Tài chính

Tiềm lực loạt 'ông lớn' nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa lớn đến mức nào?

(VNF) - Trong số 93 doanh nghiệp nhà nước vừa nhận hạn chót cổ phần hóa (năm 2020) có không ít "ông lớn" sở hữu khối tài sản cùng lượng vốn chủ sở hữu hàng chục nghìn tỷ đồng, cá biệt có trường hợp tổng tài sản lên đến cả trăm nghìn tỷ và cả triệu tỷ đồng.

Tiềm lực loạt 'ông lớn' nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa lớn đến mức nào?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Hàng chục "ông lớn" nhà nước xuất hiện trong danh sách này, hứa hẹn nguồn cung cổ phiếu khống lồ sẽ đổ bộ lên sàn chứng khoán không lâu sau khi hoàn tất cổ phần hóa.

Trong số các doanh nghiệp nhà nước nhận hạn chót cổ phần hóa vào năm 2020, quy mô lớn nhất phải kể đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Với đặc thù của ngành ngân hàng, Agribank sở hữu khối tài sản lên đến 1,28 triệu tỷ đồng tính đến hết năm 2018. Nhưng không chỉ tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của Agribank cũng lớn nhất trong số các doanh nghiệp phải cổ phần hóa, lên đến trên 56.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận của ngân hàng này cũng "khủng" nhất với trên 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018. Năm 2019 dự kiến con số còn lớn hơn nhiều khi chỉ riêng 7 tháng đầu năm nay, Agribank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 8.200 tỷ đồng.

Agribank thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ trở lên sau khi tiến hành cổ phần hóa.

Một doanh nghiệp lớn khác cũng thuộc diện Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Đây là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ hai trong số các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa, với trên 86.100 tỷ tổng tài sản và 35.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu tính đến hết năm 2018.

Cùng năm, lợi nhuận trước thuế của Vinacomin đạt trên 2.800 tỷ đồng

Với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, hai cái tên tiêu biểu nhất phải kể đến là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobifone - hai "ông trùm" trong ngành viễn thông.

Chốt năm 2018, tổng tài sản của VNPT và Mobifone lần lượt là trên 83.100 tỷ đồng và trên 30.400 tỷ đồng; trong khi vốn chủ sở hữu lần lượt là trên 62.900 tỷ đồng và trên 19.400 tỷ đồng.

Mặc dù tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vượt trội nhưng lợi nhuận trước thuế năm qua của Mobifone lại cao hơn VNPT, trên 5.800 tỷ đồng so với trên 4.300 tỷ đồng và điều này tiếp tục xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2019.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng là cái tên đáng chú ý trong danh sách "hàng nóng" chuẩn bị cổ phần hóa. Vicem sở hữu khối tài sản trên 15.500 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu trên 14.800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 trên nghìn tỷ.

Hai "ông trùm" viễn thông VNPT và Mobifone nhận hạn chót cổ phần hóa vào năm 2020

Bên cạnh các doanh nghiệp trung ương, rất nhiều "ông lớn" địa phương (chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM) cũng trong danh sách cổ phần hóa chậm nhất vào năm 2020, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

"Khủng" nhất là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). "Con cưng" của UBND TP. HCM sở hữu hệ sinh thái sản xuất - phân phối đáng mơ ước, chẳng hạn như hệ thống trung tâm thương mại Centre Mall, siêu thị Satra Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Food; Satra cũng sở hữu công ty VISSAN, đồng thời góp 40% cổ phần trong liên doanh Heineken Việt Nam...

Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Satra ở mức trên 15.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm qua đạt trên 3.100 tỷ đồng.

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cũng được coi là "hàng hot" cổ phần hóa thuộc sở hữu của UBND TP. HCM.

Theo giới thiệu của Saigontourist, doanh nghiệp này này đang quản lý 8 công ty dịch vụ lữ hành, 54 khách sạn, 13 khu du lịch, 28 nhà hàng, đầu tư vào 50 công ty liên doanh, công ty cổ phần, công ty TNHH với quy mô phòng lên tới 8.000.

Đặc biệt, "ông lớn" TP. HCM này sở hữu và đầu tư vào 30 khách sạn 4-5 sao, trong đó có 7 khách sạn 5 sao tại TP. HCM như Rex, Caravelle, New World Sài Gòn, Sheraton, Pullman, Intercontinental.

Trên sổ sách, tổng tài sản của Saigontourist trị giá hơn 9.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 7.700 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế năm 2018 ở mức trên 1.000 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp "con cưng" khác của TP. HCM có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng cũng trong diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65%, có thể kể đến như: Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group), Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Tại Hà Nội, có ba đại diện đáng chú ý gồm Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transeco), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC); trong đó HandicoUDIC đều có tổng tài sản trên 6.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 3.000 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước trong diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50%, có ba doanh nghiệp sở hữu khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp sở hữu khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ đồng là Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1). Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của doanh nghiệp này lên đến trên 112.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 23.200 tỷ đồng; tuy nhiên lợi nhuận trước thuế khá khiêm tốn so với quy mô với chưa đến 1.000 tỷ đồng.

Theo sau Genco 1 là Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) với tổng tài sản trên 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 870 tỷ đồng.

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) - nhà phát triển bất động sản "có máu mặt" - cũng là cái tên đáng chú ý. Tổng tài sản của doanh nghiệp này trên 10.000 tỷ, trong khi vốn chủ sở hữu khoảng 4.000 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp lớn khác trong diện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% gồm Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC).

(*) Các số liệu tài chính trong bài viết lấy nguồn từ báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2018 của các doanh nghiệp, trừ trường hợp của Handico, HUD, Genco 1 (nguồn từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018)

Tin mới lên