Tài chính

Thuế bảo vệ môi trường: Công cụ tài chính để khắc phục tổn hại về môi trường

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cho rằng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những công cụ tài chính để xử lý, khắc phục những tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ.

Thuế bảo vệ môi trường: Công cụ tài chính để khắc phục tổn hại về môi trường

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

- Ông nhận định thế nào về đề xuất mới đây của Bộ Tài chính tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về biểu thuế BVMT?

Thực tế tại Việt Nam những năm vừa qua cho thấy tăng trưởng kinh tế cao kèm theo đó là mức độ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dụng công nghệ cao.

Thu thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính để bù đắp lại, khắc phục tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ. Trong điều kiện khung còn mà giá cả chịu đựng được thì chúng ta phải tính đến việc tăng thuế. Với việc giảm thuế xuất nhập khẩu (XNK) xuống, cần phải tăng thuế trong nội địa lên, trong đó thuế BVMT là một trong những sắc thuế liên quan đến việc bảo đảm cân đối và cơ cấu lại ngân sách.

Bên cạnh đó, yêu cầu của việc BVMT, khí thải do xăng dầu gây ra không phải là vấn đề nhỏ.

Trong phạm vi của luật, việc tăng thuế BVMT của mặt hàng xăng dầu là được phép. Việc này liên quan đến chủ sử dụng các phương tiện, những người trực tiếp gây ảnh hưởng tới môi trường.

- Nhiều ý kiến lo lắng, việc điều chỉnh kịch khung đối với mặt hàng xăng gây áp lực lên mặt bằng giá, thưa ông?

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, thuế BVMT là thuế gián thu, khi áp thuế cao thì đương nhiên là giá cả có biến động. Nhưng theo tôi sự biến động này là cần thiết, vì chúng ta phải tính toán tương quan về giá giữa các nước trong khu vực.

Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á nói chung. Chúng ta lo an ninh năng lượng đất nước, nhưng không thể lo cho hàng xóm được. Cho nên nếu ta để giá quá thấp, sẽ "chảy máu" xăng dầu sang các nước khác. Trong khi đây là nguồn thu quan trọng và chúng ta không thể từ bỏ quyền lợi của mình được.

Vì vậy cần phải xem xét tương quan về giá để đảm bảo chúng ta không bị hao tổn nguồn lực khi phải bù lỗ cho các nước trong khu vực. Đây là lợi ích quốc gia chúng ta phải tính đến. Trong lợi ích quốc gia có lợi ích của Nhà nước và người dân.

Theo tôi, trước mắt việc tăng thuế giá xăng sẽ có biến động. Tuy nhiên, nếu có tăng giá xăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá thành sản phẩm, bởi xăng dầu chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố quyết định giá thành các sản phẩm, dịch vụ có liên quan. Nếu doanh nghiệp sử dụng phương tiện hợp lý thì sẽ không có đột biến.

- Thực tế, thuế BVMT thu được không đủ bù chi, vì theo thống kê của Bộ Tài chính số chi bình quân hàng năm cho BVMT luôn vượt quá số thu?

Nếu chỉ rõ "đồng nào mua mắm đồng nào mua tương" thì rất khó, vì ngân sách của chúng ta là ngân sách tập trung. Thu tập trung về một mối, chi tiêu theo chương trình của Chính phủ, được Quốc hội phê duyệt.

Cho nên có năm thu từ thuế BVMT ít nhưng chi nhiều, có năm chi nhiều nhưng không thu. Ví dụ hàng chục năm trước chúng ta không thu thuế BVMT, nhưng vì nhiệm vụ BVMT, chúng ta đã phải chi từ thời kỳ đó rồi.

Chính vì thế, nếu nói rằng trong 1 năm số thuế thu về phải đảm bảo chi cho năm đó, thì chưa hẳn đúng, mà phải xem xét theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như tính dài hạn của vấn đề sản xuất, xã hội và môi trường.

- Trong các buổi làm việc gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý ngành Tài chính phải tập trung cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng các cơ sở thu thuế trong đó có thu nội địa. Đây có phải là bài toán ngành Tài chính buộc phải giải trong cân đối ngân sách, thưa ông?

Hiện nay, vấn đề cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang được đặt lên hàng đầu theo hướng tăng nguồn thu nội địa và giảm số thu từ hoạt động XNK theo phạm vi quốc tế; theo nguyên tắc tổng số thuế không thay đổi đảm bảo chi tiêu toàn dân.

Thực tế trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân là 23,4% GDP (so với mục tiêu đề ra là 23 - 24% GDP); trong đó, động viên về thuế và phí đạt 21,6% GDP (thấp hơn mục tiêu đề ra là 22 - 23% GDP).

Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm (2016 - 2020) bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 - 85%. 

Đồng thời, đã xác định, tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu, nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào NSNN, bảo đảm tỷ trọng thu nội địa không thấp hơn mức quy định trên, phù hợp với sự phát triển của đất nước; bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu; tăng tỷ trọng thu nội địa...

Những năm gần đây, khi chúng ta cắt giảm thuế XNK, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để trợ giúp doanh nghiệp thì tỷ lệ động viên về thuế có nguy cơ không đảm bảo được mức đã đề ra. Cho nên, đó vẫn là định hướng lớn cho thời gian tới để đảm bảo cân đối ngân sách.

Tin mới lên