M&A

Thương vụ tuần qua: Bầu Đức 'dứt ruột bán con’, ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ROS thu nghìn tỷ

(VNF) - Cùng VietnamFinance điểm lại những tin tức nổi bật liên quan đến mua bán, sáp nhập trong tuần qua: Bầu Đức hoàn tất việc bán mảng bất động sản cho tỷ phú Trần Bá Dương; GIC và Credit Suisse chính thức sở hữu trên 16% vốn tại VCM – công ty mẹ của Vinmart, Vinmart+; TPBank muốn nâng sở hữu tại Chứng khoán Tiên Phong lên trên 9%; tỷ phú Trịnh Văn Quyết giảm sở hữu tại ROS...

Thương vụ tuần qua: Bầu Đức 'dứt ruột bán con’, ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu ROS thu nghìn tỷ

Thương vụ tuần qua: Bầu Đức 'dứt ruột bán con’, ông Trịnh Văn Quyết thu nghìn tỷ nhờ bán cổ phiếu ROS

Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng dự án bất động sản tại Myanmar cho Đại Quang Minh

Ngày 1/10, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE:HAG) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT đã  thông báo nghị quyết của HĐQT về việc chuyển nhượng 48% vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh cho Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

Với quyết định này, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn còn lại trong mảng bất động sản cho Đại Quang Minh, công ty con của Thaco do tỷ phú Trần Bá Dương làm chủ tịch.

Sau giao dịch trên, Thaco thông qua Đại Quang Minh sẽ sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar. Đây là dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh Gia Lai.

Trong báo cáo thường niên 2018, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã thông báo sẽ rút lui hoàn toàn khỏi mảng bất động sản trong năm nay. Đây là một phần trong chiến lược bán tài sản để cải thiện khả năng thanh khoản của công ty bầu Đức.

Trước đó, vào ngày 9/9/2019, tại lễ kỷ niệm một năm hợp tác chiến lược giữa Hoàng Anh Gia Lai và Thaco, bầu Đức cho biết số tiền Đại Quang Minh bỏ ra để tiếp quản dự án Hoàng Anh Myanmar là 8.155 tỷ đồng.

Thaco sẽ chịu trách nhiệm đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 của dự án đang chậm tiến độ để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar.

Việc tiếp quản Hoàng Anh Myanmar là một phần trong kế hoạch đầu tư tổng số tiền hơn 22.000 tỷ đồng của Thaco vào Hoàng Anh Gia Lai.

GIC và Credit Suisse chính thức sở hữu trên 16% vốn tại VCM

Như VietnamFinance đã thông tin hôm 1/10, thông qua công ty con là Ardolis Investment, GIC đã chính thức sở hữu 9,75% vốn tại Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mẹ của chuỗi Vinmart, Vinmart +, trong khi Credit Suisse chi nhánh Singapore sở hữu 6,5%.
Người đại diện phần vốn của GIC tại VCM là ông Choo Koon Po, còn đại diện phần vốn của Credit Suisse tại đây là ông Lee Welling.

Đặc biệt, ông Choo Koon Po còn giữ chức vụ thành viên HĐQT tại VCM. Ngoài ông Choo Koon Po, HĐQT của VCM còn có các thành viên khác là ông Bùi Xuân Toàn và ông Phạm Tuấn Anh. Chủ tịch HĐQT VCM hiện nay là bà Mai Hương Nội.

Sau giao dịch, tỷ lệ vốn nước ngoài tại VCM đạt 16,26%. Tập đoàn Vingroup vẫn là cổ đông kiểm soát của VCM, sở hữu 64,3% vốn. Hai cổ đông sáng lập là các cá nhân Ngạc Văn Lượng sở hữu 3,63%; Bùi Xuân Toàn sở hữu 10,94% vốn tại VCM.

Công ty VCM được thành lập tháng 8/2019, đang sở hữu 100% vốn Vincommerce và là công ty mẹ của hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart +. Theo giới thiệu, Vingroup đã có tới 114 cửa hàng siêu thị VinMart và 1.990 cửa hàng Vinmart + theo mô hình cửa hàng tiện lợi, tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2019.

