Tài chính quốc tế

Trung Quốc - Singapore ký kết "siêu dự án hợp tác"

(VNF) - Trong khuôn khổ chuyến thăm Singapore của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo hai nước thống nhất tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Trung Quốc - Singapore ký kết "siêu dự án hợp tác"

Ngày 6/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Singapore, bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước trong hai ngày 6-7/11, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1990-2015). Đây là chuyến thăm Singapore đầu tiên của ông Tập Cận Bình với cương vị là Chủ tịch Trung Quốc.

Tại buổi quốc yến tối 6/11, Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam khẳng định quan hệ hợp tác giữa hai nước đã vượt ra ngoài những lĩnh vực truyền thống như thương mại để chuyển sang những lĩnh vực mới như quản lý xã hội, hợp tác nhân lực, phát triển bền vững, hợp tác tài chính và an toàn thực phẩm. 

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về tiến triển của hai dự án hợp tác liên chính phủ đặt tại Khu công nghiệp Tô Châu và thành phố sinh thái Thiên Tân., đồng thời thông báo dự án hợp tác thứ ba sẽ được đặt ở thành phố Trùng Khánh, miền Tây Trung Quốc. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Cụ thể, hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số hiệp định liên quan đến các dự án hợp tác liên chính phủ thứ ba đặt tại thành phố Trùng Khánh, trong đó tập trung vào chủ đề "kết nối và dịch vụ hiện đại" nhằm góp phần giảm thiểu chi phí kinh doanh tại khu vực phía Tây Nam Trung Quốc. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, quản lý đô thị và hải quan.

Trước đó, ông Tony Tan Keng Yam cũng khẳng định việc nâng cấp FTA song phương sẽ là nền tảng để cả hai nước tham gia các khuôn khổ kinh tế khu vực như hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng như nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc.

Trung Quốc và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990. Trải qua nhiều năm phát triển, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, còn Singapore cũng liên tục hai năm là nước đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2013.

​Năm 1994, "thửa ruộng thí nghiệm" đầu tiên trong hợp tác kinh tế giữa hai nước tại Khu công nghiệp Tô Châu đã ra đời, mở ra mô hình mới trong hợp tác kinh tế-kỹ thuật giữa Trung Quốc và nước ngoài. Tô Châu liên tục nhiều năm đứng đầu bảng xếp hạng về "khu phát triển có sức cạnh tranh nhất trong các thành phố Trung Quốc".

Bước vào thế kỷ 21, Thành phố sinh thái Thiên Tân đã trở thành dự án trọng điểm trong hợp tác về các đề tài mới như ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái,... giữa hai nước. 

Dự án tại Trùng Khánh được xem là vượt trội so với Khu công nghiệp Tô Châu và Thành phố sinh thái Thiên Tân với nội dung kết nối lưu thông phân phối và tài chính hiện đại.

Dự án mới tại vùng miền Tây Trung Quốc này cũng sẽ là một trong những bước đi quan trọng trong khơi dậy tiềm năng của vùng nội địa Trung Quốc, và khớp với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất. 

Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" đòi hỏi mối liên kết với tất cả các nước ASEAN. Trong khi đó, với vị trí địa lý độc đáo nằm trên eo biển Malacca và là "yết hầu" trên con đường thương mại giữa phương Đông và phương Tây, Singapore  đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối Trung Quốc-ASEAN.

Singapore hiện là thị trường giao dịch nhân dân tệ lớn thứ hai thế giới, sau Hong Kong, với 322 tỷ nhân dân tệ tính đến tháng 6/2015, hơn gấp đôi so với cách đây hai năm. 

Ngày 13/10 vừa qua, Singapore và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy quốc tế hóa việc sử dụng đồng nhân dân tệ thông qua Đảo quốc Sư tử.

Théo đó, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS, tức Ngân hàng Trung ương) thông báo sẽ mở rộng giao dịch đồng nhân dân tệ giữa Singapore với Khu công nghiệp Tô Châu và thành phố Thiên Tân của Trung Quốc.

Cụ thể, những ngân hàng ở Singapore có thể cho doanh nghiệp ở Tô Châu và Thiên Tân vay bằng nhân dân tệ, doanh nghiệp tại hai thành phố này có thể phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ ở Singapore, đồng thời được phép thu về 100% số tiền từ việc phát hành này.

Một công ty Trung Quốc giờ đây muốn đầu tư vào ASEAN, thay vì huy động vốn trong nước, họ có thể huy động thông qua Singapore, rồi đầu tư vào các thị trường ASEAN, hoặc thậm chí ngay tại Singapore.

 

Tin mới lên