Tài chính

Tin chứng khoán 3/12: Đối mặt nhiều thách thức, liệu cổ phiếu VEAM có thể giữ đà tăng?

(VNF) - Cổ phiếu VEA của "đại gia" ô tô VEAM đã tăng tới 41% sau nửa năm lên sàn. Liệu đà tăng thị giá có thể được duy trì trong bối cảnh VEAM đang phải đối mặt với nhiều thách thức?

Tin chứng khoán 3/12: Đối mặt nhiều thách thức, liệu cổ phiếu VEAM có thể giữ đà tăng?

Đối mặt nhiều thách thức, liệu cổ phiếu VEAM có thể giữ đà tăng?

Tin chứng khoán: Thách thức nào đang chờ VEAM?

9 tháng năm nay, doanh thu và lợi nhuận gộp của Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) lần lượt đạt 4.681 tỷ và 359,5 tỷ. So với cùng kỳ 2017, doanh thu thuần tăng trưởng 12,1% nhưng lợi nhuận gộp lại sụt giảm 24% do giá vốn sản xuất tăng cao.

Tuy nhiên, trong cơ cấu doanh thu của VEAM, doanh thu tới từ các đơn vị liên doanh liên kết chiếm tới 97% tổng lợi nhuận trước thuế (4.762 tỷ/4.907 tỷ). Phần lớn khoản doanh thu này tới từ các khoản đầu tư tại các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%). So với cùng kỳ 2017, khoản doanh thu này tăng trưởng tới 35%.

Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 của VEAM đạt 4,876 tỷ, về cơ bản hoàn thành kế hoạch cả năm (4,908 tỷ).

Theo đánh giá mới đây của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), triển vọng của VEAM có nhiều yếu tố tích cực.

Thứ nhất, thị trường tiêu thụ xe máy ở Việt Nam ước tính tăng trưởng bình quân tới 2020 là 4%/năm. Mật độ xe tại Việt Nam chỉ đạt 23 xe/1000 dân, so với tại Thái Lan là 204/1000, và tại các nước công nghiệp phát triển là 400/1000, cho thấy dư địa phát triển cho ngành công nghiệp ô tô còn nhiều.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt 800-900 nghìn xe vào năm 2025, so với 200 nghìn xe vào năm 2017, nghĩa là tăng gấp 4 lần.

Thứ hai, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất ô tô nội địa còn ở mức thấp, chỉ đạt trung bình 20% và chỉ tập trung ở các chi tiết đơn giản, dẫn tới tiềm năng về các ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô là rất lớn.

Tuy nhiên, HSC cho rằng, VEAM cũng phải đối mặt với không ít rủi ro.

Đầu tiên là vấn đề công nghệ. HSC cho hay, khả năng đổi mới về công nghệ để tăng cường chất lượng sản phẩm của VEAM nhằm bắt kịp với yêu cầu của thị trường vẫn còn chưa được kiểm chứng.

Thứ hai, cạnh tranh trên thị trường rất gắt gao. Việc tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy VinFast trực thuộc Vingroup, cùng với các đối thủ mới đến từ THACO và Hyundai Thành Công sẽ đặt các doanh nghiệp liên doanh của VEAM vào cuộc chạy đua nhằm giữ vững thị phần.

Thứ ba, VEAM hiện chỉ là cổ đông góp vốn, không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp liên kết. Điều này có thể tạo ra rủi ro cho VEAM khi các doanh nghiệp này thực hiện hành vi chuyển giá nhằm giảm lợi nhuận chia sẻ cho các cổ đông.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) bổ sung thêm rủi ro, rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM lỗ lớn, bào mòn phần lãi thu được từ hoạt động liên doanh liên kết.

Thêm vào đó, chính sách chi trả cổ tức tại các công ty liên kết có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VEAM.

Cùng với đó, VEAM gặp hạn chế trong tiếp cận thông tin tài chính với các công ty liên kết.

Ngoài ra, rủi ro với các khoản phải thu cũng là điều đáng lưu ý. Hiện tại, VEAM đã thực hiện trích lập khoảng 372 tỷ đồng, tương ứng khoảng 31% giá trị các khoản phải thu của Công ty.

Tuy nhiên, theo MBS, năm 2019 có một thông tin hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu VEAM, đó là việc Nhà nước có khả năng sẽ thoái vốn tại VEAM về mức 36%. Trong cơ cấu cổ đông, Bộ Công Thương hiện sở hữu khoảng 88,5% vốn điều lệ của VEAM.

VN-Index sẽ sớm tái lập đỉnh cũ tháng 11?

Kết thúc tháng 11, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 926,54 điểm, tăng nhẹ 11,78 điểm (tương đương 1,3%) so với cuối tháng 10.

Các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VHM, HPG và MSN mới mức giảm lần lượt là -1,14%, -2,92% và -1,23%. Trong khi đó, các mã ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index bao gồm VNM, VCB với mức tăng lần lượt là 1,35% và 0,73%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trước khi các tín hiệu kỹ thuật chuyển biến theo hướng tích cực rõ ràng hơn, nhà đầu tư vẫn nên giữ quan điểm thận trọng và khống chế tỷ trọng chung cho danh mục ở mức trung bình thấp.

Trong khi đó, theo quan điểm kỹ thuật của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI đang xu hướng đi lên tích cực, cho thấy chỉ số VN-Index có thể sớm quay trở lại tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự gần là 932 điểm (đỉnh cũ tháng 11/2018).

Nhìn chung, PHS cho rằng thị trường vẫn đang nằm trong kịch bản “Sideway Up”, phiên giảm điểm vừa qua có thể chỉ mang tính kỹ thuật. Do đó, PHS duy trì khuyến nghị, nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng những phiên rung lắc để tái cơ cấu lại danh mục và các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên