Công nghệ

TikTok kiếm tiền khác Youtube ra sao?

Khi Youtube là "thế lực" lớn trên thị trường truyền thông trực tuyến ở Việt Nam, "ngôi sao đang lên" TikTok phải có cách khác để tồn tại.

TikTok kiếm tiền khác Youtube ra sao?

TikTok đã có 12 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng ở Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông

"Họ không phải trả bất cứ chi phí gì cho TikTok vì một nền tảng có càng nhiều nhà sáng tạo nội dung càng tốt. Ngược lại, chúng tôi cũng chưa có kế hoạch nào để trả tiền quảng cáo cho họ", bà Diễm Hoàng - Giám đốc Marketing TikTok Việt Nam, trả lời về gần 3.000 nhà sáng tạo nội dung đang có mặt trên nền tảng này, với những cái tên 'hot' như 'Bo Bắp' hay 'Ba và Bối'.

Bo Bắp (Văn Võ Ngọc Nhân) là một influencer (người có ảnh hưởng) tiêu biểu thành danh nhờ TikTok. Video đầu tay của anh chỉ có 2 lượt thích nhưng dần tăng lên 300, 1.000 lượt. Giờ đây, sau một năm, anh có 1,3 triệu người theo dõi. Việc nổi tiếng với các nội dung hài, nhảy và ca hát tạo bước đệm cho Bo Bắp tham gia gameshow truyền hình, trở thành nghệ sĩ với thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo, trình diễn ngoài đời thực.

Có lượng theo dõi còn cao hơn, với 2,4 triệu, kênh 'Ba và Bối' của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Minh Hải và con gái An Nhiên là trường hợp tượng tự, từ nổi tiếng trên thế giới ảo đến kiếm tiền thật từ những hoạt động truyền thông bên ngoài.

"Chúng tôi không phải là một công ty quản lý nghệ sỹ, nhưng có mối quan hệ thân thiết với các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng. Chúng tôi thậm chí sẽ kết nối các nhà sáng tạo nội dung phù hợp với các nhãn hàng", bà Diễm mô tả về cách mà những người nổi tiếng, được nhiều lượt xem video trên TikTok kiếm tiền, thay vì nhận tiền quảng cáo trực tiếp từ công ty như nền tảng khác.

Trong khi đó, Youtube, vốn khai thác quảng cáo trực tiếp trên video theo 6 hình thức khác nhau, từ hiển thị hình ảnh, chạy các video có thể và không thể bỏ qua hay quảng cáo phủ, quảng cáo đệm, thẻ tài trợ..  trả tiền quảng cáo trực tiếp cho các kênh bật tính năng kiếm tiền.

Ví dụ, kênh K-ICM Official trên Youtube chuyên đăng tải video ca nhạc của hai nghệ sỹ Jack và K-ICM có thể nhận về từ 28.000 USD đến 447.600 USD mỗi tháng, theo ước lượng mang tính tương đối của Socialblade. Song, nếu kênh này có trên TikTok thì không nhận được USD nào. Tuy nhiên, kênh có thể tìm nguồn thu gián tiếp bằng các hợp đồng quảng cáo ngay trong nội dung được ký kết với nhãn hàng.

"Việc các nhà sáng tạo nội dung tự kết nối với nhãn hàng là lựa chọn của họ. Chúng tôi hoan nghênh điều này và việc họ tận dụng cơ hội hợp tác trong các chiến dịch trên TikTok", bà Diễm nói thêm.

Tuy nhiên, không làm giống như Youtube không có nghĩa là TikTok không kiếm tiền, nhất là trong bối cảnh thị trường truyền thông trực tuyến Việt Nam năm 2019 đã đạt quy mô 3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần chỉ sau 4 năm qua, theo nghiên cứu của Google và Temasek. Bản thân TikTok tại Việt Nam cũng đã đạt 12 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, tạo một lượng dữ liệu đủ lớn để khai thác.

Theo mô tả của đại diện công ty, nguồn thu chính đến từ dịch vụ tư vấn tổ chức các chiến dịch quảng cáo nội dung cho nhãn hàng. TikTok, với kho dữ liệu khổng lồ và các thuật toán AI sẽ phân tích sở thích, thị hiếu, trào lưu của người xem để tư vấn nhãn hàng tổ chức các chiến dịch quảng cáo hiệu quả, phù hợp đối tượng. Khâu tư vấn sẽ bao gồm việc giới thiệu các influencer phù hợp.

Trên ứng dụng, hình thức quảng cáo của TikTok là những quảng cáo lồng ghép vào nội dung và Tiktok coi các quảng cáo này như những nội dung thông thường. Theo bà Diễm, trong thời đại số ngày nay, quảng cáo theo cách truyền thống "đã có phần lỗi thời".

Viettel, Pepsi, SunSilk, Lotteria, Cocoxim... là những cái tên đã từng chạy chiến dịch quảng cáo trên TikTok, thường dưới dạng thử thách cho người dùng sáng tạo nội dung để nhận thưởng, với các tiêu chí có lồng ghép thông điệp quảng cáo của nhãn hàng.

Đại diện TikTok cho biết nền tảng là đối tác giúp các nhãn hàng tư vấn về mặt nội dung, triển khai định hướng. Sau khi khách hàng thực hiện chiến dịch, công ty sẽ đưa giải pháp về nội dung trong ứng dụng và đưa chúng đến đối tượng phù hợp. Còn về phía các KOL (người có sức ảnh hưởng), các nhãn hàng sẽ tự liên kết và làm việc. "TikTok không tận thu từ vấn đề này", bà Diễm giải thích.

Tự nhận là 'tân binh', TikTok Việt Nam nói không đặt nặng vấn đề doanh thu trong giai đoạn hiện tại. Thay vào đó, nền tảng gần đây có hàng loạt động thái để phát triển cộng đồng sáng tạo nội dung, vốn sẽ là con gà đẻ trứng vàng trong tương lai, thông qua việc thu hút người dùng và nhãn hàng.

Theo đó, một 'lò đào tạo' những ngôi sao trên TikTok đã được thành lập với tên gọi TikTok Trends Creators Academy; hay các hợp tác cùng Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) thành lập Câu lạc bộ nhà sáng tạo nội dung; các mạng đa kênh để tăng cơ hội thu nhập cho các influencer.

Báo cáo về nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á năm 2019 của Google và Temasek nhận xét rằng các nền tảng phát video trực tiếp và video ngắn như Bigo Live hay Tiktok đã thực sự 'gây bão' tại khu vực này.

Đây cũng không còn là thị trường du nhập thụ động các xu hướng âm nhạc và video từ phương Tây mà thành cường quốc về sản xuất nội dung. Ca sĩ Sơn Tùng, với hơn một tỷ lượt xem trên Youtube, là ví dụ điển hình được nhắc đến trong báo cáo.

Tin mới lên