Tiêu điểm

Tổng cục Thống kê ‘phản pháo’ ADB về dự báo tăng trưởng của Việt Nam

(VNF) - Tổng cục Thống kê cho rằng, ADB đã dự báo dựa trên số liệu của tháng 6, do đó, khi kết thúc năm nay, tốc độ tăng trưởng sẽ khác dự báo của họ.

Tổng cục Thống kê ‘phản pháo’ ADB về dự báo tăng trưởng của Việt Nam

Tổng cục Thống kê dự báo GDP năm 2016 sẽ khác mức dự báo của ADB

Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 sẽ là 6% và năm 2017 là 6,3%. So với lần trước, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 tới 0,7%!

Trước đó, hồi tháng 3, Ngân hàng này đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7% và đạt 6,5% vào năm 2017.

Sự điều chỉnh đáng kể trong dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam được ADB dựa trên sự giảm sút của ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng từ đầu năm đến nay.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhìn nhận, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với giá cả hàng hóa toàn cầu thấp, đã làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay

Ngoài ra, ông Sidgwick cũng cho rằng: "Mặc dù thành tích thương mại ấn tượng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, song nó có thể bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm hơn nữa của các nền kinh tế công nghiệp chủ đạo, hoặc mức tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc – một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam"

Bình luận về dự báo của ADB, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết khi đưa ra dự báo này ADB đã căn cứ vào dữ liệu 6 tháng đầu năm, khi đó mức tăng trưởng của chúng ta chưa tốt. Nhưng sang quý III, tăng trưởng đã bứt phá lên và đó là tiền đề cho mức tăng trưởng tốt hơn trong quý IV.

Cụ thể, theo ông Tuyến, tăng trưởng GDP quý III đạt mức 6,4%, tuy thấp hơn cùng kỳ 2015 nhưng lại duy trì được xu hướng quý sau cao hơn quý trước, phản ánh nền kinh tế đang đi lên.

Đặc biệt, khoảng cách mức tăng trưởng giữa quý 3 và quý 2 khá rộng, lên tới 0,6% (gấp đôi khoảng cách giữa quý 2 và quý 1). Điều này cho thấy sự bứt phá của sự tăng trưởng.

Nông nghiệp đã tăng trưởng dương sau 6 tháng liên tục âm; xuất khẩu tăng mạnh lên 6,7%; nhập khẩu tăng lên 1,3%, trong đó đa phần là máy móc, nguyên liệu, đây chính là tiền đề cho tăng trưởng trong quý tiếp theo.

Một điều cũng đáng chú ý khác là đã có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, chiếm 25% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngoài ra, khảo sát xu hướng kinh doanh cũng cho thấy những tín hiệu rất tốt khi có tới 80,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước; 48,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tiếp tục tốt lên và 36,8% số doanh nghiệp đánh giá ổn định.

"Tất cả những điều trên đã phá vỡ quan điểm tăng trưởng dựa vào khai thác bấy lâu nay. Thực tế cho thấy trong bối cảnh nông nghiệp và khai khoáng suy giảm, chúng ta vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt.

Theo nhận định của chúng tôi, con số tăng trưởng cuối năm chắc chắn khác so với dự báo của ADB", ông Tuyến nói.

Tin mới lên