Bất động sản

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng và Quảng Nam tìm cách 'hạ sốt' thị trường bất động sản

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng, Quảng Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận".

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng và Quảng Nam tìm cách 'hạ sốt' thị trường bất động sản

Hàng loạt kiot giao dịch bất động sản tự phát mọc lên tại Đà Nẵng.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về việc "sốt" giá đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam mà một số cơ quan báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.

Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng cùng UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận" như báo chí phản ánh.

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, giá đất ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam gần đây bỗng dưng nóng lên một cách bất thường. Giá đất ở đây có nơi tăng cao gấp 5-6 lần so với trước đây.

Những quán cà phê cóc, vỉa hè tại một số khu vực ở Đà Nẵng còn trở thành nơi các 'cò' đất tụ họp để giới thiệu và giao dịch bất động sản. Cảnh giao dịch đặt cọc, giao tiền diễn ra rất nhanh gọn. Nguyên nhân được các 'cò' đất đưa ra cho việc tăng giá này là do khu vực này có những dự án trọng điểm đang khởi động như Cảng Liên Chiểu sắp xây dựng; Khu Công nghệ thông tin sắp khánh thành; Khu Công nghệ cao đang được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm…

Còn tại Quảng Nam, giá đất cũng tăng đột biến. Tại trung tâm TP. Tam Kỳ và các huyện, thị xã, giá đất được đẩy lên cao. Thậm chí có xã 80% đất trồng cây lâu năm đã được người dân bán.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia bất động sản cảnh báo thị trường bất động sản hiện nay của Đà Nẵng và Quảng Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ vỡ trận, bởi giá hiện nay đã lên mức “khủng”. Nhất là trong trường hợp các ngân hàng siết chặt việc cho vay, tăng lãi suất, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền.

Trên thực tế, tại Đà Nẵng và Quảng Nam có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật. Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản, sau đó khách hàng này tiến hành chuyển cọc qua nhiều khách hàng thứ cấp để hưởng chênh lệch.

Tin mới lên