Tài chính

Tin chứng khoán 30/11: VEF sắp tăng vốn thêm 6.000 tỷ để triển khai dự án 148 Giảng Võ

(VNF) - VEF vừa trình cổ đông kế hoạch tăng vốn thêm 6.000 tỷ để triển khai dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tin chứng khoán 30/11: VEF sắp tăng vốn thêm 6.000 tỷ để triển khai dự án 148 Giảng Võ

VEF sắp tăng vốn thêm 6.000 tỷ để triển khai dự án 148 Giảng Võ. Ảnh: Phối cảnh dự án Vinhomes Gallery 148 Giảng Võ

Tin chứng khoán: VEF tăng vốn gấp 4,6 lần để triển khai dự án 148 Giảng Võ và dự án Nam Đại Lộ Thăng Long

Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) vừa công bố tờ trình đại hội đồng cổ đông về việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Tại tờ trình, VEF cho biết ngày 14/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 292/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, các dự án thành phần.

VEF cho hay công ty đang khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư để có thể sớm thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội cùng với 2 dự án thành phần tạo nguồn vốn là dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

"Trước mắt, trong giai đoạn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoàn thiện nội dung, quy mô đầu tư của dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới, Công ty cần phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về nguồn vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính triển khai các dự án thành phần nêu trên", phía VEF nêu.

Như đã đề cập, các dự án thành phần gồm dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hiện tổng vốn điều lệ của VEF là 1.666 tỷ đồng, tương đương với 166 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

VEF dự kiến phát hành thêm 599 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 5.999 tỷ đồng.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VEF sẽ tăng gấp 4,6 lần, lên 7.663 tỷ đồng.

Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu của VEF. Tỷ lệ phân bổ quyền là 1:3,6, nghĩa là cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF tại ngày chốt danh sách sẽ được hưởng 1 quyền mua, và cứ 1 quyền mua sẽ được mua 3,6 cổ phiếu phát hành thêm.

Đối với lượng cổ phần không phân phối hết, HĐQT VEF trình đại hội đồng cổ đông cho phép HĐQT được lựa chọn nhà đầu tư mua mà không cần phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai kể cả khi khối lượng mua vượt tỷ lệ quy định về chào mua công khai.

Thời gian thực hiện dự kiến là từ quý IV/2018 đến quý I/2019.

VEF cho biết, tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu trên sẽ được sử dụng để triển khai các dự án thành phần và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.

Hiện 2 cổ đông lớn nhất của VEF là Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 83,32% và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỷ lệ sở hữu 10%.

Chốt phiên giao dịch ngày 29/11, thị giá cổ phiếu VEF ở mức 68.000 đồng/cổ phiếu.

VN-Index phục hồi trong phiên 30/11?

Phiên 29/11, áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến thị trường quay đầu giảm điểm. Trong suốt thời gian giao dịch buổi sáng và nửa đầu phiên chiều, sắc xanh luôn được duy trì nhưng càng về cuối phiên áp lực bán càng gia tăng khiến chỉ số VN-Index chuyển sắc đỏ và đóng cửa ở mức 926,79 điểm, giảm 3,41 điểm tương đương 0,37%.

Các mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VNM, GAS và HPG khi lấy đi của chỉ số lần lượt 0,61, 0,55 và 0,43 điểm. Ngược lại, các mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là VJC, VRE và VHM khi đóng góp lần lượt 0,38, 0,15 và 0,14 điểm tăng.

Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 1,55% do việc các cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành đều giảm điểm như GAS, PVS và PVD với mức giảm lần lượt 1,5%, 2,1% và 2,5%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 0,31%, trong đó các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất lần lượt là SHB, VPB, BID và STB.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng 0,16% nhờ việc các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong ngành như VHM, VIC hay VRE đều có diễn biến khả quan khi tăng điểm nhẹ hoặc giữ giá không đổi.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong phiên kế tiếp, thị trường có thể điều chỉnh về vùng 918-923 điểm. Phản ứng hồi phục được kỳ vọng sẽ xảy ra tại vùng này.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên