'Trùm khoáng sản' TKV: Chỉ sau 9 tháng, tổng nợ vay giảm gần 13.000 tỷ

Thanh Long - 18/05/2019 10:27
(VNF) - Dòng tiền lớn từ hoạt động kinh doanh đã giúp TKV tất toán lượng lớn nợ vay. Chỉ sau 9 tháng, tổng nợ vay của TKV đã giảm tới gần 13.000 tỷ đồng. Các hệ số nợ dù vẫn khá cao nhưng đã về mức tương đối an toàn.
1
'Trùm khoáng sản' TKV: Chỉ sau 9 tháng, tổng nợ vay giảm gần 13.000 tỷ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), doanh thu thuần của TKV đạt 73.948 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước đó.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của TKV đạt 13.960 tỷ đồng, tăng 23%.

Về chi phí, trong kỳ, TKV ghi nhận 4.553 tỷ đồng chi phí tài chính (trong đó, gần 80% là chi phí lãi vay), tăng 17%; chi phí bán hàng ở mức 2.726 tỷ đồng, tăng 27%; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 2.997 tỷ đồng, giảm 25%.

Kết thúc 9 tháng năm 2018, lợi nhuận trước thuế của TKV đạt 3.783 tỷ đồng, gấp 2,4 lần con số cùng kỳ năm trước đó.

Tính đến hết ngày 30/9/2018, tổng tài sản của TKV đạt 130.778 tỷ đồng, giảm 6,7% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của TKV nằm ở tài sản cố định với 78.606 tỷ đồng. Tổng lượng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn - những tài sản có tính thanh khoản cao nhất - chỉ vỏn vẹn 4.902 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng tài sản của TKV - một tỷ lệ khá thấp so với các doanh nghiệp khác nói chung và các doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của TKV đến hết ngày 30/9/2018 ở mức 41.196 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,85% so với đầu năm.

Đáng chú ý, nợ phải trả của TKV ở mức 89.581 tỷ đồng, giảm 9.783 tỷ sau 9 tháng, tương đương mức giảm gần 10%. Tổng nợ vay ở mức 63.833 tỷ đồng, giảm tới 12.692 tỷ đồng sau 9 tháng, tương đương giảm 17%.

Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của TKV ở mức 2,2 lần, trong khi hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,5 lần. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính trên dù vẫn khá cao nhưng đã về mức tương đối an toàn.

Sở dĩ TKV có thể giảm mạnh nợ vay là vì 9 tháng năm 2018, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này lên đến 17.199 tỷ đồng (chủ yếu nhờ dòng tiền từ khấu hao và lợi nhuận), giúp tất toán lượng lớn nợ vay. Việc dành lượng tiền lớn để tất toán nợ vay cũng là nguyên nhân khiến tổng lượng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của TKV ở mức thấp.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được Thủ tướng ban hành, TKV sẽ phải tiến hành cổ phần hóa trong năm nay. Tuy nhiên, theo thông tin VietnamFinance có được, TKV đang kiến nghị lùi hạn chót cổ phần hóa sang năm 2020.
Quảng cáo