Tài chính quốc tế

Trung Quốc 'cạn kiệt vũ khí' trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ?

(VNF) - Khi Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiến gần hơn đến một cuộc chiến thương mại, cả hai quốc gia đều có những "đòn tấn công" khác nhau. Đối với Hoa Kỳ, đó là thuế trực tiếp đánh lên hàng hóa nhập khẩu, trong khi đối với Trung Quốc thì có sự khác biệt hơn.

Trung Quốc 'cạn kiệt vũ khí' trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ?

Trung Quốc cạn kiệt 'vũ khí 'trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ?

Trung Quốc bị giới hạn phần nào trong số tiền thuế trả đũa mà họ có thể áp dụng, đơn giản là vì nước này không nhập khẩu nhiều như Hoa Kỳ. Trung Quốc nhập khẩu 129,9 tỷ USD từ Mỹ, trong khi xuất khẩu ở mức 505,5 tỷ USD, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.

"Trung Quốc đang cạn kiệt dần 'vũ khí' mà nước này có thể sử dụng để tấn công Hoa Kỳ một cách trực diện. Ngoài ra, thế giới đều tin rằng hành động thương mại của Trung Quốc là không công bằng, càng làm hợp lý yêu cầu nhượng bộ của Hoa Kỳ", LPL Research cho biết trong một lưu ý.

Thị trường rõ ràng là đang lo lắng về căng thẳng leo thang giữa hai nước. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, lợi suất trái phiếu chính phủ và giá cả hàng hóa cũng giảm mạnh.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Công ty môi giới ngoại hối Oanda lưu ý rằng trong khi Trung Quốc "không muốn một cuộc chiến thương mại, nước này cũng không ngại tham gia" và do đó "rất khó để xem xét diễn biến và khi nào cuộc chiến này thực sự kết thúc".

Trong khi Nhà Trắng đã nêu rõ ràng về mục tiếu đánh thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa đã được công bố cộng thêm 200 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump vừa đe dọa trong tuần này thì tuyên bố của Trung Quốc lại không mấy rõ ràng. Các quan chức Trung Quốc đã đe dọa sẽ áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ, tuy nhiên lượng nhập khẩu là quá nhỏ so với con số xuất khẩu của nước này.

"Theo quan điểm của chúng tôi, kết quả có khả năng nhất là Trung Quốc phản ứng bằng cách áp đặt thuế quan hoặc các hạn chế nhập khẩu khác đối với hàng hóa hoặc dịch vụ của Hoa Kỳ. Điều này có thể được hiệu chỉnh theo tỷ lệ thuận với động thái của Hoa Kỳ", các nhà kinh tế học của Goldman Sachs Alec Phillips và Andrew Tilton cho biết trong một nghiên cứu đầu năm nay về những tác động tiềm năng của một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Phân tích của Goldman Sachs cũng đưa ra một danh sách các lựa chọn khác ngoài các mức thuế đơn giản mà Trung Quốc có thể sử dụng.

Chúng bao gồm hành động chống lại các công ty Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc như tẩy chay chống lại Apple hoặc Google, phá giá nội tệ, bán tháo trái phiếu Hoa Kỳ, và tác động lên các vấn đề địa chính trị như giảm bớt lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Mỗi biện pháp này đều có những thách thức nhất định. Việc phá giá nội tệ sẽ chống lại các biện pháp đầy tham vọng mà chính phủ Trung Quốc đã thực hiện để ổn định đồng nhân dân tệ trong suốt thời gian qua, còn bán tháo trái phiếu Mỹ hoặc giảm nhẹ lệnh cấm vận của Bắc Triều Tiên có thể không mang đến nhiều tác động tác động.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã cắt giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Hoa Kỳ khoảng 10,2% kể từ thời kỳ đạt đỉnh vào cuối năm 2013 nhưng vẫn đứng số một toàn cầu với 1,18 nghìn tỷ USD theo giá trị sổ sách. Nếu Trung Quốc hay những nước khác trên thế giới tiếp tục giảm mua nợ của chính phủ, Mỹ dự đoán các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân sẽ thế chân.

Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những rủi ro trong một kịch bản mà nước này đang vẽ ra. Nếu chính quyền thực hiện nghĩa vụ thuế lên toàn bộ 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đó sẽ là một khoản thuế trên gần một nửa số 505 tỷ USD mà nước này nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân, theo Beacon Policy Advisors.

"Chúng tôi tiếp tục có niềm tin mạnh mẽ rằng vòng thuế quan thứ hai của Trump thực sự chỉ là một lời đe dọa," Beacon cho biết trong báo cáo.

Tin mới lên