Tài chính quốc tế

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: Ông Trump khẳng định sẽ ‘không quá nóng vội’

(VNF) - Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 19/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng ông không vội vàng và sẽ không gây sức ép buộc Bình Nhưỡng lên lịch trình cụ thể cho mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội: Ông Trump khẳng định sẽ ‘không quá nóng vội’

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

"Miễn là không còn các vụ thử tên lửa và hạt nhân, tôi sẽ không nóng vội. Nếu vẫn còn các vụ thử, đó lại là chuyện khác. Tôi chỉ muốn thấy Triều Tiên cuối cùng cũng sẽ giải trừ hạt nhân", Reuters dẫn lời ông Trump.

Theo hãng tin Yonhap, trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Trump chia sẻ ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sắp tới sẽ đạt được tiến triển lớn.

Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Trump đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội và nói rằng ông sẽ tiếp tục thảo luận sát sao với Tổng thống Moon về kết quả của hội nghị cũng như các biện pháp tiến hành sau đó.

Theo dự kiến, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào ngày 27-28/2 tại thủ đô Hà Nội.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Việt Nam lần này, điều đầu tiên mà ông Trump và ông Kim cần phải đạt được sự nhất trí là định nghĩa về “phi hạt nhân hóa” và “hòa bình” trên Bán đảo Triều Tiên.

Washington nhìn nhận phi hạt nhân hóa là loại bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân, thiết bị, vật liệu, cơ sở hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo tại Triều Tiên. Trái lại, Bình Nhưỡng xem phi hạt nhân hóa là loại bỏ hoàn toàn khí tài chiến lược của Mỹ, vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và vũ khí có khả năng mang hạt nhân, thậm chí cả sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên.

Đối với Triều Tiên, chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trùng khớp với định nghĩa về hòa bình của nước này. Ngược lại, Mỹ cho rằng hòa bình thực sự là chấm dứt tình trạng thù địch với Bình Nhưỡng trong khi vẫn duy trì liên minh mạnh mẽ với Triều Tiên và có quân đội trên Bán đảo Triều Tiên.

Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là thỏa thuận về lộ trình hòa bình-phi hạt nhân hóa toàn diện.

Trong trường hợp thỏa thuận này không được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, hai nhà lãnh đạo sẽ có khuynh hướng tuyên bố một thỏa thuận nhỏ nhưng tiềm năng hơn để chứng tỏ rằng đã có nhiều tiến bộ đạt được trong quá trình thúc đẩy ý tưởng vạch ra tại Thượng đỉnh lần 1.

Theo hãng tin Yonhap, đặc phái viên Triều Tiên phụ trách các vấn đề về Mỹ Kim Hyok-chol đã đến Bắc Kinh ngày 19/2 trên đường sang Hà Nội để thảo luận về chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Nhiều khả năng ông Kim sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun tại Hà Nội để gút lại những vấn đề chi tiết sẽ được thảo luận trong cuộc gặp sắp tới giữa ông Kim và ông Trump.

Cũng theo Yonhap, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Alex Wong phụ trách về Triều Tiên cũng đã lên đường đến Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Xem thêm >> Tỷ phú Nhậm Chính Phi ‘đáp trả’ Mỹ: Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn tỏa sáng

Tin mới lên