ hôi bán chéo dịch vụ...

Cơ hội đối với ngân hàng số được ông Lực chỉ ra là gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí; tiếp cận thị trường khách hàng số đầy tiềm năng tại Việt Nam; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác (nhất là với các fintech…); đi tắt đón đầu trong kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ.

Bên cạnh cơ hội sẽ là những thách thức về khung pháp lý chưa đầy đủ và thường đi sau sự phát triển quá nhanh của công nghệ. Sự cạnh tranh từ các tổ chức phi tài chính như fintech và bigtech cũng sẽ tạo áp lực không ít tới ngân hàng số. Ngoài ra, các thách thức khác như khả năng bảo mật của hệ thống; Nguồn nhân lực; Đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin.

Với thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, ông Lực cho biết, các fintech, bigtech năng động và từng bước cạnh tranh với ngân hàng. Trong xu thế kinh tế số, các trung gian thanh toán không phải là ngân hàng thương mại đã và đang phát triển khá nhanh, gồm các công ty công nghệ tài chính và các nhà mạng viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng.

Đồng quan điểm với TS Cấn Văn Lức, đại diện các ngân hàng đều nhận định ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu của các ngành ngân hàng; trong đó, giá trị dữ liệu là tiền đề để phát triển. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với sự phát triển ngân hàng số chính là niềm tin, thói quen khách hàng. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết được việc xây dựng hệ sinh thái, mạng lưới số. Bởi khách hàng muốn sử dụng xuyên suốt tất cả các dịch vụ số cơ bản.

Tin mới lên