Tài chính quốc tế

Triều Tiên lên án ‘các thế lực ngoại quốc’ can thiệp vào vấn đề Hong Kong

(VNF) - Triều Tiên cáo buộc "các thế lực ngoại quốc" đã can thiệp vào vấn đề Hong Kong và khẳng định đây là việc nội bộ của Trung Quốc do đó Bình Nhưỡng "kiên quyết phản đối" điều này.

Triều Tiên lên án ‘các thế lực ngoại quốc’ can thiệp vào vấn đề Hong Kong

Biểu tình leo thang ở Hong Kong khiến giới chức Trung Quốc lo lắng.

Trong tuyên bố ngày 11/8, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ: "Quan điểm của Triều Tiên là bất kỳ quốc gia, thực thể và cá nhân nào cũng không được phép phá hủy chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và hệ thống "một quốc gia hai chế độ" bởi vì Hong Kong là Hong Kong của Trung Quốc".

Đồng thời Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định “hoàn toàn ủng hộ quan điểm và các biện pháp của đảng và chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và thống nhất đất nước cũng như bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong”.

Trước đó, trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/8, bộ này “nghiêm túc yêu cầu Anh ngay lập tức dừng mọi hành động can thiệp vào vấn đề Hong Kong cũng như công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 9/8 điện đàm với lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc "điều tra hoàn toàn độc lập về các sự kiện gần đây".

Hong Kong từng thuộc quyền kiểm soát của Anh, nhưng được trao trả cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997. Theo Luật cơ bản Hong Kong, chính quyền đặc khu được chính phủ trung ương ở Bắc Kinh ủy quyền tự mình thực hiện các hoạt động đối ngoại.

Hồi tuần trước, chính phủ Trung Quốc cũng cảnh báo Mỹ không can thiệp công việc nội bộ sau khi xuất hiện một số thông tin về cuộc gặp của các nhà ngoại giao Mỹ tại Hong Kong với những nhà hoạt động dân chủ của đặc khu. Bắc Kinh kêu gọi Washington "lập tức cắt đứt quan hệ với những kẻ bạo loạn chống Trung Quốc" và "ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong".

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ ngày 9/6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu Hong Kong tuyên bố dự luật này "đã chết", nhưng người biểu tình khẳng định sẽ tiếp tục hành động tới khi bà Lam từ chức và dự luật bị hủy hoàn toàn.

Biểu tình leo thang ở Hong Kong khiến giới chức Trung Quốc lo lắng. Bắc Kinh ngày 8/8 tuyên bố nếu cuộc khủng hoảng biểu tình vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền đặc khu, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đã kêu gọi chấm dứt biểu tình để thành phố này thoát khỏi tình cảnh kinh tế khó khăn.

Bà Lâm cho rằng những hành động quá khích gây ra nhiều sự đình trệ trên phạm vi rộng đã hủy hoại nghiêm trọng luật pháp và trật tự của Hong Kong.

Bà cáo buộc người biểu tình "đang tìm cách làm sụp đổ Hong Kong, hủy hoại cuộc sống của hơn 7 triệu người".

Xem thêm >> Philippines cân nhắc nhờ Mỹ hỗ trợ giám sát vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông

Tin mới lên