Tài chính

Trưởng ban Kế hoạch chiến lược Mobifone ‘kêu khổ’ vì vụ AVG

(VNF) – Ông Tạ Ngọc Nam, Trưởng ban Kế hoạch chiến lược Mobifone, cho biết vụ án AVG đã khiến người lao động của tổng công ty này chịu thiệt thòi trong 3 năm liên tiếp.

Trưởng ban Kế hoạch chiến lược Mobifone ‘kêu khổ’ vì vụ AVG

Ảnh minh họa

Phát biểu tại một hội thảo về kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, ông Nam cho hay tập thể người lao động tại Mobifone đang mong mỏi tổng công ty được cổ phần hóa để có cơ cấu mới, hướng đi mới “vì trong 2 – 3 năm rồi chúng tôi đã nổi tiếng theo cách không hề mong muốn nên ai cũng mong chuyển sang giai đoạn mới”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nam cho rằng cách thức triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang có vấn đề và thiếu chuyên nghiệp. Ông Nam gợi ý cách thức thành lập nhóm (team) triển khai cổ phần hóa, ví dụ “team” doanh nghiệp lớn, “team” doanh nghiệp địa phương của Bộ Tài chính, của UBND… “Ta có team làm cho tất cả các tỉnh thì rất nhanh”.

Ông Tạ Ngọc Nam phát biểu ý kiến tại hội thảo về kinh tế nhà nước

Về định hướng áp dụng hệ thống quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước (được nêu ra trong báo cáo của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương), ông Nam cho biết nếu soi lại các doanh nghiệp nhà nước sẽ thấy một điều là ta áp dụng rất nhiều chuẩn.

Riêng với Mobifone, ông Nam nói tổng công ty này đã xác định sẽ áp dụng tiêu chuẩn của một doanh nghiệp IPO trên thị trường quốc tế.

Phê bình các cơ quan quản lý nhà nước không định hình một bộ chuẩn để quản lý doanh nghiệp nhà nước, ông Nam dẫn ra các ví dụ đang làm khó doanh nghiệp, chẳng hạn như cơ quan quản lý đề ra chỉ tiêu doanh thu/lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.

“Nghe rất hợp lý nhưng nếu đặt vào hệ chuẩn 50 doanh nghiệp thì sẽ có phát sinh. Một doanh nghiệp tỷ suất lợi nhuận 30% mà bắt năm sau cao hơn năm trước thì rất khó, nhưng với doanh nghiệp đang âm vốn hay tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp thì lại dễ hơn.

“Mobifone là doanh nghiệp thuộc hàng top trong các tập đoàn/tổng công ty nhà nước nhưng vẫn dính mô-típ năm sau cao hơn năm trước. Nếu trừ phần vốn ở vụ AVG thì có những năm lợi nhuận của chúng tôi cao hơn phần vốn đã đầu tư vào lĩnh vực viễn thông”, ông Nam nói.

Một bất cập khác được ông Nam mổ xẻ là hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước đồng nhất việc đánh giá doanh nghiệp với đánh giá kết quả người lao động ở doanh nghiệp đó.

“Với doanh nghiệp có sự cố như Mobifone (vụ AVG – PV), 3 năm liền người lao động chịu thiệt thòi trong khi các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh vẫn đảm bảo”, vị Trưởng ban Kế hoạch chiến lược của Mobifone than thở.

Ông Nam cho rằng với một doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý nên chia ra các hệ chuẩn để đánh giá: đánh giá hiệu quả doanh nghiệp; đánh giá cơ quan chủ sở hữu; đánh giá đội ngũ quản lý doanh nghiệp; đánh giá tập thể người lao động.

“Hiện nay đang bị vướng ở đây. Việc đánh giá doanh nghiệp đồng nhất với đánh giá kết quả người lao động tạo ra rào cản nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước”, ông Nam nói.

Tin mới lên