TPBank sẽ mua 4 triệu cổ phiếu ORS trong quý IV

Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) đã thông qua phương án mua 4 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (UPCoM: ORS) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị 40 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giao dịch trong quý IV/2019. Sau giao dịch, TPBank sẽ sở hữu 9,09% vốn tại ORS và trở thành cổ đông lớn tại đây. 

 Tiền thân của Chứng khoán Tiên Phong là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông. Do tác động tiêu cực từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ORS đã lỗ 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) và bị hủy niêm yết 24 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 9/4/2019. Cũng trong tháng 4, ORS phát hành riêng lẻ 16 triệu cổ phiếu cho 2 cá nhân để tăng vốn từ 240 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, sau đó bất ngờ đổi tên từ chứng khoán Phương Đông thành Chứng khoán Tiên Phong và đổi luôn nhận diện thương hiệu.

Đáng chú ý, logo của ORS thuộc bộ logo của Ngân hàng Tiên Phong. Tên viết tắt của công ty là TPS, tên giao dịch là TP Securites.

Ngay sau đó, ông Đỗ Anh Tú - thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch TPBank được bầu giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Tiên Phong nhiệm kì 2016-2021. Ông Tú là em trai ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank.

Hiện, ORS có 4 cổ đông lớn gồm bà Vũ Lê Thùy Linh đang sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu ORS, tương ứng tỷ lệ 23,25%; bà Nguyễn Thị Minh Loan sở hữu 9 triệu cổ phiếu ORS tương ứng 20% vốn; ông Nguyễn Huy Minh sở hữu hơn 2,4 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 6% và bà La Mỹ Phượng sở hữu hơn 2 triệu cổ phiếu ORS, tỷ lệ 5,13% vốn.

Ông Trịnh Văn Quyết bán 70 triệu cổ phiếu ROS, thu về hơn 1.800 tỷ đồng

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS) đã công bố bán xong 70 triệu cổ phiếu ROS hôm 4/10.

Sau giao dịch, ông Trịnh Văn Quyết giảm số lượng nắm giữ từ 382, 2 triệu cổ phiếu ROS xuống còn 312, 2 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 55, 01%. Đây là lần đầu tiên ông Quyết thoái vốn kể từ khi ROS niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2016.

Trong thời gian ông Trịnh Văn Quyết thực hiện giao dịch, từ 5/9 đến 1/10/2019, thị trường ghi nhận hơn 101 triệu cổ phiếu ROS được giao dịch thoả thuận, với tổng giá trị 2.674 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi cổ phiếu được bán ra với giá 26.475 đồng.

Tạm tính theo mức giá này, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về hơn 1.800 tỷ đồng sau khi hoàn tất giao dịch.

Bộ Công Thương bác tin đồn Sabeco bán cổ phần cho nhà đầu tư Trung Quốc

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã bác bỏ thông tin Sabeco bán vốn cho doanh nghiệp Trung Quốc. Theo ông Hải, Sabeco hiện có hai cổ đông chính là Công ty TNHH Vietnam Beverage (thuộc ThaiBev của Thái Lan) nắm giữ 53,59% và Bộ Công Thương nắm giữ 36% cổ phần, các cổ đông khác nắm 10,41%.

“Chúng tôi khẳng định mọi thông tin về việc Sabeco được bán cho công ty của Trung Quốc là không đúng sự thật” - ông Hải nói và giải thích thêm: Sở dĩ Nhà nước Việt Nam giữ lại 36% vốn tại Sabeco là để nắm quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng khi trình ra hội đồng quản trị.

Ông Hải nhấn mạnh: “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương luôn ủng hộ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Nhà nước Việt Nam hiện đầu tư vốn tại nhiều doanh nghiệp, việc phát tán tin tức sai sự thật về doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Do đó, đối diện với các tin đồn sai sự thật, các doanh nghiệp cần thu thập bằng chứng gửi các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định, thậm chí sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra".

Tin mới lên